Khái niệm vận tải đa phương thức

Một phần của tài liệu Pháp luật về vận tải đa phương thức trong điều kiện hội nhập quốc tế (Trang 47 - 54)

2. Những kết quả nghiên cứu đã đạt được và những vấn đề đặt ra cần được

1.1.2.Khái niệm vận tải đa phương thức

Làm rõ khái niệm VTĐPT là một nội dung quan trọng của tất cả các công trình nghiên cứu về VTĐPT dù ở khía cạnh học thuật, kinh tế hay pháp lý.

46 Trường Đại học ngoại thương (2003), Vận tải và giao nhận ngoại thương, NXB Giao thông vận tải, tr.336.

Dưới góc độ ngôn ngữ học, khái niệm VTĐPT đã được đề cập trong từ điển trong lĩnh vực pháp luật, vận tải và logistics ở ngoài nước. Trong các từ điển Black Law47, Dictionary of Transport and Logistics của David Lowe48, VTĐPT được định nghĩa là áp dụng/sử dụng nhiều phương thức vận chuyển. Tuy nhiên, trong các từ điển tiếng Việt chưa thấy ghi nhận khái niệm VTĐPT.

Theo từ điển tiếng Việt, “vận tải” được giải nghĩa là chuyên chở người hoặc đồ vật trên quãng đường tương đối dài. Trong nhiều trường hợp, “vận tải” còn được sử dụng thay thế bằng “vận chuyển”. Cũng theo từ điển tiếng Việt, “vận chuyển” là mang chuyển đồ vật nhiều, nặng từ nơi này đến nơi khác tương đối xa49. Với cách hiểu này, “vận tải” được dùng cho phạm vi đối tượng rộng hơn, bao gồm cả người và hàng hóa, trong khi đó, “vận chuyển” chỉ được sử dụng với đối tượng là hàng hóa.

Theo từ điển Hán - Việt , “đa” có nghĩa là “nhiều”; “phương thức” có nghĩa là “phương pháp và cách thức”50. Theo từ điển tiếng Việt từ “đa” có nhiều cách giải nghĩa, tuy nhiên, khi “đa” được sử dụng với vai trò là yếu tố ghép trước để cấu tạo danh từ, tính từ, động từ, sẽ có nghĩa là “nhiều”.

Như vậy, xét ở mặt ngữ nghĩa theo các từ điển tiếng Việt, VTĐPT có thể được hiểu là việc vận chuyển người hoặc đồ vật từ nơi này đến nơi khác bằng nhiều phương pháp, cách thức.

Dưới góc độ kinh tế học, khái niệm VTĐPT chủ yếu được nhìn nhận thông qua việc kết hợp các phương thức vận tải nhằm tạo ra hiệu quả cao nhất cho hoạt động vận chuyển hàng hóa. Điểm chung của các nhà nghiên cứu khi đưa ra khái niệm dưới góc độ kinh tế học là nhấn mạnh đến sự tích hợp và kết nối liền mạch giữa các phương thức vận chuyển. Đáng chú ý, Giáo trình vận tải và bảo hiểm

47 Bryan A. Garner (Editor in Chief), Black’s Law Dictionary, 8th Edition (2004), tr.2386, 3224.

48 David Lowe (2002), Dictionary of Transport and Logistics, Printed and bound in Great Britain by Biddles Ltd, Guildford and King’s Lynn, tr.162.

49 Viện ngôn ngữ học (2002), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, tr.1005, 1106.

trong ngoại thương của Trường Đại học ngoại thương khi định nghĩa về VTĐPT đã có sự đồng nhất giữa VTĐPT và vận tải liên hợp51. Quan điểm này cũng được thấy trong một số công trình nghiên cứu khác ở trong và ngoài nước. Theo đó, thuật ngữ “intermodal transport” và “multimodal transport” có thể được sử dụng thay thế cho nhau với nghĩa là VTĐPT. Trong ấn phẩm “Benchmarking Intermodal freight transport” của Tổ chức OECD, các tác giả trong việc đưa ra một định nghĩa thống nhất làm cơ sở cho việc nghiên cứu đã khẳng định VTĐPT tùy thuộc vào ngữ cảnh và mục tiêu có thể được sử dụng bằng các thuật ngữ “intermodal transport” hoặc “multimodal transport”. Cũng trong tài liệu này, khái niệm VTĐPT (Multimodal transport) được hiểu là “vận chuyển hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận tải”52. Định nghĩa này có hạn chế là chưa chỉ ra được sự khác biệt giữa VTĐPT và sự kết hợp giữa các phương thức vận tải thông thường với sự tham gia của nhiều người vận chuyển dựa trên nhiều hợp đồng khác nhau.

Nhóm tác giả W. Brad Jones, C. Richard Cassady, Royce O. Bowden trong bài viết “Developing a standard definition of Intermodal Transportation”53 (“Phát triển một định nghĩa chuẩn về vận tải đa phương thức quốc tế”) cho rằng vận tải đa phương thức được hiểu là vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng nhiều phương thức vận tải trong một hành trình riêng lẻ, liền mạch trong đó một người vận chuyển chịu trách nhiệm pháp lý và vật chất đối với hàng hóa nhưng chưa có một định nghĩa đồng thuận về VTĐT. Thông qua việc phân tích định nghĩa VTĐPT được đưa ra bởi các cơ quan, tổ chức, các công ty như: Bộ GTVT Mỹ (the United States Department of Transportation – USDOT), Cục quản lý đường cao tốc Liên bang Mỹ (US Federal Highway Administration), Công ty vận tải CNC,… từ đó các tác giả rút ra nhận xét chung và xây dựng định nghĩa mới về VTĐPT. Theo

51 Trường Đại học ngoại thương (2011), Giáo trình vận tải và bảo hiểm trong ngoại thương, NXB Thông tin và truyền thông, tr.187.

52 OECD (2012), Benchmarking Intermodal freight transport, tr.15.

53W. Brad Jones, C. Richard Cassady, Royce O. Bowden (2000), “Developing a standard definition of Intermodal Transportation” , Transportation Law Journal, Volume 27, 2000.

các tác giả, VTĐPT “là việc vận chuyển hàng hóa và vận chuyển người bao gồm nhiều hơn một phương thức vận chuyển trong một hành trình liền mạch duy nhất”. Quan điểm này đã mở rộng hơn đối tượng của hoạt động VTĐPT, theo đó VTĐPT không chỉ được sử dụng trong vận chuyển hàng hóa mà còn bao gồm cả hoạt động vận chuyển hành khách với điều kiện chỉ cần sử dụng nhiều hơn một phương thức vận chuyển trong hành trình.

Ở Việt Nam, một số nhà nghiên cứu kinh tế cũng đưa ra khái niệm vận tải đa phương thức trong các nghiên cứu của mình. Theo tác giả Vũ Thế Bình: “VTĐPT là loại hình vận tải có ít nhất hai phương thức vận tải khác biệt được phối hợp với nhau (tàu biển, xe lửa, xe tải, máy bay,vv…) căn cứ vào một hợp đồng vận tải và vận đơn xuyên suốt giữa các công ty vận tải biển và công ty vận tải khác”54. Trong định nghĩa này, mặc dù đã đưa ra được những điểm đặc trưng của VTĐPT, tuy nhiên, tác giả lại chỉ ghi nhận chủ thể tham gia là “giữacác công ty vận tải biển và công ty vận tải khác”. Điều này cũng có nghĩa, tác giả mới chỉ đề cập tới các quan hệ VTĐPT có sử dụng phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường biển mà chưa bao gồm các hình thức VTĐPT dựa trên sự kết nối giữa các phương thức vận chuyển khác.

Dưới góc độ luật học, về cơ bản có sự thống nhất trong việc sử dụng định nghĩa đã được ghi nhận trong Công ước của Liên Hợp quốc về VTĐPT quốc tế năm 1980 (United Nations Convention on International Multimodal Transport of Goods) làm cơ sở nghiên cứu. Theo Công ước này: “Vận tải đa phương thức là vận chuyển hàng hoá bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau trên cơ sở một hợp đồng vận tải đa phương thức, từ một địa điểm ở một nước nơi người kinh doanh vận tải đa phương thức nhận hàng hoá đến một địa điểm được chỉ định giao hàng ở một nước khác”55.

54 Vũ Thế Bình (2000), Hoàn thiện phương pháp lựa chọn tàu container trong vận tải đa phương thức ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Giao thông vận tải.

Tài liệu tập huấn “Multimodal Transport Law and Operations” thuộc Dự án Sustainable Human Resource Development in Logistics Services cho các nước thành viên ASEAN năm 2014 đã định nghĩa VTĐPT “là một hợp đồng vận chuyển hàng hoá có chứa đựng một cam kết của một người vận chuyển được gọi người kinh doanh vận tải đa phương thức và thực hiện vận chuyển hàng hoá bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau từ nơi nhận hàng để vận chuyển tới một nơi để giao hàng”56.

Nhiều giáo trình giảng dạy trong các trường đại học của Việt Nam cũng đã đề cập tới vấn đề này. Theo Giáo trình Luật thương mại quốc tế của Đại học quốc gia Hà Nội, “Vận tải đa phương thức (Multimodal Transport) là phương pháp vận chuyển hàng hoá bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau, trên cơ sở một hợp đồng vận tải đa phương thức từ một điểm ở nước này đến một điểm chỉ định ở một nước khác để giao hàng”57.

Giáo trình Luật thương mại quốc tế của Trường Đại học Kinh tế quốc dân đưa ra định nghĩa như sau: “Vận tải đa phương thức là một phương pháp vận tải trong đó hàng hoá được vận chuyển bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau, trên cơ sở một chứng từ vận tải, một chế độ trách nhiệm và chỉ một người chịu trách nhiệm về hàng hoá trong suốt hành trình vận chuyển từ một địa điểm nhận hàng để chở ở nước này đến một địa điểm giao hàng ở nước khác”58.

Giáo trình Luật thương mại quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội định nghĩa: “Vận tải đa phương thức là vận tải hàng hoá mà theo đó hàng hoá được vận tải bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau, trên cơ sở một chứng từ

56 Tài liệu tập huấn “Multimodal Transport Law and Operations”, Dự án Sustainable Human Resource Development in Logistics Services for ASEAN Member States, 2014.

57 Trường Đại học quốc gia Hà Nội (2005), Giáo trình Luật thương mại quốc tế, , NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.427.

58 Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2006),Giáo trình Luật thương mại quốc tế, NXB Lao động xã hội, 2006.

vận tải và với một chế độ trách nhiệm dành cho một người vận tải đối với hàng hoá trong quá trình vận tải qua nhiều nước khác nhau”59.

Thông qua các định nghĩa nêu trên, có thể thấy VTĐPT đã được nhìn nhận một cách bao quát nhất với đầy đủ các đặc điểm cơ bản của nó, như: sự kết hợp của ít nhất hai phương thức vận tải, chỉ sử dụng một chứng từ vận tải, chỉ có một chế độ trách nhiệm và một người chịu trách nhiệm trong quá trình vận chuyển.

Hiệp định khung ASEAN về VTĐPT (AFAMT) quy định: “Vận chuyển đa phương thức quốc tế” là việc vận chuyển hàng hóa bởi ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau trên cơ sở hợp đồng đa phương thức từ một địa điểm trong một nước tại đó hàng hóa được đảm nhiệm bởi nhà khai thác vận tải đa phương thức đến một địa điểm được chỉ định giao hàng tại một quốc gia khác. Các hoạt động nhận và giao hàng được tiến hành theo hợp đồng vận tải đơn phương thức không được xem là hình thức vận tải đa phương thức quốc tế”60.

Với tính chất là các quy định chung nhằm điều chỉnh hoạt động VTĐPT giữa các nước thành viên, các điều ước quốc tế đều quy định về VTĐPT với tính chất là VTĐPT quốc tế với điều kiện địa điểm nhận hàng và giao hàng phải thuộc các nước khác nhau.

Nhiều quốc gia cũng đưa ra định nghĩa về VTPĐT trong pháp luật của mình. Theo Luật VTĐPT của Thái Lan, “VTĐPT là vận chuyển hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận chuyển dựa trên hợp đồng VTĐPT từ một địa điểm ở nước nơi người kinh doanh VTĐPT nhận hàng hóa tới một địa điểm được chỉ định giao hàng hóa ở một nước khác. Việc nhận và giao hàng hóa như được xác định trong hợp đồng vận chuyển đơn thức không được xem là VTĐPT” (Điều 4)61. Luật Vận tải VTĐPT của Ấn Độ quy định: “VTĐPT là vận chuyển hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận chuyển theo một hợp đồng VTĐPT từ nơi nhận hàng tại Ấn Độ (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

59 Trường Đại học Luật Hà Nội (2016), Giáo trình Luật thương mại quốc tế, NXB Tư pháp.

60 ASEAN Framework Agreement on Multimodal Transport, 2005, Điều 1.

đến một nơi giao hàng ở bên ngoài Ấn Độ”62. Luật Vận tải VTĐPT của Myanmar quy định: “VTĐPT là vận chuyển hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận chuyển khác nhau dựa trên một hợp đồng VTĐPT từ nơi người kinh doanh VTĐPT nhận hàng ở một nước đến một nơi giao hàng ở nước khác”63.

Điểm chung của các định nghĩa này là mặc dù là luật riêng của quốc gia nhưng đều đồng nhất VTĐPT với VTĐPT quốc tế, thể hiện ở quy định nơi nhận hàng và nơi giao hàng phải thuộc các quốc gia khác nhau.

Trong pháp luật Việt Nam, lần đầu tiên Nghị định số 125/2003/ NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về VTĐPT quốc tế (sau đây gọi là Nghị định số 125/NĐ-CP) đã đưa ra định nghĩa về VTĐPT quốc tế là: “việc vận chuyển hàng hoá bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau trên cơ sở một hợp đồng vận tải đa phương thức từ nơi người kinh doanh vận tải đa phương thức tiếp nhận hàng hoá ở một nước đến một địa điểm được chỉ định giao trả hàng ở một nước khác” (Khoản 1, Điều 2). Theo văn bản quy phạm pháp luật này, VTĐPT được đề cập tới với tính chất là VTĐPT quốc tế. Kế thừa Nghị định số 125/2003/NĐ-CP, Nghị định số 87/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về VTĐPT quy định: “Vận tải đa phương thức” là việc vận chuyển hàng hoá bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau trên cơ sở một hợp đồng vận tải đa phương thức (Khoản 1, Điều 2). Nghị định số 87/2009/NĐ-CP đã tiến xa hơn một bước khi quy định tách bạch VTĐPT quốc tế và VTĐPT nội địa. Cụ thể: “Vận tải đa phương thức quốc tế là vận tải đa phương thức từ nơi người kinh doanh vận tải đa phương thức tiếp nhận hàng hoá ở Việt Nam đến một địa điểm được chỉ định giao trả hàng ở nước khác và ngược lại.” (Khoản 2, Điều 2). “Vận tải đa phương thức nội địa là vận tải đa phương thức được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam” (Khoản 3, Điều 2). Đây cũng là định nghĩa chính thức hiện đang được sử dụng trong pháp luật Việt Nam.

62 Indian Multimodal Transportation of Goods Act, 1993, Điểm k, Điều 2, chương 1.

Khác với việc đưa ra định nghĩa ở phương diện kinh tế, các định nghĩa ở phương diện pháp lý được trình bày trên đây đã đặt VTĐPT trong mối quan hệ với hợp đồng VTĐPT và nhấn mạnh chế độ trách nhiệm của người kinh doanh VTĐPT.

Như vậy, có rất nhiều quan điểm và cách định nghĩa khác nhau về VTĐPT. Từ những phân tích trên, theo tác giả, VTĐPT có thể được hiểu như sau: Vận tải đa phương thức là hình thức vận chuyển hàng hoá bằng ít nhất hai phương thức vận chuyển, theo một hợp đồng, một chứng từ vận tải và một người chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hàng hoá.

Một phần của tài liệu Pháp luật về vận tải đa phương thức trong điều kiện hội nhập quốc tế (Trang 47 - 54)