Thực trạng chung về hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam

Một phần của tài liệu Các mô hình kinh tế lượng đánh giá tác động của hạ tầng giao thông vận tải đến phát triển kinh tế tại việt nam (Trang 47 - 51)

Đầu tư phát triển giao thông là mối ưu tiên hàng đầu của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Quyết định số 355/QĐ-TTg, ra ngày 25/02/2013 của Thủ tướng về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đã đặt ra tầm nhìn đến năm 2030 là: “Đến năm 2030, cơ bản hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải trong cả nước, đảm bảo sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải. Chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao, đảm bảo: nhanh chóng, an toàn, tiện lợi ”. Qua đó, chất lượng dịch vụ giao thông cùng năng lực vận tải không ngừng được cải thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền.

Hệ thống đường bộ, đường sắt Việt Nam đã được nâng cấp mở rộng với 4 hệ thống đường quốc lộ chính nối liền Nam - Bắc. Về đường bộ hiện nay, khoảng gần 1000km đường cao tốc đã bước đầu đưa vào khai thác, 160km đường cao tốc đang tiếp tục đầu tư xây dựng cơ bản, đồng thời đang triển khai các thủ tục pháp lý và chuẩn bị nguồn vốn cần thiết nhằm mục đích xây dựng thêm 654km đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn phía Đông theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội; đang xúc tiến xây dựng trọng yếu thêm 40km đường cao tốc với quy mô 4 làn đường, đoạn từ thành phố Lạng Sơn đi cửa khẩu Hữu Nghị (Đồng Đăng), góp phần thúc đẩy kinh tế Lạng Sơn và các khu vực lân cận; xây dựng 92km đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức đầu tư BOT (Build-operate-transfer). Các dự án đường sắt đô thị đang được triển khai tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các hạng mục kết cấu hạ tầng thiết yếu khác được gia cố sửa chữa như các hầm đường sắt, cầu đường sắt, các đèn tín hiệu, biển báo, rào chắn, qua đó nâng cao mức độ an toàn, rút ngắn thời gian chạy tàu trên trục Bắc - Nam.

Hệ thống cảng biển đã được đầu tư xây dựng hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần thu hút giao thương hàng hải, đáp ứng tốt nhu cầu thông qua về hàng hóa xuất nhập khẩu và nội địa, tạo diện mạo mới cho đất nước. Hình thành các cảng biển tầm cỡ quốc tế tại 3 miền Bắc - Trung - Nam (cảng Lạch Huyện, cảng Vân Phong và cảng Cái Mép - Thị Vải). Hiện đại hóa bốc xếp tại các cảng, bến thủy nội địa. Phát triển mạnh các tuyến đường thủy nội địa ra các đảo. Về hàng không, đã có những thành tựu cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu vận tải sang vận tải hàng không, đặc biệt là vận tải hành khách. Các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng đã được nâng cấp, cảng hàng không Phú Quốc, Vân Đồn đã được xây dựng mới các phân khu, nâng tổng công suất của cảng hàng không lên khoảng 90 triệu lượt hành khách/năm, tăng 2,5 lần so với năm 2011. Đang triển khai xây dựng cảng Long Thành có vai trò và quy mô ngang tầm với các cảng hàng không quốc tế lớn trong khu vực. Đồng thời hiện đại hóa hệ thống quản lý hoạt động bay, đảm bảo tầm bao phủ của các trang thiết bị liên lạc, dẫn đường và giám sát, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong toàn bộ vùng bay (Flight Information Region) của Việt Nam.

Mục tiêu của hạ tầng giao thông vận tải là nâng cao chất lượng, năng lực vận tải, bao gồm vận tải hành khách và vận tải hàng hóa. Về tổng thể, năng lực vận tải Việt Nam không ngừng được tăng lên và đã có sự phát triển song song giữa các loại hình vận tải nhằm khai thác các thế mạnh nói riêng về vận tải hàng hóa, đặc biệt là vận tải hàng hóa biển.

Xét về vận tải hành khách, số lượt khách ngày càng được đáp ứng nhu cầu cao hơn, từ mức khoảng 2,3 triệu lượt người năm 2010 đã tăng lên 4 triệu lượt người vào năm 2017, gấp 1,74 lần. Chỉ số phát triển trung bình giai đoạn 2010 - 2017 là 108%. Lượng khách vận chuyển chủ yếu thông qua đường bộ (bao gồm cả đường sắt), chiếm trên 90%, tiếp sau đó là vận tải đường thủy, chiếm khoảng 5%, còn lại là vận tải hành khách đường hàng không. Sự tăng trưởng của số lượt khách vận chuyển được thể hiện tại Hình 2.2:

Hình 2.2: Số lượt khách vận chuyển (triệu lượt)

Nguồn: Tính toán của tác giả từ dữ liệu NGTK

Khác với vận tải hành khách, vận tải hàng hóa tại Việt Nam hiện nay qua 2 con đường chính: vận tải hàng hóa đường bộ (bao gồm cả đường sắt), vận tải hàng hóa đường thủy bao gồm vận tải đường sông và đường biển. Vận tải hàng hóa đường bộ ở nước ta vẫn chiếm đa số, trong khoảng 70% - 80%, vận tải đường thủy chiếm 20 - 30%, trong đó vận tải biển chỉ chiếm 5% - 6%, vận tải đường sông chiếm khoảng 15% - 25%, riêng vận tải hàng hóa đường hàng không là rất nhỏ so với mặt bằng chung. Khối lượng vận tải hàng hóa toàn xã hội không ngừng tăng lên, trung bình mức tăng hàng năm là khoảng 10%. Hình 2.3 cho biểu đồ khối lượng vận tải (KLVT) hàng hóa tại Việt Nam giai đoạn 2010 - 2018:

Hình 2.3: Khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn xã hội (nghìn tấn)

Nguồn: Tính toán của tác giả từ dữ liệu NGTK

Mặc dù cơ cấu hàng hóa vận chuyển đường biển chiếm tỉ lệ ít nhất, song xét về cơ cấu luân chuyển hàng hóa, đường biển chiếm tỉ lệ lớn nhất, hơn cả luân chuyển đường bộ. Do đặc thù khác biệt của vận tải đường biển, trong khi vận tải đường sông và đường bộ chủ yếu là các tuyến vận tải nội địa thì vận tải đường biển còn phục vụ xuất nhập khẩu qua cảng biển trong buôn bán quốc tế, các tuyến đường biển lưu thông trên các hành hành trình dài, giao thương nối liền các quốc gia và các lục địa. Hình 2.4 cho khối lượng luân chuyển (KLLC) hàng hóa của các loại hình vận tải:

Hình 2.4: Khối lượng luân chuyển hàng hóa toàn xã hội (nghìn tấn * km)

40

Dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng để đạt mục tiêu phấn đấu vẫn còn nhiều khó khăn do tồn tại các hạn chế: cơ cấu đường cao tốc còn thấp, chưa hoàn thành mục tiêu xây dựng 2000 km cao tốc đến năm 2020. Hệ thống đường sắt quốc gia còn lạc hậu, đầu tư các tuyến đường sắt đô thị chưa hiệu quả, kéo dài và đội vốn. Hệ thống cảng biển chưa khai thác hết công suất thiết kế, đặc biệt tại miền Trung. Các sân bay vẫn còn tình trạng quá tải, chưa đồng bộ theo tiêu chí quốc tế (kết nối 4 loại hình giao thông chất lượng cao). Ngoài ra còn thiếu thốn về nguồn lực, vốn đầu tư và hệ thống pháp lý, quy hoạch còn chồng chéo.

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), trong các kỳ đánh giá 2016 - 2017 và 2017 - 2018 cho thấy, các chỉ số về hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không đều giảm. Chỉ số đánh giá hạ tầng đường bộ là 3,5, xếp thứ 86 năm 2016; tương ứng là 3,4 và xếp thứ 92 năm 2017. Chỉ số đánh giá hạ tầng đường sắt là 3,1, xếp thứ 52 năm 2016; tương ứng là 3,0 và xếp thứ 59 năm 2017. Chỉ số đánh giá hạ tầng đường thủy giảm từ 3,8 thành 3,7 năm 2017. Mức giảm mạnh nhất là hạ tầng hàng không, đạt 4,1 và đứng thứ 86 năm 2016 xuống mức 3,8, đứng thứ 103 năm

2017. Tuy nhiên xét trong dài hạn, thứ hạng về chất lượng kết cấu hạ tầng của Việt Nam là tăng, từ 95/144 năm 2011 lên 79/137 năm 2017. Đặc biệt, chỉ số năng lực quốc gia về logistic liên tục tăng, tất cả các chỉ số đánh giá logistic năm 2018 đều tăng vượt bậc, trong đó, mức tăng cao nhất với chênh lệch 29 bậc là năng lực chất lượng dịch vụ. Xét năng lực chung về logistic, Việt Nam xếp hạng 39/160, tăng 25 bậc so với 2016, đứng thứ 3 nếu xét trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, đứng sau Singapore và Thái Lan. Xét về khả năng theo dõi, truy xuất hàng hóa, mức tăng ấn tượngg 41 bậc, xếp hạng thứ 34. Đây là các tín hiệu khả quan về thực trạng hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam, tạo động lực phát triển với mục tiêu chung là đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Một phần của tài liệu Các mô hình kinh tế lượng đánh giá tác động của hạ tầng giao thông vận tải đến phát triển kinh tế tại việt nam (Trang 47 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w