7. Bố cục Luận văn
2.2.1. Cho phép độc giả trực tiếp chia sẻ bài báo bằng tài khoản mạng xã hội
Người dùng mạng xã hội có thể dễ dàng đăng tải một đường link lên tài khoản mạng xã hội của mình. Tương tự như vậy, bản thân các tờ báo điện tử cũng cho phép độc giả dễ dàng chia sẻ một tin bài nào đó lên trang xã hội cá nhân bằng vài thao tác rất đơn giản. Chỉ cần click vào biểu tượng mạng xã hội được sắp xếp sẵn trên đầu trang, góc bên phải của bài báo là chỉ dẫn chia sẻ bài hiện ra. Tiếp theo đó, một cửa sổ giao diện của trang xã hội cá nhân sẽ xuất hiện, bạn đọc có thể thêm bình luận trước khi nhấn nút chia sẻ. Thao tác hoàn thiện cũng là lúc bài báo đó hiện lên một cách công khai trên trang xã hội cá nhân của người dùng.
Với VnExpress, ba mạng xã hội được lựa chọn để độc giả có thể trực tiếp chia sẻ tin/bài là Facebook, Twitter và GooglePlus. Ngoài thanh biểu tượng được đặt phía trên góc phải bài báo, VnExpress còn thiết kế một thanh ngang với loạt biểu tượng tương tự ngay khi bài báo vừa kết thúc. Thanh công cụ này cho phép bạn đọc nhấn nút thích bằng tài khoản Facebook (tuy không phải chia sẻ nhưng về bản chất, sau khi độc giả thực hiện thì một thông báo hoạt động cũng hiện lên
trang chủ của tài khoản Facebook) đồng thời, một tùy chọn để có thể bình luận và chia sẻ bài báo lên Facebook cá nhân cũng xuất hiện ngay khi đó. Tương tự, sau nút like Facebook là biểu tượng của Twitter và Google Plus kèm theo thống kê đơn giản số lượt like, tweet và đăng lên circle. Thiết kế này rất thuận lợi cho bạn đọc đánh giá mức độ được quan tâm và được chia sẻ của bài báo. Vị trí của thanh công cụ này cũng giúp độc giả có thể ngay lập tức chia sẻ bài viết nếu đọc xong thấy hấp dẫn mà không cần phải kéo về đầu trang.
Với VTC News, độc giả muốn chia sẻ bài viết bằng tài khoản mạng xã hội cá nhân chỉ có thể dùng được tài khoản Facebook và Google Plus. Twitter không được cài đặt như một mặc định để chia sẻ. Tuy thao tác sử dụng của công cụ này đều giống nhau giữa các tờ báo nhưng khác với VnExpress, vị trí đặt thanh biểu tượng trên website của VTC News lại chỉ có ở phía cuối bài viết, thậm chí, xếp khá xa sau khi bài báo kết thúc (VTC News thiết kế khung nhỏ với hai phần riêng biệt. Phần bên trái để độc giả có thể gửi bình luận, “thích” và chia sẻ bài viết, phần bên phải cho độc giả lựa chọn theo dõi hoạt động của VTC News trên Fanpage và tài khoản GooglePlus của tờ báo). Tất cả những biểu tượng Facebook hay GooglePlus đều đính kèm với phần thống kê số lượng để độc giả theo dõi. Đáng tiếc, giữa bài báo và thanh biểu tượng mạng xã hội là một khoảng cách khá xa và bị ngắt bởi một video không có nội dung liên quan tới bài báo, do vậy đã phần nào làm ngắt mạch logic của thao tác chia sẻ bài viết hay bình luận.
Đáng chú ý là với nội dung đăng tải thuộc chuyên mục Truyền hình (gồm các video), VTC News đưa thêm cho độc giả khá nhiều lựa chọn mạng xã hội để có thể chia sẻ thông tin. Ngoài hai đại diện quen thuộc với số lượng người sử dụng lớn tại Việt Nam gồm Facebook và Google, VTC News còn đưa vào lựa chọn của độc giả những trang mạng xã hội do chính người Việt Nam thiết kế và vận hành, gồm Linkhay, ZingMe và GoPlay. GoPlay là một sản phẩm thuộc tổng công ty Truyền thông đa phương tiện nên việc được VTC News ưu ái là dễ hiểu, nhưng việc xuất hiện biểu tượng của ZingMe (mạng xã hội thuộc công ty VinaGame) và Linkhay (sản phẩm của VCCorp) còn cho thấy nỗ lực tận dụng
triệt để mọi kênh truyền thông xã hội hiện còn phổ biến tại Việt Nam của VTC News nhằm tăng cơ hội được độc giả chia sẻ bài.
Trong khi đó, VietnamPlus cũng khá giống VTC News khi không đưa Twitter vào mặc định chia sẻ bài viết. Không có biểu tượng phía trên đầu bài báo, nút “chia sẻ” và “thích” bằng tài khoản Facebook hay GooglePlus chỉ xuất hiện khi bài viết đã kết thúc, nằm sát phía mép trái, khá thuận theo quy luật đưa mắt khi đọc bài của độc giả.
Lý giải cho nguyên do lựa chọn mạng xã hội để gợi dẫn độc giả chia sẻ thông tin bài viết, nhà báo Nguyễn Mai Liên – Thư ký tòa soạn báo điện tử VnExpress đồng thời là người phụ trách Fanpage của tờ báo khẳng định: Giờ đây độc giả không có thói quen vào một hoặc một vài tờ báo xác định để tìm tin tức mình quan tâm nữa, mà họ đọc theo gợi ý, theo “recommendation” của bạn bè, người thân, của những thành viên trên mạng xã hội. Do vậy, một bài báo, muốn tiếp cận nhiều người hơn, muốn được nhiều người biết đến hơn, thì phải trở nên thân thiện với mạng xã hội, phải được mạng xã hội yêu thích. Những tính năng giúp nó được lan truyền trên mạng xã hội phải ở vị trí nổi bật hơn, ưu tiên hơn, ví dụ như nút “like”, nút “recommend”, nút “share”... Nói một cách ngắn gọn, các bài báo muốn kéo dài “sự sống” thì cần được lan truyền trên mạng xã hội [PV 01].
Hình 2.1: Vị trí các biểu tượng mạng xã hội để chia sẻ bài viết trên các tờ báo (từ trên xuống dưới: VnExpress, VTC News, VietnamPlus)