Một số mạng xã hội phổ biến

Một phần của tài liệu Sử dụng mạng xã hội trong phát triển thương hiệu báo điện tử (khảo sát báo vnexpress, VTC news, vietnamplus (Trang 28 - 33)

7. Bố cục Luận văn

1.1.4. Một số mạng xã hội phổ biến

1.1.4.1. Facebook

Facebook ra đời ngày 28/10/2003 dưới cái tên Facemash, tác giả là Mark Zukerberg. Ngày 4/2/2014, The Facebook (phiên bản cải tiến của Facemash)

chính thức xuất hiện tại địa chỉ thefacebook.com. Việc đăng ký thành viên ban đầu giới hạn ở những sinh viên của Harvard sau đó lan rộng ra các trường khác gồm Stanford, Columbia, Yale và nhanh chóng đến hầu hết các đại học ở Canada và Hoa Kỳ. Vào tháng 6/2004, Facebook chuyển cơ sở điều hành đến Palo Alto, California. Công ty đã bỏ chữ The ra khỏi tên sau khi mua được tên miền facebook.com vào năm 2005 với giá 200.000 USD.

Vào ngày 26/9/2006, Facebook mở cửa cho mọi người trên 13 tuổi với một địa chỉ email hợp lệ. Khi không giới hạn người dùng thì bất cứ ai có thể hiểu tiếng Anh trên thế giới đều có thể gia nhập mạng xã hội này. Tháng 5/2008, số người dùng Facebook đã vượt qua Myspace và tới giữa năm đó, từ khóa “Facebook” đã vượt qua từ khóa “sex” về lượt tìm kiếm trên Google.

Vào đầu năm 2008, những người điều hành Facekbook tiến hành một dự án dịch thuật để đến cuối năm đó, trang mạng này có thể được sử dụng bởi 35 ngôn ngữ khác nhau. Dự án tiếp tục được mở rộng và tới đầu năm 2010, Facebook có đến 75 phiên bản ngôn ngữ khác nhau, đồng nghĩa với 98% dân số toàn cầu có thể tiếp cận được nội dung của trang mạng xã hội này [29, tr.432]. Trong ngày 13/3/2010, số người truy cập Facebook đã vượt qua lượng người truy cập Google tại Mỹ.

Facebook là mạng xã hội giữ vị trí số 1 toàn cầu. Trong báo cáo quý 2 năm 2014 của hãng, Facebook có đến 1,32 tỷ người dùng hàng tháng và 829 triệu người dùng hàng ngày, tăng lên từ lần lượt 819 triệu và 699 triệu theo thống kê cùng thời điểm năm 2013. Facebook hướng tới 3 đối tượng: người dùng cá nhân, nhóm và trang.

Người dùng cá nhân được phép đăng ký miễn phí một tài khoản trên trang

chủ facebook, xây dựng hồ sơ cá nhân và kết nối với các bạn bè, qua đó thực hiện các tương tác như chia sẻ tâm trạng, đăng ảnh, video, bài hát, chia sẻ đường link... Nhóm có thể được bắt đầu và tham gia bởi bất cứ cá nhân nào, ở bất cứ chủ đề nào hay mối quan tâm nào. Mặc dù có những nhóm hoạt động mang tính chính thống, bên cạnh đó cũng tồn tại những nhóm được hình thành với những

nhu cầu kết nối và chia sẻ rất tự phát, thiếu tính chính quy và đôi khi ngờ nghệch. Nhóm có thể được công khai, riêng tư (nhóm kín) hoặc thậm chí bí mật mà không có hoạt động nào được chia sẻ ra bên ngoài. Trong khi đó, Trang, thường chỉ các Fanpage (trang người hâm mộ) hoặc business page (trang kinh doanh). Những trang này tồn tại có xu hướng đại diện cho tiếng nói của một công ty, một tổ chức hay một doanh nghiệp, người nổi tiếng hay một nhân vật của công chúng.

1.1.4.2. Twitter

Twitter ra đời muộn những cũng đã nhanh chóng phát triển thành mạng xã hội miễn phí hàng đầu trên thế giới. Được thành lập năm 2006 bởi ba nhà đồng sáng lập Jack Dorsey, Evan Williams và Biz Stone, Twitter cho phép người sử dụng đọc, nhắn và cập nhật những mẩu tin nhỏ gọi là Tweet. Cấu tạo của Twitter như một dạng tiểu Blog. Điểm đáng chú ý ở mạng xã hội này là nội dung mỗi lần Tweet chỉ giới hạn trong 140 ký tự. Độ dài này tương thích với SMS, mang đến cho cộng đồng mạng một hình thức tốc ký đáng chú ý, do đó, đẩy nhanh tốc độ đăng tải và lan truyền thông tin. Theo mặc định, những nội dung chia sẻ trên Twitter sẽ được xuất hiện một cách công khai, nhưng trên thực tế, các bài viết thường được chú ý bởi những người đang theo dõi (following) người đã đăng tải tweet đó.

Về cơ bản, những ứng dụng ban đầu của Twitter cũng giống như đặc tính cập nhật trạng thái (status) trên Facebook. Người sử dụng Twitter đăng tải các cập nhật ngắn gọn trả lời cho câu hỏi “Bạn đang làm gì/bạn đang thế nào?” Kết quả là một nguồn thông tin dường khổng lồ gồm các cập nhật ngắn gọn về những gì đang diễn ra trong đời sống hàng ngày xuất hiện trên Twitter. Khi việc sử dụng Twitter dần phổ biến, các dạng thông điệp cũng dần trở nên đa dạng, phong phú hơn. Những đường link được chia sẻ, những thông tin xã hội được cập nhật, những phản ứng và thái độ trước thông tin hoặc sự kiện xuất hiện ngày càng nhiều tạo ra vô số cách thức sử dụng khác nhau bởi đủ mọi lứa tuổi và thành phần sử dụng. Rất nhanh chóng, Twitter đã trở thành một trong top 10 website có lượng truy cập nhiều nhất trên Internet và được mô tả như là “tin nhắn (SMS) của

Internet”. Những người dùng chưa đăng kí có thể đọc các tweet, những người dùng đã đăng kí mới có thể đăng tweet thông qua giao diện website, SMS hoặc một loạt các ứng dụng cho thiết bị di động.

Twitter phát triển rất tốt trên thế giới, nó trở thành kênh tin tức chính của nhiều người dùng nhưng tại Việt Nam, dường như Twitter chưa thực sự phổ biến trong cộng đồng cư dân mạng. Tính tới thời điểm đầu năm 2014, Việt Nam có 22 triệu người sử dụng Facebook, tăng trưởng rất nhanh so với con số 12 triệu ở thời điểm tháng 5/2013. Trong khi đó, Twitter đã từ chối tiết lộ thống kê và không đưa ra lý do cụ thể. Nhiều ý kiến cho rằng do mạng xã hội này có quá ít người dùng tại Việt Nam.

1.1.4.3. GooglePlus

GooglePlus hay còn được gọi là Google+ tại địa chỉ http://plus.google.com bắt đầu hoạt động từ ngày 28/6/2011 với khẩu hiệu: Real-life sharing rethought for the web (tạm dịch: Định nghĩa lại trang web bằng chia sẻ đời sống thực).

Sở dĩ Google chọn cái tên Plus (+) cho sản phẩm của mình là bởi mạng xã hội này được thêm vào tất cả dịch vụ khác của Google, bao gồm Gmail, YouTube và Blogger. Google+ mang các đặc điểm phổ biến của phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm kết nối bạn bè, chia sẻ trạng thái, đăng tải nhận xét, chia sẻ ảnh và nhạc, trò chuyện video... bằng các vòng kết nối xã hội (circles). Về căn bản, GooglePlus hoạt động dưới hình thức của mạng xã hội tương tác, cho phép giao tiếp với bạn bè thông qua môi trường web và chia sẻ thông tin.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Google Plus luôn đặt ra mục tiêu phải tạo được những điểm khác biệt so với các mạng xã hội “đàn anh” như Facebook, Twitter và MySpace. Bởi vậy, các chuyên gia của Google đã nhấn mạnh vào bốn tính năng gồm Circles, Sparks, Hangouts và Mobile Instant Upload. Nhờ những tiện ích hấp dẫn và chiêu thức quảng cáo đặc biệt (trong thời gian thử nghiệm, Google rất giới hạn người dùng, chỉ những ai nhận được thư mời từ hãng mới có thể thiết lập tài khoản) GooglePlus đã tạo nên một cơn sốt trong cộng đồng mạng. Chỉ 3 tuần sau khi công bố, đã có 20 triệu tài khoản được

đăng ký, mức tăng trưởng được đánh giá là cao chưa từng có so với các mạng xã hội khác.

Theo thống kê của Wearesocial, tính đến tháng 1 năm 2014, tại Việt Nam, 95% người sử dụng Internet thường xuyên có tài khoản Facebook, thực tế sử dụng chiếm 67%. GooglePlus là mạng xã hội đứng vị trí thứ 2 về số lượng người sử dụng, vì 76% số người thường dùng Internet sở hữu một tài khoản này và 34% thực tế có sử dụng. Trong khi đó, Twitter đứng vị trí thứ 3 với 45% có tài khoản nhưng chỉ có 16% là thực sự có sử dụng [51].

1.1.4.4. YouTube

YouTube do Chad Hurley, Steve Chen và Jawed Karim, tất cả đều là những nhân viên đầu tiên của PayPal (một công ty chuyên xây dựng website thanh toán trực tuyến), sáng lập. Tên miền "YouTube.com" được kích hoạt vào ngày 14/2/2005 và trang web được phát triển vài tháng sau đó. Trong mùa hè năm 2006, YouTube là một trong những trang web phát triển nhanh nhất trong cộng đồng Web và được xếp hạng thứ 5 trong những trang web phổ biến nhất trên Alexa, với tốc độ tăng trưởng thậm chí còn nhanh hơn MySpace (trang mạng xã hội phổ biến nhất thế giới tại thời điểm đó). Chỉ hơn 1 năm sau khi ra đời (tính đến 16/7/2006) 100 triệu video clip được xem hàng ngày trên YouTube cộng thêm 65.000 video mới được tải lên mỗi ngày. Trang web có trung bình 20 triệu lượt truy cập mỗi tháng, khoảng tuổi từ 12 đến 17 tuổi chiếm ưu thế.

Trước khi YouTube xuất hiện vào năm 2005, không có nhiều lựa chọn cho người sử dụng nếu muốn đăng tải một video lên mạng Intertet. Bằng giao diện đơn giản, YouTube khiến cho bất cứ ai cũng có thể gửi lên một đoạn video mà mọi người trên thế giới có thể xem được trong vòng vài phút. Chính các chủ đề với lĩnh vực đa dạng mà YouTube bao trùm đã khiến cho việc chia sẻ video trở thành một trong những phần quan trọng nhất của việc trao đổi trên Internet.

Trên YouTube, người sử dụng đóng vai trò người xem có thể dễ dàng gửi bình luận bằng tài khoản Gmail hoặc GooglPlus, chia sẻ lại video đó một cách trực tiếp lên một loạt tài khoản mạng xã hội khác như Facebook, Twitter,

GooglePlus, Blogger, Tumblr…. hoặc dẫn lại URL. Người dùng cũng có thể theo dõi và nhận những thông báo cập nhật mới của một tài khoản nhất định sau khi nhấn nút “Subscribe” tài khoản đó. Không ít tài khoản YouTube hiện nay có số lượng người subscribe lên tới hàng triệu. Chính tính năng Subscribe đã đẩy mạnh hơn nữa độ phổ biến và nâng cao tính tương tác của người dùng YouTube.

Một phần của tài liệu Sử dụng mạng xã hội trong phát triển thương hiệu báo điện tử (khảo sát báo vnexpress, VTC news, vietnamplus (Trang 28 - 33)