Thực trạng hạ tầng đường cao tốc tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Các mô hình kinh tế lượng đánh giá tác động của hạ tầng giao thông vận tải đến phát triển kinh tế tại việt nam (Trang 65 - 70)

Theo Luật Đường bộ mới nhất được ban hành năm 2008 của Quốc hội nước Việt Nam, tại Khoản 12, Điều 3 quy định về khái niệm đường cao tốc: “Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định”.

Theo tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam TCVN 4054 - 2005 về Đường ô tô - Yêu cầu thiết kế, lưu lượng thiết kế cho đường cao tốc đảm bảo cao hơn 25000 (xe con quy đổi / giờ). Trong tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam TCVN 5729:2012 về Đường ô tô cao tốc _ Yêu cầu thiết kế, đường cao tốc được chia làm 4 cấp: cấp 60 có tốc độ kỹ thuật là 60 km/h; cấp 80 có tốc độ kỹ thuật là 80 km/h; cấp 100 có tốc độ kỹ thuật là 100 km/h và cấp 120 có tốc độ kỹ thuật là 120 km/h. Cấp 100 và 120 bố trí cho vùng đồng bằng, cấp 60 và 80 áp dụng cho vùng có địa hình vùng núi khó khăn, đồi cao và những vùng có hạn chế khác. Như vậy, tốc độ kỹ thuật tối thiểu của đường cao tốc là 60km/h. Đây là loại đường có các chỉ số yêu cầu kỹ thuật thiết kế cao nhất trong tất cả các loại đường bộ tại Việt Nam.

Ngoài ra TCVN 5729:2012 quy định: “Tuyến đường cao tốc nên kết hợp tốt với quy hoạch đô thị và phù hợp với quy hoạch các trung tâm kinh tế trong tương lai; khi thiết kế đưa ra các giải pháp đảm bảo mối liên hệ giao thông giữa đô thị với đường cao tốc (kể cả giải pháp gom lượng giao thông này về các chỗ ra, vào đã được bố trí trên đường cao tốc)”.

Như vậy yêu cầu kỹ thuật đòi hỏi sự kết nối giao thông cao với các loại hình giao thông đường bộ nói chung và giao thông tại các đô thị nói riêng. Điều này khẳng định vai trò quan trọng về kết nối giao thông của đường cao tốc trên khắp các tỉnh thành. Do vậy, đường cao tốc là loại đường đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước, đặc biệt là vai trò kết nối giao thương, từ đó nghiên cứu hướng tới xem xét tác động lan tỏa không gian của đường cao tốc.

Tính đến ngày 31/12/2017, cả nước có 702,95 km đường cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngoài các tuyến đường cao tốc nối liền các tỉnh trọng điểm, đặc biệt là nối liền với thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Quyết định số 1734/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/12/2008, mạng lưới cao tốc đường bộ Việt Nam được quy hoạch với 22 tuyến. Một số tuyến cao tốc phía Bắc đã hoàn thành như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng khánh thành tháng 12/2015, cao tốc Hà Nội – Lào

Cai khánh thành tháng 9/2014, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được khánh thành vào tháng 9/2018, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn khai thác từ tháng 2/2019, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được khai thác từ tháng 1/2020.

Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông hiện nay đề xuất nối từ Pháp Vân (Hà Nội) đến Chà Và (Cần Thơ) với tổng chiều dài khoảng 1811 km, tuyến đường gần như song song với quốc lộ 1A. Một số đoạn cao tốc đã hoàn thành:

Đoạn Pháp Vân (Hà Nội) đến Mai Sơn (Yên Mô - Ninh Bình) dài 84 km đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2012;

Đoạn nối Đại lộ Mai Chí Thọ (thành phố Hồ Chí Minh) đến nút giao thông Giầu Dây (Thống Nhất - Đồng Nai) dài 55km, được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày

08/2/2015. Tuyến đường hoàn thành giúp rút ngắn được 20 km từ thành phố Hồ Chí Minh

đi Giầu Dây, chỉ còn 50km nhưng thời gian đi lại chỉ bằng 1/3 so với trước đây;

Đoạn nối từ huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đến huyện Tứ Kỳ (Quảng Ngãi) dài 140 km, được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 02/9/2018. Tuyến đường góp phần rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các vùng kinh tế trọng điểm miền trung, kết nối vận chuyển quốc tế với vùng tam giác biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.

Hiện nay, toàn bộ 11 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được phê duyệt theo chủ trương Nghị quyết số 52/2017- QH14 của Chủ tịch Quốc hội phê duyệt ngày 22/11/2017. Phan Trang (2020) đưa tin:

“3 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam gồm đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết và đoạn Phan Thiết-Dầu Giây chính thức được khởi công”, đây chính là các đoạn tuyến của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Việc khởi công xây dựng ngày 30/9/2020 sẽ sớm hình thành nhiều đoạn tuyến nối liền các tỉnh trong tương lai gần. Theo đó: “Riêng đoạn Hà Nội - TPHCM đi qua địa phận 20 tỉnh/thành phố, tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% các cảng biển loại I-II và 67% các khu kinh tế của cả nước và đặc biệt là kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm. Với mức độ ảnh hưởng như vậy, có thể nói đây là hành lang vận tải quan trọng nhất, có tính lan tỏa nhất, tạo động lực phát triển kinh tế cả nước”.

Ngoài ra, tác động của hạ tầng đường cao tốc còn bị chi phối bởi địa hình và hạ tầng của các loại hình giao thông khác. Xét về mặt địa hình: Việt Nam là đất nước trải dài dọc bờ biển theo hướng Nam - Bắc, trong đó có dải ven biển miền Trung rất dài và hẹp. Dãy Trường Sơn nằm ở miền Trung và là dãy núi cao với độ dài lớn nhất ở Việt

Nam. Dãy Trường Sơn Bắc có chiều cao trung bình là 2000m và Trường Sơn Nam có nhiều ngọn núi cao trên 1200m, ngăn cách bởi đèo Hải Vân và núi Bạch Mã có độ cao

của đỉnh là 1444m so với mực nước biển, là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Do đó để lưu thông đường bộ giữa Huế và Đà Nẵng thì phải vượt qua Đèo Hải Vân dài khoảng 20km, cao 500m so với mực nước biển.

Do đặc điểm địa hình đường bộ bị chia cắt tự nhiên tại núi Bạch Mã nên giao thông đường bộ nói chung bị chia cắt tự nhiên bởi 2 khu vực tại điểm cắt ở giữa miền Trung. Do đó, ngoài việc xem xét tác động hạ tầng đường cao tốc trên cả nước, nghiên cứu hướng tới việc xét riêng tác động hạ tầng tại 2 khu vực, chia cắt bởi đèo Hải Vân: khu vực kéo dài từ Móng Cái - Quảng Ninh đến Huế gồm 31 tỉnh và khu vực từ Đà Nẵng đến đất mũi Cà Mau gồm 32 tỉnh. Cơ cấu đường cao tốc tính đến ngày 30/12/2017 tại 2 khu vực trên được thể hiện tại Hình 2.12:

22,73% 77,27% 31 tỉnh Miền Bắc và Bắc Trung Bộ 32 tỉnh Miền Nam và Nam Trung Bộ

Hình 2.12: Cơ cấu độ dài đường cao tốc tại 2 khu vực

Độ dài đường cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tính đến ngày 31/12/2017 tại Miền Bắc và Bắc Trung Bộ chiếm tới 77% so với toàn bộ 702,95 km chiều dài đường cao tốc. Điều này có nguyên nhân từ việc đầu tư xây dựng nhiều đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam hơn tại khu vực này. Ngoài ra, nhiều đoạn tuyến cao tốc nối Hà Nội và vùng Trung du miền núi phía Bắc đã hoàn thành, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khánh thành 18/1/2014, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai thông xe ngày 21/09/2014, dự án cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn được khởi công xây dựng năm 2015 và được thông xe ngày 29/9/2019, cao tốc Hà Nội - Hòa Bình thông xe ngày 10/10/2018, cao tốc Hà Nội - Sơn La cùng các dự án khác đang gấp rút hoàn thành. Nhiều đoạn tuyến cao tốc tại đồng bằng Sông Hồng đã hoàn thành như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thông xe ngày 05/12/2015, cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh thông xe ngày 01/9/2018 sau 4 năm triển khai xây dựng. Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng của các tuyến đường cao tốc nối liền Hà Nội với các tỉnh, đặc biệt là với khu vực Trung du miền núi phía Bắc đã góp phần nâng cao hiệu quả và phát huy tác động kết nối không gian trên khu vực

Tại 32 tỉnh miền Nam và Nam Trung Bộ Độ, dài đường cao tốc tính đến ngày 31/12/2017 chiếm tỉ lệ thấp, khoảng 23%. Mặt khác địa hình khu vực này có nhiều tỉnh thấp hơn mực nước biển, thường bị triều cường gây ngập lụt nên cũng là nguyên nhân khách quan gây khó khăn khi đầu tư xây dựng đường cao tốc trên toàn khu vực. Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh chưa có đường cao tốc đi qua, tuyến đường huyết mạch qua khu vực này là đường Hồ Chí Minh, do đó tính kết nối giao thông tại 5 tỉnh Tây Nguyên còn hạn chế. Các đoạn tuyến cao tốc đã hoàn thành đều thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam. Theo Phan Trang (2020): “Một điểm chung của phần lớn các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dài hơn 650km là đều được xây dựng mới, đồng bộ và nằm trọn trong địa bàn 14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Nói cách khác, các tỉnh miền Trung sẽ là những địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ tuyến cao tốc huyết mạch này”. Khu vực Nam Trung Bộ có 8 tỉnh nằm trên đoạn tuyến cao tốc này. Nhiều đoạn tuyến cao tốc nối liền Thành phố Hồ Chí Minh với khu vực lân cận đang được đầu tư xây dựng. Đây là các tín hiệu đáng khích lệ cho phát triển giao thông đường bộ trên toàn khu vực.

Bên cạnh những kết quả đẫ đạt được, thực trạng hạ tầng đường cao tốc tại Việt Nam vẫn còn nhiều điểm còn hạn chế: tỉ lệ đường cao tốc còn thấp so với khu vực và quốc tế. Quá trình xây dựng thường xuyên bị thiếu vốn, trễ tiến độ, chất lượng chưa ổn định nên tăng chi phí duy tu, sửa chữa. Tình hình thời tiết khắc nghiệt nên các tuyến đường chịu ảnh hưởng xấu của thời tiết. Tình hình bão lũ phức tạp cũng gây ách tắc giao thông, làm hư hỏng hệ thống đèn báo, cơ sở vật chất. Quy hoạch còn chưa đồng bộ, thiếu nhất quán dẫn đến bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng giao thông, gây khó khăn về vốn và kéo dài tiến độ dự án xây dựng.

Hạ tầng đường cao tốc luôn được sự quan tâm phát triển của Chính phủ, nhiều dự án cao tốc đang khẩn trương hoàn thiện tạo nên diện mạo mới cho giao thông Việt Nam, góp phần kết nối giao thương xuyên suốt, đặc biệt dọc theo chiều dài đất nước.

Một phần của tài liệu Các mô hình kinh tế lượng đánh giá tác động của hạ tầng giao thông vận tải đến phát triển kinh tế tại việt nam (Trang 65 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w