II. CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LÝ VỀ THU NGÂN SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
2. Các quy định hiện hành trong lĩnh vực thu ngân sách
2.1.2. Phân cấp quản lý thu ngân sách
Phân cấp quản lý NSNN được nhìn nhận như một biện pháp quản lý hoạt động của NSNN. Thực chất của việc phân cấp quản lý NSNN là việc phân chia trách nhiệm, quyền hạn trong quản lý hoạt động của NSNN cho các cấp chính quyền nhằm làm cho hoạt động của NSNN lành mạnh và đạt hiệu quả. Phân cấp quản lý thu được thực hiện theo nguyên tắc thống nhất, tập trung dân chủ, trên tinh thần phân định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ thu cho từng cấp ngân sách. Phân cấp quản lý thu NSNN phải nhằm tập trung đại bộ phận thu lớn, ổn định cho NS trung ương, đồng thời tạo cho NS địa phương có nguồn thu gắn với địa bàn. Các cơ chế, chính sách thu, phương thức quản lý ngân sách phải thống nhất, đồng thời mỗi cấp chính quyền địa phương được đề cao vai trò tự chủ, sáng tạo trong hoạt động quản lý và điều hành ngân sách cấp mình. Luật NSNN quy định nguồn thu ngân sách địa phương gồm: Các khoản thu NS trung ương hưởng 100%, các khoản thu để lại địa phương 100% và các khoản thu phân chia theo tỷ lệ % giữa trung ương và địa phương. Thu ngân sách cấp tỉnh lại được phân cấp tiếp tục cho các quận huyện, xã phường trên cơ sở các quyết định của HĐND-UBND tỉnh, thành phố căn cứ nhiệm vụ và khả năng quản lý nguồn thu, khả năng khai thác nguồn thu, chống thất thu của từng quận huyện.
Như vậy, phân cấp NSNN của Việt Nam được hình thành và điều hành theo hệ thống chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương, theo nguyên tắc tập trung nguồn lực cho trung ương đồng thời phát huy tính sáng tạo, linh hoạt của mỗi địa phương.