Những cơ hội và thách thức đặt ra

Một phần của tài liệu Sử dụng mạng xã hội trong phát triển thương hiệu báo điện tử (khảo sát báo vnexpress, VTC news, vietnamplus (Trang 84 - 85)

7. Bố cục Luận văn

3.1. Những cơ hội và thách thức đặt ra

Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer cho biết, đến tháng 11/2013 cả thế giới có khoảng 1,6 tỷ người sử dụng mạng xã hội (với tiêu chí là đăng nhập vào các trang mạng xã hội ít nhất 1 lần/tháng), tăng 14,2% so với thời điểm 1 năm trước đó. Dù đã chiếm khoảng 22% tổng dân số toàn cầu nhưng con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng. Hãng nghiên cứu dự báo đến năm 2017, lượng người truy cập mạng xã hội hàng tháng trên khắp thế giới sẽ đạt 2,33 tỷ người, vượt qua dân số của bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Với riêng thị trường Việt Nam, một tài liệu thống kê khác của Wearesocial (được tổng hợp từ US Census Bureau, InternetWorldStats, Facebook và ITU) cho hay tính đến tháng 1/2014, nước ta có khoảng 36,14 triệu người sử dụng Internet, chiếm 39% dân số cả nước. Sức hút của mạng xã hội tỏ ra khá lớn tại Việt Nam khi số người sử dụng nền tảng này đã đạt 38% tổng dân số. Nguồn tin nói thêm rằng Việt Nam hiện có khoảng 20 triệu người sử dụng mạng xã hội Facebook, chiếm 22 % dân số và tương đương 79% số người sử dụng Internet.

Với sự phát triển không ngừng, mạng xã hội đã từng bước khẳng định mình là một phương thức truyền thông trên Internet hiệu quả, với phạm vi lan tỏa rộng lớn và tốc độ đưa tin rất nhanh nhạy. Trước bối cảnh đó, báo chí - kênh truyền thông chính thống đã không thể xem nhẹ sự tồn tại của loại hình truyền thông mới này.

Thời gian đầu khi mạng xã hội mới ra đời, những người làm báo chí còn cho rằng báo chí “nên” sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng và những tác động ngày một sâu rộng vào đời sống thông tin toàn cầu, giới nghiên cứu đã dần thừa nhận, mạng xã hội là một phần “không thể tách rời” (integral part) của báo chí. “Người ta dần khẳng định rằng các cơ quan báo chí bắt buộc phải sử dụng mạng xã hội. Thậm chí có quan điểm rằng các cơ quan

báo chí phải có tư duy “social first” bên cạnh “mobile first” để thông tin của mình lan tỏa nhanh chóng” [PV2].

Tại Việt Nam, mối quan hệ giữa mạng xã hội và báo chí cũng phát triển theo chiều hướng tương tự. Trên mặt trận thông tin, mạng xã hội vừa là đối thủ, “người” đặt ra rất nhiều thách thức với báo chí chính thống, đồng thời cũng có thể trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động thông tin tuyên truyền của báo chí nếu nhà báo biết khéo léo tận dụng. Không chỉ trong hoạt động thông tin tuyên truyền, mạng xã hội dần trở thành kênh lan tỏa hình ảnh của tờ báo, nâng cao uy tín và giúp các tờ báo kết nối nhanh chóng với độc giả, những khách hàng sử dụng sản phẩm “thông tin” của mình.

Một phần của tài liệu Sử dụng mạng xã hội trong phát triển thương hiệu báo điện tử (khảo sát báo vnexpress, VTC news, vietnamplus (Trang 84 - 85)