Các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong quá trình hội nhập (Trang 25 - 27)

1.2.4.1. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ

Chất lượng sản phẩm, dịch vụ là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu nhà sản xuất không đáp ứng được chất lượng dịch vụ, sản phẩm thì sẽ không thể cạnh tranh và tồn tại được trên thị trường. Ngược lại, nếu doanh nghiệp sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao và giá thành hạ, thì doanh nghiệp đó sẽ thu được lợi nhuận siêu ngạch, duy trì được thị phần, gia tăng năng lực cạnh tranh và có điều kiện thực hiện tái sản xuất mở rộng.

Chất lượng sản phẩm còn là một hàm số phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố khác như: độ bền của sản phẩm, tính năng, hình thức, mẫu mã, bao bì sản phẩm, công nghệ sản xuất… Trong rất nhiều yếu tố nêu trên, yếu tố công nghệ là yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp ra thị trường.

1.2.4.2. Giá cả

Giá cả được coi là yếu tố cơ bản phản ánh năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Một doanh nghiệp được đánh giá có năng lực cạnh tranh cao, là doanh nghiệp có thể đứng vững cùng các doanh nghiệp khác và có thể sản xuất hoặc cung ứng các sản phẩm cùng loại với mức giá thấp hơn, hoặc bằng với các sản phẩm, dịch vụ khác trên thị trường, hoặc đưa ra các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt hơn.

Muốn giá của sản phẩm, dịch vụ có khả năng cạnh tranh doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ để hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ. Do đó, giá trị sản phẩm được coi là hệ quả của chỉ tiêu giá cả, để đánh giá lợi thế của doanh nghiệp trong cạnh tranh. Giữa giá cả sản xuất và giá trị sản phẩm có liên quan mật thiết với nhau. Giá trị sản phẩm là cơ sở để hình thành giá cả sản xuất. Giá trị của sản phẩm thấp, cho phép doanh nghiệp có thể hạ thấp giá bán để chiến thắng trong cạnh tranh. Trên thực tế doanh nghiệp có giá trị sản phẩm thấp nhưng doanh nghiệp bán giá

cao, đây là lợi thế tuyệt đối do độc quyền bán đem lại. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay độc quyền bán sẽ phải chịu sự chi phối của luật.

1.2.4.3. Kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ

Kênh tiêu thụ sản phẩm thể hiện khả năng cung ứng hàng hoá, dịch vụ và đưa hàng hoá, dịch vụ từ khâu sản xuất đến người sử dụng cuối cùng một cách hiệu quả nhất. Phương pháp tiêu thụ sản phẩm tốt cũng đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp bán được hàng và thu được lợi nhuận. Có nhiều hình thức tiêu thụ hàng hoá hiệu quả như: tổ chức hệ thống bán buôn, bán lẻ, bán hàng trên Internet, xây dựng hệ thống đại lý, dịch vụ bảo hành hậu mãi sau bán hàng... Nếu doanh nghiệp có kênh tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ hợp lý thì có thể chiến thắng đối thủ cạnh tranh.

1.2.4.4. Thị phần của doanh nghiệp trên thị trường

Thị phần của doanh nghiệp trên thị trường, là một tiêu chí tổng hợp đánh giá khả năng cạnh tranh mạnh hay yếu của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, kênh tiêu thụ đa dạng, hiện đại… thì chắc chắn sản phẩm, dịch vụ đó sẽ chiếm lĩnh phần lớn thị phần trên thị trường.

Đồng thời, thị phần của doanh nghiệp còn gắn với khả năng cung ứng một khối lượng lớn hàng hoá, dịch vụ vào những thời điểm nhất định, đặc biệt là sản phẩm, dịch vụ có tính chất mùa vụ cao, như: khả năng chuyên chở của đường hàng không, đường sắt, đường bộ vào các dịp lễ, Tết... Trong trường hợp doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ tốt, giá thành thấp, nhưng quy mô nhỏ bé, không có khả năng đáp ứng nhu cầu to lớn của thị trường, thì doanh nghiệp đó không thể có khả năng cạnh tranh cao hơn các doanh nghiệp khác.

Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cũng bị giảm sút theo thời gian vòng đời sản phẩm, dịch vụ. Nếu không có phương án quản lý tốt thì doanh nghiệp sẽ bị mất lợi thế cạnh tranh. Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp phải luôn nghiên cứu thị trường, thực hiện các biện pháp quản trị doanh nghiệp

hiệu quả, quản trị tốt các nguồn lực, duy trì lợi thế cạnh tranh trong điều kiện môi trường thay đổi.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong quá trình hội nhập (Trang 25 - 27)