III. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THU NGÂN SÁCH
3. Các biện pháp hành thu nhằm xây dựng hệ thống quản lý thu thuế hiệu quả, trong sạch.
3.1. Xây dựng bộ máy hành thu tinh giản, hiệu quả
Xây dựng đội ngũ quản lý, thực hiện công tác thu NSNN trên địa bàn tinh giản gọn nhẹ, đồng bộ, thống nhất đáp ứng được yêu cầu. Cùng với việc phân cấp thêm nhiệm vụ quản lý thu xuống các quận huyện cơ sở, thành phố cũng cần có biện pháp tăng cường bộ máy quản lý các cấp đáp ứng được yêu cầu mới như: cơ cấu cán bộ viên chức đủ đáp ứng yêu cầu công việc, trang bị các cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ hiện đại... Đối với những đơn vị giảm trách nhiệm, quyền hạn thu cũng cần biên chế lại, thu gọn bộ máy.
Phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa các cấp chính quyền, các đơn vị thu tránh chồng chéo nhằm thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý hành thu đối với từng khoản thu, sắc thuế, từng địa bàn, từng đối tượng nộp thuế: Tận thu các đối tượng nộp thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, đảm bảo thu 100% đối tượng nộp thuế có địa điểm cố định; Quản lý chặt chẽ đối tượng nộp thuế; Đôn đốc thu nộp và cưỡng chế các khoản nợ thuế. Đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra; Chủ động triển khai các khoản thu liên quan đến đất đai... (thanh kiểm tra nắm bắt đối tượng sử dụng đất, nắm bắt diện tích đất của các đối tượng thuê đất, điều chỉnh giá đất hợp lý...).
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy từ Văn phòng Cục đến Chi cục Thuế các quận/huyện trực thuộc theo hướng thu hẹp các đầu mối quản lý trực tiếp và các khâu chức năng mang tính phục vụ nội ngành để hình thành và tập trung bổ sung nguồn nhân lực cho các bộ phận chức năng quản lý thuế chủ yếu như tuyên truyền - hỗ trợ, thanh tra - kiểm tra, xử lý tờ khai dữ liệu thuế, quản lý và thu nợ phù hợp với cơ chế tự khai - tự nộp. Trước mắt sẽ tăng cường phân cấp thu trước bạ các loại, thu thuế khu vực kinh tế ngoài quốc
doanh cho các Chi cục Thuế kết hợp với mở rộng ủy nhiệm thu phường/xã để thu hẹp, tiến tới giải thể phòng trước bạ, phòng quản lý doanh nghiệp dân doanh; thu hẹp và sát nhập dần các phòng quản lý doanh nghiệp nhà nước với chức năng chủ yếu theo dõi nợ và thu nợ làm nền tảng cho sự hình thành Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế thu nợ sau này; kiện toàn cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng các bộ phận tuyên truyền, hỗ trợ thanh tra kiểm tra; quy định lại và rõ ràng chức năng nhiệm vụ của các bộ phận. Mục đích cuối cùng là đảm bảo tổ chức bộ máy thu vừa gọn nhẹ, vừa đầy đủ chức năng, không chồng chéo, trùng lắp.