Phát triển năng lượng

Một phần của tài liệu Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững (Trang 96 - 98)

Quản lý môi trường trong lĩnh vực năng lượng đòi hỏi sự đầu tư nhiều công sức trong các mặt sau đây:

- Xây dựng một chiến lược quốc gia về phát triển bền vững các nguồn năng lượng của đất nước. Trong đó, ngoài các dạng năng lượng hiện nay cần mở rộng khả năng sử dụng các nguồn năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng hóa thạch trong tiêu dùng.

- Tăng cường sử dụng các công cụ pháp luật của nhà nước như tiêu chuẩn, đánh giá tác động môi trường, thanh tra, kiểm tra để quản lý môi trường các dự án phát triển nguồn năng lượng, khai thác nguồn năng lượng.

- Tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế môi trường như thuế, phí môi trường,... trong việc khai thác và sử dụng năng lượng ở Việt Nam. Tăng giá bán năng lượng thương mại (than, điện, xăng, dầu,...) để tạo ra các nguồn kinh phí cần thiết cho công tác bảo vệ môi trường.

Chiến lược năng lượng trên thế giới và ở Việt Nam a. Chiến lược năng lượng thế giới

Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, hàng năm cả thế giới tiêu thụ nguồn nhiên liệu tương đương 8 tỷ tấn dầu quy đổi, trong đó có 90% có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch như: dầu, than đá, khí đốt tự nhiên. Khối lượng lớn nhiên liệu này bị đốt cháy sẽ thải vào môi trường 37.051.670 tấn CO2.

Ở Việt Nam, năm 2000 cả nước tiêu thụ nhiên liệu tương đương 1,5 triệu tấn dầu và thải vào môi trường 113.696 tấn CO2. Khí thải đang là mối nguy cơ thực sự cho con người và môi trường. Vì vậy, để hạn chế khí thải, các nhà hoạch định chính sách môi trường trên thế giới và ở Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục và các chiến lược năng lượng.

Chiến lược và chính sách năng lượng thế giới đã được phát thảo trong tài liệu “Cứu lấy Trái đất”. Mục tiêu chính của chiến lược là nâng cao tính hiệu quả trong trong lĩnh vực năng lượng nhằm đạt được sự PTBV của loài người. Chiến lược đề ra một số hành động ưu tiên:

- Soạn thảo những chiến lược quốc gia về năng lượng thật rõ ràng và chính xác cho thời gian khoảng 30 năm tới.

- Hạn chế sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch, sự lãng phí trong việc phân phối năng lượng và ô nhiễm môi trường trong việc sản xuất năng lượng thương mại.

- Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo được và những nguồn năng lượng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch khác.

- Sử dụng năng lượng có hiệu quả cao hơn nữa ở gia đình, các khu công nghiệp, các công trình công cộng và giao thông.

- Phát động các chiến dịch tuyên truyền quảng cáo để đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng và bán các sản phẩm tiêu thụ ít năng lượng.

Trong bối cảnh môi trường thế giới đang bị biến động mạnh bởi sự gia tăng hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu toàn cầu, thì việc giảm bớt sự phát thải khí nhà kính đang là vấn đề cần được ưu tiên của các tổ chức quốc tế và các quốc gia thành viên.

b. Chiến lược năng lượng ở Việt Nam

Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có một văn bản chính thức về chiến lược và chính sách năng lượng. Tuy nhiên, dựa vào các văn bản về môi trường và cách tiếp cận hệ thống có thể phát thảo khung chiến lược năng lượng Việt Nam gồm các điểm chủ yếu sau:

Chiến lược về nguồn năng lượng

Việt Nam là quốc gia có dự trữ tương đối cao về năng lượng gồm trữ lượng lớn than đá (3,5 tỷ tấn), than nâu, dầu khí, thủy điện và nguồn nhiệt bức xạ mặt trời phong phú. Vì vậy, việc đầu tiên là xây dựng được một cơ cấu nguồn năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng thương mại hợp lý bằng cách kết hợp hài hòa giữa năng lượng hóa thạch, thủy điện và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Nguồn năng lượng nguyên tử chỉ nên sử dụng khi các nguồn năng lượng khác không đủ với nhu cầu sử dụng trong nước.

Chiến lược tiết kiệm tiêu dùng năng lượng thương mại

Việc tiết kiệm tiêu dùng năng lượng thương mại cần được thực hiện kể từ quá trình khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các cơ sở sản xuất điện thương mại, tiết kiệm tiêu dùng điện thương mại trong các ngành công nghiệp, giao thông, hộ gia đình và công sở. Biện pháp có hiệu quả để thực hiện là lựa chọn các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, giảm tổn thất truyền tải năng lượng từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng, sử dụng có hiệu quả các công cụ kinh tế (thuế, phí năng lượng) để giảm mức tiêu thụ năng lượng đặc biệt là điện tiêu dùng...

Chiến lược ưu tiên phát triển và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo quy mô nhỏ

Do các đặc điểm tự nhiên, lãnh thổ Việt Nam có nhiều nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo quy mô vừa và nhỏ như: bức xạ mặt trời vùng nhiệt đới, các nguồn thủy điện, các nguồn địa nhiệt, một lượng sinh khối lớn dưới dạng các chất thải nông lâm nghiệp và rác thải sinh hoạt, một số khu vực có thủy triều cao và gió thường xuyên tốc độ lớn,… Vì vậy, việc khai thác các nguồn năng lượng sạch và tái tạo trên không chỉ có lợi cho hoạt động BVMT, mà còn có hiệu quả kinh tế cao do giảm bớt chi phí chuyển tải năng lượng thương mại tới vùng sâu, vùng xa. Chiến lược này đòi hỏi có các chính sách đầu tư về khoa học, kinh tế và xã hội thích hợp.

Hiện nay, Bộ Công nghiệp đang hoàn chỉnh Dự án Luật tiết kiệm năng lượng

trình Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam xem xét và thông qua trong thời gian sớm nhất nhằm ban hành Luật tiết kiệm năng lượng như một công cụ quản lý thích hợp và hiệu quả nhất trong chương phát triển năng lượng ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững (Trang 96 - 98)