I. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỦ ĐÔ, NHỮNG QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU THU NGÂN SÁCH THÀNH PHỐ
1. Dự báo bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến sự phát triển của Hà Nộ
Hà Nội
Trong giai đoạn 2006-2010, tình hình quốc tế tiếp tục có những diễn biến khó lường trước trên nhiều mặt; tình hình trong nước vừa có những cơ hội mới, tạo thuận lợi cho phát triển lại vừa tiềm ẩn những thách thức trong quá trình xây dựng thủ đô. Có thể dự báo những nhân tố trong nước và quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội trong giai đoạn tới như sau:
- Quá trình hội nhập và toàn cầu hoá kinh tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn. Với khả năng Việt Nam được kết nạp vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và phải hoàn thành lịch trình tổng thể thực hiện giảm thuế theo AFTA (CEFT) vào 1/1/2006 sẽ vừa tạo thuận lợi, vừa tạo ra những khó khăn cho từng doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ kinh tế Hà Nội và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong quá trình cạnh tranh để phát triển.
- Tình hình an ninh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả các mặt chính trị, an ninh và xã hội. Bên cạnh xu thế đối thoại và hợp tác vẫn tiềm ẩn những nguy cơ xung đột vũ trang khu vực, căng thẳng do mâu thuẫn về xu hướng chính trị, lợi ích dân tộc, sắc tộc, tôn giáo. Đặc biệt, nguy cơ khủng bố quốc tế, diễn biến hòa bình sẽ là những thách thức trước yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn, bảo đảm ổn định hòa bình và trật tự xã hội.
- Đến năm 2010, Thủ đô Hà Nội cùng với cả nước kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Đây là một sự kiện trọng đại trong lịch sử phát triển của Thủ đô; là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh dự của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô. Phát huy thành tựu 20 năm đổi mới và các tiềm năng, nguồn lực, khơi dậy lòng yêu nước và truyền thống Thủ đô anh hùng, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự hợp tác và giúp đỡ của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, Thành phố Hà Nội có nhiều thuận lợi để tạo ra bước
ngoặt trong sự phát triển.
- Sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và các địa phương khác trong thời gian qua và khả năng phát triển trong thời gian tới sẽ tiếp tục tạo điều kiện phát triển mạnh thị trường trong nước, do đó tạo thuận lợi cho sự phát triển của Hà Nội. Việc Chính phủ triển khai xây dựng và thực hiện quy hoạch Vùng Thủ đô, tăng cường phát triển các vùng kinh tế trọng điểm sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển của Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố lân cận nói chung, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu phát triển nhanh hơn của Thủ đô để xứng đáng với vai trò “đầu tầu” của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước.
- Trong quá trình phát triển thời gian tới, Hà Nội tiếp tục phải chịu những thách thức do sự tăng cường cạnh tranh giữa các địa phương khác trong thu hút đầu tư và khai thác các nguồn lực hữu hạn, do nguy cơ gia tăng luồng di dân và lao động tự do vào Thành phố, tạo ra sức ép ngày càng lớn với Thủ đô trước các vấn đề kỹ thuật đô thị và xã hội nan giải, làm tăng những bất cập của khả năng đầu tư và năng lực quản lý đô thị. Kinh tế Hà Nội vẫn đứng trước những khó khăn: trình độ phát triển lực lượng sản xuất còn thấp, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp và nhiều sản phẩm còn chưa đáp ứng được các yêu cầu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các thiết chế và cơ chế hoạt động của các loại thị trường còn thiếu đồng bộ.
Như vậy, bước vào thời kỳ tới (2006-2010), Hà Nội vừa được kế thừa những thành quả phát triển của kế hoạch 5 năm 2001-2005, có khả năng phát huy những kinh nghiệm đã tích lũy trong khai thác các nguồn lực, trong chỉ đạo điều hành phát triển, trong đổi mới quản lý kinh tế - xã hội, vừa có thể tận dụng được những cơ hội mới mà sự phát triển trong nước và quốc tế đem lại. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội Thủ đô cũng đứng trước nhiều thách thức gay gắt, mà trước hết là việc các doanh nghiệp phải cạnh tranh quyết liệt hơn với các đối thủ cạnh mạnh trong nước và thế giới,
cũng như yêu cầu của việc chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và đổi mới phong cách quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành Thành phố.
Gắn liền với khả năng tăng trưởng của nền kinh tế, thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng không ít bởi bối cảnh hội nhập trong giai đoạn tới. Nhiều sắc thuế thay đổi đáp ứng các hiệp ước thương mại khi Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế. Những chính sách bảo trợ, khuyến khích, hỗ trợ các DN trong nước, các ngành nghề lĩnh vực có tính chiến lược… cũng tất yếu dẫn đến những thay đổi trong cơ chế thu ngân sách trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung. Mặt khác, những cơ hội mà bối cảnh quốc tế mang lại cho Thủ đô cũng đồng thời tạo ra những triển vọng thu mới cho ngân sách thành phố.