Tính người suy kiệt

Một phần của tài liệu Thiên nhiên và con người trong tập truyện con tàu trắng của CHZ aitmatow nhìn từ lí thuyết phê bình sinh thái (Trang 48 - 51)

7. Cấu trúc đề tài

2.2.2. Tính người suy kiệt

Cuộc sống con người, dưới cái nhìn của Aitmatov đầy biến động. Tính người không phải một giá trị bất biến, mà là một biến số luôn thay đổi theo vòng quay cuộc đời. “Nhân chi sơ tính bản thiện” nhưng rồi tính thiện, tính người cao quý sẽ dần mất

mát và suy kiệt nếu không được dưỡng nuôi trong môi trường yêu thương và nhân ái, nó trở nên suy kiệt khi môi trường sống bị đẩy tới tình trạng phi nhân tính. Trong hành trình sống, để tồn tại và khẳng định bản thân, để đạt được múc đích sống, nhiều khi con người hành động một cách vô luân, chà đạp lên đạo lí làm người, và họ tìm cách làm hại, làm tổn thương cho nhau.

Aitmatov đã không lí giải là quá trình mất mát, suy kiệt tính người của các nhân vật một cách siêu hình. Ông nhận thấy có mối liên hệ giữa tình trạng tha hóa ở con người với hành trình xâm phạm và tàn phá thế giới tự nhiên. Khi chiếm đoạt tự nhiên bằng hành động dã man để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân thì theo đó phần bản năng, thú tính cũng trỗi dậy mạnh mẽ. Trong Vĩnh biệt Gunxarư, ông già Tanabai “nhớ lại thời mới bắt đầu xây dựng nông trang, người ta đã hứa hẹn với nhân dân một cuộc sống hạnh phúc…Người ta đã phấn đấu như thế nào để đạt được ước mơ ấy. Người ta đã lật nhào tất cả, chôn vùi cái cũ. Của đáng tội, cuộc sống đã bắt đầu khá lên hẳn và sẽ còn khá hơn nữa nếu không có cuộc chiến tranh đáng nguyền rủa ấy” [1;133]. Chiến tranh là trạng thái mất cân bằng của cuộc sống, nới con người sống bằng thù hận, giết chóc, và nghi kị,… một môi trường phi nhân đạo sẽ là nguy cơ giết chết phần nhân tính tốt đẹp: “họp hành toàn nói suông” con người chạy theo cuộc sống thay đổi cách sống với nhau, trước kia trong những cuộc họp người ta quan tâm đến nhân dân, hỏi han xem dân nghĩ gì, lo âu gì thì đến nay cán bộ đến “quát mắng ông chủ tịch ở trụ sở ban quản trị nông trang, và hoàn toàn không trao đổi với Xô viết xã... tình hình nông trang thì dường như là chuyện không quan trọng. Cứ làm việc đi, thực hiện kế hoạch đi, thế là được” [1;131].

Tình cảm thân thiết của những người sống chung một mái nhà không còn giá trị trong suy nghĩ của Ôrôzơkun trong Con tàu trắng. Đây là nhân vật đại diện cho tiếng nói của kẻ các, kẻ mất hết nhân tính, kẻ sống trong cuồng loạn. Vì lợi ích cá nhân, hắn bắt ông Mômun là bố vợ hắn phải bỏ mặc đứa cháu nhỏ ở trường mặc cho ông lão có khuyên ngăn, van xin. Không những cư xử thô bạo với thằng bé, hắn còn tỏ ra là một kẻ lỗ mãng, cục cằn, vô luân khi đối xử với ông Mômun - bố vợ - như kẻ hầu người hạ, mặc sức sai khiến, ra lệnh, đánh đập dã man: “Bằng một động tác nhanh gọn, Ôrôzơkun giật lấy đôi ủng giả da cũ kĩ vắt trên vai ông già Mômum và vung lên, thẳng cánh quật hai lần vào đầu và vào mặt bố vợ” [1;352]. Trước sự hi sinh của ông lão vì cuộc sống yên bình của con gái không có khả năng sinh nở, hắn đã biến ông thành kẻ

nô lệ. Thế giới người lớn trong con mắt của cậu bé thực dữ dằn và tàn bạo: Ôrôzơkun “quát mắng ông ngay trước mặt mọi người. Còn ông, đáng lẽ phải không cho phép Ôrôzơkun được nặng lời với mình thì lại tha thiết hết thảy… ông phải đảm nhận mọi công việc trong rừng thay Ôrôzơkun” [1;298]. Ôrôzơkun không chỉ là kẻ giáng những nhát rìu lên thân thể tự nhiên mà còn là kẻ gây ra bao đau thương cho những người thân của hắn. Vì lòng tham, hắn mơ có vợ là diễn viên, với cuộc sống sung sướng khiến một con người như hắn trở nên tàn nhẫn, mất hết nhân tính, không còn biết đến cảm thông, thương xót đồng loại “Ôrôzơkun bước đi một cách đường bệ, ra dáng ông chủ… y cảm thấy khoái chá được trả thù hắn hành hạ ông già “ta sẽ làm cho bố con lão cắn xé nhau. Bây giờ ả sẽ móc mắt bố. Ả đã trở nên hung dữ như con chó sói cái” [1;405]. Sự độc ác trong con người hắn không chỉ là những bản tính tự nhiên mà là sự nham hiểm, tính toán và thủ đoạn. Hắn hiện lên là một con người vô cảm, độc ác trước nỗi đau khổ của người thân: khi hắn thấy ông già “co cúm lội trong nước giá băng, kéo sợi dây cáp” [1;413] mà hắn còn như cảm thấy thỏa mãn “cười thầm cay độc- my đã bò lết đến sụp dưới chân ta...”.

Không chỉ dừng ở đấy, đi vào khai thác bản chất của con người ở các nhân vật trong Con tàu trắng,ta còn thấy được sự đối xử bất công giữa những con người mà họ vốn thuộc đồng loại với nhau: “Họ sống trong gian nguy, bởi vì họ luôn luôn thù địch với nhau… tập kích, cướp gia súc lùa đi, đốt nhà, giết người. Họ giết tất cả những kẻ nào có thể giết được” [1;tr313]. Cuộc sống, dưới con mắt của Aitmatov, đã được ông lột trần trụi mọi sự giả trang để gọi tên đúng bản chất sự sống chẳng khác nào cuộc rượt đuổi giữa người với người, con người sẵn sàng giăng bẫy, tấn công, giết hại nhau như săn đuổi con mồi: “Người không thương người. Người tiêu diệt người” [1;313]. Chỉ vì muốn chiếm đất đai, những con người đã phản bội lời hứa khi bản năng và thú tính lên ngôi và ngự trị trong họ: “giết sạch sành sanh để không còn ai nhớ đến tội ác này nữa, không còn ai mà trả thù…” [1;316].

Bộ mặt méo mó, xấu xí của con người chưa dừng lại trên nền của bức tranh con người ấy là hình ảnh một kẻ có bộ mặt tàn ác, bóc lột tên chủ tịch nông trang Jôrôkun Anđanôvits hắn dùng chính quyền hành của mình để bóc lột của cải của người dân, hắn cho rằng của cải đó không phải hắn tạo ra nhưng thuộc quyền của hắn. Bằng mọi thủ đoạn, hắn đã cướp mất con ngựa Gunxarư mà Tanabai yêu quý nhất. Sự độc ác và bất nhân của Jôrôkun Anđanôvits còn được bóc trần qua cách hắn hành hạ con vật khi

không chịu phục tùng: “Ông chủ mới nhảy một bước đến cạnh con ngựa bị quật ngã, ngồi xổm ở phía đầu nó… ông ta nhoẻn miệng cười, nụ cười biểu lộ sự căm thù và hoan hỉ thực sự, như thể nằm trước mặt ông ta không phải là một con nghựa, mà là một con người, một kẻ thù ghê gớm nhất của ông ta” [1;124]. Điểm nhìn của con ngựa Gunxarư bổ sung cho cái nhìn của Tanabai về bản chất của Jôrôkun Anđanôvits. Cũng chính hắn đã không đặt mạng sống của những chú cừu lên trên hết, mà chỉ nghĩ đến lợi nhuận thu được và đẩy Tanabai vào bước đường cùng. Ở nhân vật Ôrôzơkun trong

Con tầu trắng, những ức chế (stresss) từ việc không có con đã làm hắn buồn phiền,

mệt mỏi, đau khổ khiến hắn trút tất cả vào người vợ, hắn đánh đập vợ một cách dã man như đánh đập kẻ thù: “Con gái ông bị đánh nhừ tử, đầu tóc tơi tả, gào khóc thảm thiết…gọi con gái ông là con chó cái vô sinh” [1;308]. Đánh đập, hành hạ vợ là cách hắn trút bỏ phiền muộn, bực dọc và đau khổ.

Qua bức tranh hiện thực về đời sống con người, Aitmatov như cảnh báo về thực trạng con người đối xử với nhau bằng bạo lực, bằng thù hận, họ cư xử với nhau một cách thú tính, bản năng. Nhà văn đặt nhân vật trước thực tế “hoang hóa nhân tính”, cuồng loạn lao vào tấn công và làm hại lẫn nhau. Sự trỗi dậy của bản năng, thú tính ở con người không chỉ gây ra cái chết cho tự nhiên, mà ảnh hưởng trực tiếp đến chính đồng loại. Trong hành trình đi tìm lại bản thể người, soi mình vào vạn vật để nhận ra cái khiếm khuyết mang tính lịch sử ấy con người phải nhận ra và điều chỉnh lại chính cá nhân mình.

Một phần của tài liệu Thiên nhiên và con người trong tập truyện con tàu trắng của CHZ aitmatow nhìn từ lí thuyết phê bình sinh thái (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)