2. Những kết quả nghiên cứu đã đạt được và những vấn đề đặt ra cần được
2.1.4. Thực trạng pháp luật về giải quyết tranh chấp
2.1.4.1. Phạm vi khiếu nại, khởi kiện
Xuất phát từ đặc điểm của VTĐPT là chỉ có một người chịu trách nhiệm về hàng hoá trước người gửi hàng đó là người kinh doanh VTĐPT, vì vậy, phạm vi khiếu nại, khởi kiện được quy định về cơ bản thống nhất trong các ĐƯQT và pháp luật các quốc gia. Theo đó, mọi khiếu nại, khởi kiện về VTĐPT sẽ được thực hiện đối với người kinh doanh VTĐPT bao gồm cả khiếu nại đối với bất kỳ người làm công, đại lý hoặc cá nhân khác mà dịch vụ của họ được người kinh doanh VTĐPT sử dụng để thực hiện hợp đồng vận tải đa phương thức cho dù đó là tranh chấp về hợp đồng hay là tranh chấp ngoài hợp đồng. Điều này cũng đồng thời xác định chủ thể bị khiếu nại, khởi kiện chỉ là người kinh doanh VTĐPT.
Việc xác định đúng chủ thể bị khiếu nại, khởi kiện trong giải quyết tranh chấp VTĐPT có ý nghĩa quan trọng, thực tiễn giải quyết tranh chấp về VTĐPT đã ghi nhận trường hợp tòa án đã bác đơn khởi kiện của nguyên đơn do việc khởi kiện được tiến hành với những người vận chuyển thực tế mà không phải người kinh doanh VTĐPT.
Trong một vụ tranh chấp về VTĐPT của 6 xe kéo hàng (trailer) xảy ra ở Italia, người gửi hàng (shipper) đã ký hợp đồng với người giao nhận (freight forwarder) để thu xếp vận chuyển các xe kéo từ Portoveme, Sardinia, đến nhiều điểm đến khác nhau ở Italia, theo đó, chặng vận chuyển đầu tiên sẽ được thực hiện bằng đường biển và chặng thứ hai bằng đường bộ. Người giao nhận đã thu xếp với
nhiều người vận chuyển phụ (sub-carrier) vận chuyển bằng việc ký các hợp đồng phụ (sub-contract) để thực hiện việc chuyên chở tương ứng với mỗi chặng của quá trình vận chuyển. Những chiếc xe kéo đã được chở đến Genève bằng tàu biển (có tên Altilia), được dỡ lên bờ, để tại cảng (terminal) nhưng đã bị mất trộm trước khi những người vận chuyển phụ bằng đường bộ đến tiếp nhận để tiếp tục vận chuyển. Người gửi hàng đã khởi kiện người vận chuyển phụ bằng đường biển (sea sub- carrier) trước Tòa án Genève, và tiếp đó khởi kiện thêm những người vận chuyển phụ bằng đường bộ (road sub-carriers) nhưng không kiện người giao nhận. Tòa án Genève sau khi xem xét các vấn đề liên quan đã bác đơn khởi kiện của nguyên đơn và ra phán quyết rằng người giao nhận là người vận chuyển chính (main carrier) và là bên kia trong hợp đồng vận chuyển với người gửi hàng. Vì vậy, theo phán quyết của tòa, người gửi hàng, đã công nhận người giao nhận là người vận chuyển (đóng vai trò là MTO trong hợp đồng VTĐPT). Do đó, người gửi hàng không có cơ sở pháp lý để khởi kiện bất kỳ người vận chuyển phụ nào đã được người vận chuyển ký hợp đồng phụ để vận chuyển hàng hóa101
Vấn đề này được quy định tại Nghị định 87/2009/NĐ-CP như sau: “Mọi khiếu nại, khởi kiện đối với người kinh doanh vận tải đa phương thức liên quan tới việc thực hiện hợp đồng vận tải đa phương thức được tiến hành đối với cả người làm công, người đại lý hoặc người khác mà người kinh doanh vận tải đa phương thức đã sử dụng dịch vụ của họ nhằm thực hiện hợp đồng vận tải đa phương thức bất kể những khiếu nại, khởi kiện đó trong hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng” (Khoản 2 Điều 29). Quy định này bảo đảm sự phù hợp với các quy định trong pháp luật quốc tế và thống nhất với quy định về phạm vi trách nhiệm của người kinh doanh vận tải đa phương thức tại Điều 18 Nghị định 87/2009/NĐ-CP, Điều 197 Bộ luật Hàng hải năm 2015.
101 Dardani Studio Legale, No direct liability for sub-carriers where freight forwarder is also main carrier, bài đăng tại website https://www.internationallawoffice.com ngày 26/2/2014.
Nguồn: https://www.internationallawoffice.com/Newsletters/Shipping-Transport/Italy/Dardani- Studio-Legale/No-direct-liability-for-sub-carriers-where-freight-forwarder-is-also-main-carrier.
2.1.4.2. Thời hạn, thời hiệu
Nghị định 87/2009/NĐ-CP quy định thời hạn khiếu nại do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng vận tải đa phương thức, nếu không có thỏa thuận thì thời hạn khiếu nại là 90 ngày, kể từ khi hàng hóa được giao trả xong cho người nhận hàng hoặc sau ngày đáng lẽ hàng hóa được giao trả (theo quy định trong hợp đồng vận tải đa phương thức hoặc thời gian hợp lý trong trường hợp hàng được coi là giao chậm theo quy định tại điểm b Điều 21). Thời hiệu khởi kiện là 09 tháng theo cách tính tương tự (Điều 31). Việc giải quyết các tranh chấp liên quan tới ký kết và thực hiện hợp đồng vận tải đa phương thức được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên hoặc tại trọng tải hoặc tại tòa án theo quy định của pháp luật (Điều 32).
Đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành về giải quyết tranh chấp có thể thấy một số vấn đề nảy sinh từ các quy định này như sau:
Về thời hạn khiếu nại: Trong trường hợp phát sinh bất đồng về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng nói chung và hợp đồng VTĐPT nói riêng, khiếu nại được xem là sự thể hiện rõ ràng và chính thức sự không đồng ý đối với việc thực hiện hợp đồng. Việc quy định thời hạn khiếu nại có ý nghĩa xác lập cơ chế buộc bên có quyền và lợi ích bị xâm phạm phải thực hiện việc yêu cầu bên vi phạm tuân thủ nghĩa vụ hợp đồng và khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm một cách nhanh chóng, kịp thời. Việc khiếu nại thường đi liền với yêu cầu về trách nhiệm do việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Trên cơ sở khiếu nại, các bên có thể cùng nhau thương lượng, hòa giải và đi đến thống nhất trong việc giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, trong trường hợp khởi kiện, khiếu nại còn có thể được coi là chứng cứ cho việc tranh chấp, với ý nghĩa này nếu bên có quyền lợi bị vi phạm mà không thực hiện việc khiếu nại trong thời hạn khiếu nại thì coi như đã chấp nhận vi phạm của bên vi phạm, và mất quyền viện dẫn các vi phạm đó. Vì vậy, việc khiếu nại có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết tranh chấp hợp đồng.
“Trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 237 của Luật này, thời hạn khiếu nại do các bên thỏa thuận, nếu các bên không có thoả thuận thì thời hạn khiếu nại được quy định như sau:
1. Ba tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về số lượng hàng hoá; 2. Sáu tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hoá; trong trường hợp hàng hoá có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là ba tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành;
3. Chín tháng, kể từ ngày bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc trong trường hợp có bảo hành thì kể từ ngày hết thời hạn bảo hành đối với khiếu nại về các vi phạm khác” (Điều 318).
Điểm đ khoản 1 Điều 237 của Luật này quy định: “Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận”.
Đối chiếu với quy định của Luật Thương mại năm 2005, có thể thấy:
Thứ nhất, Nghị định 87/2009/NĐ-CP không có sự phân biệt về thời hạn khiếu nại đối với các trường hợp khiếu nại về chất lượng và số lượng hàng hóa.
Thứ hai, mặc dù Luật Thương mại quy định về thời hạn khiếu nại đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics chỉ là 14 ngày gắn với quyền được miễn trừ trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics nếu người có quyền và lợi ích bị vi phạm không thực hiện quyền khiếu nại, tuy nhiên, Luật này cũng có quy định khi thực hiện việc vận chuyển hàng hóa, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải tuân thủ các quy định của pháp luật và tập quán vận tải (Khoản 2 Điều 235). Do đó, trong trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tham gia hoạt động VTĐPT với vai trò người kinh doanh VTĐPT thời hạn khiếu nại sẽ được áp dụng theo Nghị định 87/2009/NĐ-CP.
Thứ ba, giống như quy định của Luật Thương mại năm 2005, Nghị định số 87/2009/NĐ-CP không đặt ra vấn đề nếu quá thời hạn khiếu nại mà không thực
hiện khiếu nại, bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện tại Trọng tài, Toà án có thẩm quyền. Điều này có nghĩa việc không thực hiện khiếu nại sẽ không ảnh hưởng tới quyền khởi kiện của bên có quyền lợi bị vi phạm.
Trong VTĐPT quốc tế, việc khiếu nại có thể được xác định là yêu cầu bắt buộc là cơ sở cho việc khởi kiện. Theo Bản quy tắc của UNCITAD/ICC về chứng từ VTĐPT quốc tế, Hiệp định khung ASEAN về VTĐPT, khi có tổn thất hoặc thiệt hại xảy ra đối với hàng hóa, người nhận hàng phải thông báo cho người kinh doanh VTĐPT ngay sau khi phát hiện ra tổn thất vào lúc giao hàng bằng văn bản và nêu rõ tính chất chung của mất mát, hư hỏng đối với hàng hóa. Đối với thiệt hại không nhìn thấy, thông báo khiếu nại tổn thất hàng hóa phải được xuất trình trong thời hạn không quá 6 ngày kể từ ngày nhận hàng từ MTO. Việc không khiếu nại sẽ được coi là bằng chứng hiển nhiên cho việc người kinh doanh VTĐPT đã giao hàng đúng như mô tả của chứng từ VTĐPT. Căn cứ vào các quy định này có thể thấy thời hạn khiếu nại trong pháp luật về VTĐPT của Việt Nam được quy định dài hơn rất nhiều so với quy định của các ĐƯQT.
Về thời hiệu khởi kiện: Thời hiệu khởi kiện trong VTĐPT tương đối ngắn so với các quy định pháp luật về thời hiệu tố tụng nói chung cũng như thời hiệu tố tụng trong vận tải hàng hoá nói riêng của Việt Nam. Cụ thể như: Theo quy định của Bộ luật Hàng hải năm 2015, Thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hóa là 01 năm kể từ ngày trả hàng hoặc lẽ ra phải trả hàng cho người nhận hàng (Điều 169), Luật Hàng không dân dụng năm 2006 (sđ) quy định thời hiệu khởi kiện về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển đối với thiệt hại xảy ra đối với hàng hoá là 02 năm kể từ ngày tàu bay đến địa điểm đến, ngày tàu bay phải đến địa điểm đến hoặc từ ngày việc vận chuyển bị chấm dứt, tuỳ thuộc vào thời điểm nào muộn nhất (Điều 174). Theo quy định tại Điều 429 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm...
Trong pháp luật các nước, theo quy định trong pháp luật của Argentina hay Bộ luật Hàng hải của Trung Quốc thời hiệu này được quy định là 01 năm kể từ ngày hàng hoá được giao hoặc hàng hoá phải được giao nếu sử dụng phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường biển hoặc 02 năm nếu không bao gồm vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, pháp luật của Đức thậm chí còn được mở rộng thời hiệu này tới 03 năm trong trường hợp người vận chuyển cố ý gây ra thiệt hại, mất mát hàng hoá.
Việc quy định thời hiệu khởi kiện ngắn hơn như trong Nghị định số 87/2009/NĐ-CP, về cơ bản dẫn đến sự hạn chế quyền khởi kiện khi phát sinh tranh chấp về VTĐPT.
2.1.4.3. Về phương thức giải quyết tranh chấp
Trong giải quyết tranh chấp thương mại hiện nay Việt Nam cũng như các nước đều thừa nhận rộng rãi bốn phương thức giải quyết tranh chấp, bao gồm: thương lượng, hoà giải, trọng tài và toà án (Điều 37, Luật Thương mại 2005).
Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp không cần đến vai trò của người thứ ba. Với phương thức này, các bên trực tiếp hoặc thông qua đại diện của mình đàm phán về các bất đồng, mâu thuẫn phát sinh với mục đích chung là duy trì mối quan hệ kinh doanh lâu dài. Việc thương lượng có thể diễn ra trực tiếp giữa các bên bằng cách gặp nhau để đàm phán, hoặc cũng có thể thông qua việc khiếu nại của một trong các bên. Trong thương mại quốc tế, khiếu nại là hình thức được sử dụng phổ biến trong giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng, với cách thức thông thường là bên bị vi phạm gửi đơn khiếu nại kèm theo các chứng cứ cho bên vi phạm và yêu cầu bên vi phạm trả lời đơn khiếu nại đó. Trong VTĐPT quốc tế, theo Bản quy tắc của UNCITAD/ICC về chứng từ VTĐPT quốc tế, Hiệp định khung ASEAN về VTĐPT, việc khiếu nại được quy định là bắt buộc (đã trình bày trong mục 2.1.4.2).
Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp giữa các bên thông qua người thứ ba với vai trò trung gian hỗ trợ các bên nhằm tìm kiếm những giải pháp thích hợp cho việc giải quyết tranh chấp.
Theo quy định của pháp luật, phương thức hòa giải trong giải quyết tranh chấp ở Việt Nam được chia làm 2 loại:
- Hòa giải bắt buộc (theo thủ tục tố tụng của Tòa án quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Với hình thức này, hòa giải được kết hợp trong phương thức giải quyết tranh chấp bằng tòa án, do vậy nâng cao khả năng thi hành cho các thỏa thuận mà các bên đạt được trong quá trình hòa giải dưới dạng quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án.
- Hòa giải theo thỏa thuận của các bên (quy định tại Luật Trọng tài thương mại năm 2010 hoặc theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định về hòa giải thương mại).
Hòa giải thương mại được quy định tại Khoản 2 Điều 317 Luật Thương mại 2005 là hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải. Phương thức giải quyết tranh chấp này được cụ thể hóa bằng quy định tại Nghị định số 22/2017/NĐ- CP của Chính phủ ngày 24/2/2017 về hòa giải thương mại.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật trọng tài thương mại102. Ngày nay, việc giải quyết tranh chấp trong hoạt động thương mại bằng trọng tài khá phổ biến với nhiều ưu điểm nổi bật như: thời gian giải quyết nhanh, không công khai, quyết định trọng tài có hiệu lực pháp luật và là chung thẩm, không kháng cáo, kháng nghị… Trong thương mại quốc tế, phán quyết trọng tài còn có một ưu điểm là có sự công nhận quốc tế thông qua các ĐƯQT. Hình thức của trọng tài thương mại ở Việt Nam cũng giống
như sự thừa nhận chung trên thế giới, bao gồm: trọng tài quy chế (trọng tài thường trực) và trọng tài vụ việc (trọng tài adhoc).
Khác với giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, giải quyết tranh chấp bằng tòa án được thực hiện theo thủ tục tố tụng tại tòa án gắn với quyền lực nhà nước. Phương thức này đóng vai trò quan trọng và thường được coi là giải pháp cuối cùng để giải quyết tranh chấp khi không đạt được sự thỏa thuận thông qua thương lượng, hòa giải và các bên không muốn sử dụng phương thức trọng tài trong giải quyết tranh chấp.
Trong giải quyết tranh chấp về VTĐPT, tại Điều 32 Nghị định 87/2009/NĐ- CP, việc giải quyết các tranh chấp liên quan tới ký kết và thực hiện hợp đồng vận tải đa phương thức chỉ được giải quyết thông qua ba phương thức là: thương lượng giữa các bên, trọng tải hoặc tòa án theo quy định của pháp luật. Với việc sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng trong giải quyết tranh chấp thương mại, hòa giải là một biện pháp hiệu quả, giữ vai trò quan trọng và phổ biến