Nuôi dưỡng nguồn thu

Một phần của tài liệu Một số biện pháp tăng cường công tác thu ngân sách của Thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2006-2010.DOC (Trang 85 - 88)

III. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THU NGÂN SÁCH

1.Nuôi dưỡng nguồn thu

Từ trước tới nay, các giải pháp tăng cường công tác thu NSNN trên địa bàn chủ yếu tập trung tận thu ngân sách mà ít đề cập đến việc phải làm sao để nuôi dưỡng những nguồn thu đó. Nuôi dưỡng nguồn thu cũng tức là mục tiêu phát triển kinh tế thủ đô với mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế hợp lý. Vai trò của quản lý kinh tế nhà nước nói chung và thành phố nói riêng đã được thực tế 20 năm đổi mới chứng minh. Để quản lý nền kinh tế chính quyền sử dụng kế hoạch hóa làm công cụ quan trọng nhất, điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Một trong những bộ phận của hệ thống kế hoạch chính là ngân sách. Thu ngân sách vì thế cũng có những tác động không nhỏ tới sự phát triển của chính các nguồn thu. Có những quan điểm cho rằng tận thu ngân sách có thể gây cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Một mức huy động hợp lý sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển bình thường, thậm chí khuyến khích, nâng cao tốc độ phát triển. Luận văn thống nhất quan điểm coi chính sách thu cũng là một biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu cho NSNN. Trên quan điểm đó, thành phố Hà Nội cần xây dựng, sử dụng ngân sách như một công cụ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế. Đặc biệt là việc sử dụng ngân sách thành phố cho những mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư những ngành mang tính chất định hướng, những ngành cung cấp các dịch vụ

công, những ngành mũi nhọn, thế mạnh…

Nuôi dưỡng nguồn thu từ DNNN, khu vực đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng số thu NSNN trên địa bàn là rất quan trọng. Ngoại trừ những DNNN do TƯ quản lý mà thành phố không tác động được, các DNNN địa phương trong giai đoạn tới cần được nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể giai đoạn tới thành phố cần hoàn thành cổ phần hóa, tư nhân hóa một bộ phận DN làm ăn thua lỗ; số DN còn lại cần sắp xếp lại, đầu tư mới nâng cao hiệu quả sản xuất, từ đó tăng nguồn thu cho NSNN.

Tiếp tục nâng cao sức hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, nâng cao nguồn thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Xu thế mở cửa mạnh từ năm 2006 sẽ tạo ra một cơ hội lớn cho HN thu hút đầu tư. Mặc dù được ưu đãi nhiều mặt, tuy nhiên thực tế nhiều năm qua, sức hấp dẫn Hà Nội đang có chiều hướng giảm sút, ngày càng chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ những vùng lân cận (Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên,...). Hà Nội cần chú trọng xây dựng biện pháp cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới.

Cần có những biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu giàu tiềm năng nhất, khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh, với sự quan tâm đặc biệt. Nhìn vào mức độ và nhịp độ phát triển, cũng như mức đóng góp tăng lên, có thể thấy, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là vượt trội nhất. Khu vực này đã vượt lên xuất phát điểm rất thấp trước khi có Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra đời để đạt ngưỡng cao trong đóng góp chung vào GDP, xuất khẩu, đầu tư, phát triển công nghiệp, tạo việc làm... Thành phố Hà Nội tuy là địa phương tập trung nhiều DNNN lớn và làm ăn có hiệu quả vào bậc nhất cả nước cũng không thể phủ nhận sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân. Thành phố Hà Nội cần coi trọng đúng mức đối với khu vực này. Trong bối cảnh hội nhập sắp tới, trước những thách thức rất to lớn từ bên ngoài, kinh tế tư nhân rất cần giúp đỡ. Đặc điểm chủ yếu của kinh tế tư nhân vẫn là khu vực vừa và nhỏ, bởi vậy sức cạnh tranh kém. Hơn thế công tác quản lý thu ngân sách cũng manh

mún nhỏ lẻ, khó kiểm soát. Do đó Hà Nội cần tạo điều kiện phát triển các DN

cỡ trung bình và cỡ lớn nâng cao sức cạnh tranh trong thời kỳ tới 2006-2010:

+ Cần có chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư lớn. Bằng cách nới lỏng, tinh giản cơ chế cho vay, khuyến khích DN đầu tư lớn vào sản xuất bằng chính các công cụ ngân sách (có thể là giảm nộp ngân sách cho những doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới,...). Hiện nay, thủ tục cho vay của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng Nhà nước còn rất rườm rà, gây cản trở lớn đối với những DN có nhu cầu vay vốn. Vừa đảm bảo những yêu cầu tối cần thiết về sự an toàn, lại vừa tạo cơ chế thông thoáng, khuyến khích các DN vay đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh là không đơn giản. Để đáp ứng được yêu cầu phát triển, thành phố cần có những nỗ lực nghiên cứu, cải cách thích hợp trong thời gian tới.

+ Tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất. Đẩy mạnh việc giao đất, lấp đầy các khu, cụm công nghiệp,... Nâng cao sự thông thoáng trong cơ chế, thủ tục hành chính. Cải tổ công tác tổ chức đấu thầu, nâng cao sự thông thoáng trong đấu thầu, cho thuê đất sản xuất kinh doanh. Vấn đề mặt bằng cho sản xuất đối với thành phố Hà Nội luôn là vấn đề nóng bỏng, là yếu điểm của thành phố trong cạnh tranh thu hút đầu tư. Với điều kiện dân số cao, diện tích eo hẹp, thành phố trong nhiều năm qua phải đối mặt với thực trạng đưa đất nông nghiệp vào sử dụng cho sản xuất công nghiệp. Công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, đền bù cho người dân… của thành phố cần phải được nâng cao trong thời gian tới. Đồng thời, cần triệt để xử lý các vụ việc vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực trong đấu thầu, gây cản trở tiến trình giao mặt bằng đến tay các DN.

+ Thực hiện tốt đấu thầu công khai, minh bạch nhằm khuyến khích tư nhân đầu tư vào các dự án lớn, kể cả những dự án phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công,... Trên thực tế, nhiều lĩnh vực trước đây thường chỉ giao cho NN làm thì nay tư nhân đã có thể tham gia và sẵn sàng tham gia. Bởi

vậy, thực hiện tốt công tác đấu thầu sẽ tạo cơ hội phát triển các DN tư nhân có quy mô lớn mạnh, trung bình, giúp nâng cao tiềm năng thu NSNN.

Trên đây là những biện pháp tăng cường nguồn thu ngân sách mà thành phố có thể chủ động được. Đối với những khoản thu phát sinh trong kinh tế xã hội như phí, lệ phí, lệ phí trước bạ, các khoản thu về tài nguyên có tích chất hữu hạn như nhà đất, luận văn chỉ đi sâu nghiên cứu đề xuất các biện pháp tăng cường tận thu ngân sách.

Một phần của tài liệu Một số biện pháp tăng cường công tác thu ngân sách của Thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2006-2010.DOC (Trang 85 - 88)