Với các thông số kỹ thuật của tuyến đường đã biết, việc lựa chọn phương pháp và thiết kế xử lý nền đất yếu hoàn toàn phụ thuộc vào cấu trúc nền đất yếu và năng lực thiết bị thi công hiện có.
4.1.4.1. Đối với cấu trúc nền đất yếu dạng Ia, IIa
Cấu trúc nền dạng Ia, IIa có đất yếu phân bố ngay trên bề mặt đất, chiều dày nhỏ hơn 5m nên kiến nghị lựa chọn các phương pháp xử lý nông, bao gồm: trộn xi măng, trộn vôi, thay thế đất yếu bằng vật liệu tốt hơn, sử dụng vải địa kỹ thuật hoặc gia tải trước.
4.1.4.2. Đối với cấu trúc nền đất yếu dạng Ib, IIb
Cấu trúc nền dạng Ib, IIb có đất yếu phân bố trên bề mặt đất, chiều dày từ 5m đến 15m nên kiến nghị lựa chọn phương pháp xử lý sâu bằng cọc cát biển –xi măng sẽ là một lựa chọn phù hợp. Quy trình tính toán thiết kế, thi công, nghiệm thu cọc được trình bày ở mục 3.6 của chương 3. Thiết bị thi công cọc cát biển –xi măngtrong trường hợp này kiến nghị sử dụng máy khoan guồng xoắn UGB-50M (xem hình 3.21).
4.1.4.3. Đối với cấu trúc nền đất yếu dạng Ic, IIc
Cấu trúc nền dạng Ic, IIc có đất yếu phân bố ngay trên bề mặt đất, chiều dày lớn hơn 15m nên kiến nghị lựa chọn phương pháp xử lý sâu bằng cọc cát biển –xi măng cũng sẽ là lựa chọn phù hợp. Nếu phía dưới vùng hoạt động nén ép công trình phân bố đất tốt, kiến nghị thiết kế cọc để gia cố nền, còn nếu phía dưới vùng hoạt động nén ép phân bốđất yếu, kiến nghị thiết kế cọc để cải tạo nền. Quy trình tính toán thiết kế, thi công, nghiệm thu cọc được trình bày ở mục 3.6 của chương 3. Thiết bị thi công cọc cát biển –xi măng kiến nghị sử dụng các máy đóng cọc hoặc búa rung tạo chấn động đưa
ống thép xuống nền đất rồi nhồi vật liệu cọc như Hitachi PD 100, Cobelco 100P hoặc Nippon Sharyo DH 408 hoặc chế tạo thiết bị mới phù hợp với điều kiện Việt Nam.