An Giang hiện có 29 làng nghề thủ công được UBND tỉnh công nhận (Phụ lục 2). Trong số này có một số làng nghề có tiềm năng khai thác để trở thành điểm tham quan của du khách như: Làng dệt lụa Tân Châu; làng dệt thổ cẩm Khmer Văn
Giáo (Tịnh Biên); làng mộc Chợ Thủ ; làng nghề sản xuất đường Thốt Nốt xã An Phú (Tịnh Biên); Làng dệt thổ cẩm dân tộc Chăm Châu Phong (Tân Châu)….
a. Làng nghề mộc - chạm khắc gỗ của người Việt ở Chợ Thủ, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới (gọi tắt làng mộc Chợ Thủ): Làng mộc Chợ Thủ đã để lại nhiều dấu ấn mỹ thuật, phần nào chứng minh được công phu điêu khắc, chạm trỗ của các thợ chạm còn lưu giữ qua nhiều thế hệ thông qua các sản phẩm tại các đình, chùa ở An Giang (quan sát ngôi đình Chợ Thủ và chiếc ghế Cửu Long ở chùa Ông Đạo Nằm sẽ hiểu được điều đó). Tất cả đều là những công trình kiến trúc bằng gỗ với nghệ thuật trang trí, điêu khắc tinh xảo thể hiện trên các hoành phi, liễn đối, trang thờ, phù điêu… Đề tài trang trí trong các tác phẩm chạm khắc gỗ cũng rất phong phú, thường đề cập đến những đề tài có tính truyền thống nghệ thuật dân gian như Tứ linh, Tứ thời, Ngũ phúc, Bát tiên, Bát bửu, …
Ngoài ra làng mộc Chợ Thủ còn là nơi bảo lưu các tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật sản xuất từ đời này sang đời khác của các nghệ nhân Tám Dinh, Chín Sếu, Tư Chia,…..Đội ngũ nghệ nhân này trong suốt thời gian qua đã luôn tiếp nối và phát huy tinh hoa nghề nghiệp, dẫn dắt nhiều thế hệ trẻ học tập và kế thừa kỹ thuật sản xuất truyền thống của làng nghề.
Tóm lại, làng mộc Chợ Thủ có vai trò và ý nghĩa rất to tớn, không những mang lại những giá trị về kinh tế, xã hội mà còn khẳng định các giá trị văn hóa độc đáo của mình thông qua việc bảo lưu và phát huy các kỹ thuật chạm khắc gỗ thủ công truyền thống hết sức tinh xảo, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, óc sáng tạo, được xem là vốn quý trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của địa phương cần được bảo tồn.
b. Làng nghề dệt của người Chăm ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, TX Tân Châu, tỉnh An Giang (gọi tắt làng dệt Châu Phong).
Giá trị văn hóa làng dệt Châu Phong thể hiện qua cách ứng xử của cư dân với môi trường tự nhiên, khai thác và tận dụng các vật liệu từ thiên nhiên để tạo ra nét riêng, nét độc đáo cho từng loại sản phẩm thủ công. Làng nghề này đến nay vẫn còn bảo lưu đậm nét các yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc thể hiện qua việc thiết kế, sử dụng khung dệt phóng thoi, các thao tác kỹ thuật dệt vải, các mẫu hoa văn sản phẩm, trong đó độc đáo hơn cả vẫn là kỹ thuật dệt ikat, cách chế biến, sử dụng các phẩm nhuộm được chiết xuất từ thiên nhiên, cách phối màu trên sản phẩm vải.
Nếu như thổ cẩm của người Êdê chủ yếu sử dụng 2 màu đen, đỏ; người Bana thì lấy màu vàng làm màu chủ đạo thì sản phẩm dệt Chăm Châu Phong hầu như hội đủ các màu. Trên quần áo, những túi, ví nhỏ được lấp đầy những hoa văn đủ các màu sắc nhưng không sặc sở, lòe loẹt. Tùy theo mẫu hoa văn, đôi khi việc phối màu được làm trực tiếp ngay trên khung dệt. Để đa dạng hóa sản phẩm, thỏa mãn nhu cầu khách hàng, đòi hỏi các nghệ nhân nơi đây không ngừng sáng tạo hàng loạt các mẫu hoa văn, cách phối màu khác nhau...Ngoài ra, điểm đặc sắc của sản phẩm dệt Chăm còn thể hiện trên các mẫu hoa văn trang trí. Các đồ án này chủ yếu dựa vào mẫu mã hoa văn truyền thống của người Chăm do tổ tiên truyền lại hoặc dựa trên cảnh trí của thiên nhiên, môi trường xung quanh.
Giá trị văn hóa làng nghề còn thể hiện ở tính cộng đồng, phong tục tập quán làng nghề. Trong môi trường làng nghề mọi người đều giúp đỡ đùm bọc, yêu thương nhau, người lớn tuổi truyền đạt kinh nghiệm cho người nhỏ tuổi, người đến trước hướng dẫn người đến sau, cứ như thế mà đến nay làng nghề dệt của người Chăm Châu Phong ngày càng mở rộng và phát triển; có thể nói làng dệt Châu Phong đã góp phần to lớn trong việc giữ gìn, bảo lưu bản sắc văn hóa của dân tộc mình nói riêng và làm đa dạng các sắc thái văn hóa của tỉnh An Giang nói chung. Kỹ thuật – công nghệ dệt Chăm đã biến những nguyên liệu thô sơ thành những sản phẩm thủ công vô cùng phong phú, thẩm mỹ. Những công cụ của nghề dệt Chăm như các khung dệt, khung kéo canh, con thoi… hàm chứa giá trị văn hóa phi vật thể rất cao về sự khéo léo, óc sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ nhân người Chăm.
c. Làng nghề gốm của người Khmer ấp An Thuận, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang (gọi tắt làng gốm Châu Lăng);
Làng nghề gốm đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người Khmer tại xã Châu Lăng huyện Tri Tôn nói riêng và tỉnh An Giang nói chung. Những kiểu dáng sản phẩm, những hoa văn được thể hiện trên thân gốm, những thao tác nắn, dập, vuốt, chuốt láng hoặc in hoa văn cho sản phẩm đều bằng những động tác thủ công, tất cả đều được người thợ gốm thao tác một cách thuần thục. Mỗi một món hàng như: lu, nồi, cà ôm, cà ràng, chậu hoa, bình hoa, bình bát… đều hàm chứa sự sáng tạo, kinh nghiệm sống hay thậm chí nó còn phản ánh trình độ nhận thức đặc trưng người thợ trong từng thời điểm, từng giai đoạn thể hiện qua kiểu dáng, đường nét đặc trưng, sự tô điểm cho sản phẩm thêm phần duyên
dáng và xinh xắn bởi sự kết hợp và pha trộn những kiểu mẫu hoa văn dập chìm như trên thân nồi, đắp nổi như trên cổ lu, cổ bình hoa hay các ngấn xoắn quanh phần vành ở bụng cà ràng… Do vậy nó được xem như giá trị văn hóa - nghệ thuật của cộng đồng, phản ánh một nét sinh hoạt đời thường trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc Khmer tại địa phương.
Giá trị văn hóa độc đáo và nổi bật nhất của làng gốm Châu Lăng chính là nét giản dị, mộc mạc mà độc đáo của làng gốm Châu Lăng đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước như Mỹ, Úc, Nhật… Vì vậy nghề gốm của người Khmer ở Tri Tôn ngoài giá trị kinh tế, cần có sự quan tâm nghiên cứu bảo vệ nhằm phục vụ cho các mục đích văn hóa, khoa học và du lịch…
d. Về loại hình nghệ thuật:
An Giang là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa độc đáo của bốn cộng đồng dân tộc anh em: Kinh, Chăm, Khmer, Hoa. Với nhiều đặc trưng văn hóa truyền thống khác nhau đã hình thành bức tranh văn hóa nghệ thuật sinh động, nhiều màu sắc. Người Khmer có loại hình nghệ thuật đặc trưng như hát Dù Kê, múa trống, múa Chằng... Người Kinh nổi tiếng với đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể. Người Chăm nổi tiếng với dân ca Chăm và biểu diễn kèn Saranai, Trống Pànà, Paranưng theo phong cách Hồi giáo, người Hoa với nghệ thuật múa dù, quạt, lân sư rồng và hát Hồ Quảng. Đây được xem là lợi thế to lớn để xây dựng nhiều điểm du lịch văn hóa quan trọng của tỉnh.
e. Về văn hóa ẩm thực:
An Giang có nhiều món ăn ngon mang đặc trưng ẩm thực vùng Nam Bộ. Cư dân của vùng đất này sáng tạo nhiều món ngon như bún mắm Châu Đốc, bánh xèo rau rừng núi Cấm, cá linh kho mía... Ngoài ra, các món ăn phổ biến của người Việt, các món ăn đặc sản của đồng bào Khmer, Chăm, Hoa cũng góp phần làm giàu thêm cho văn hóa ẩm thực của vùng đất này. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch như: Mắm Thái Châu Đốc:Hàng năm vào mùa nước nổi của Đồng Bằng Sông Cửu Long những đàn cá lóc, cá linh, cá trèn, cá chốt, cá sặc, cá rô...rất nhiều cung cấp nguồn thực phẩm thiên nhiên cho con người, mỗi mùa một đặc trưng, mỗi loại cá có món ăn độc đáo riêng như nấu, nướng, chiên, kho…thường ăn cá tươi, nhưng nhiều quá nên người dân sáng chế ra các món để ăn được lâu như món mắm; Đường Thốt Nốt là đặc sản của An Giang. Mùa đường thường bắt đầu từ
tháng 11 và kết thúc và tháng 5 năm sau, một cây thốt nốt cho nước 7-8 tháng, sản lượng bình quân khoảng 2.000 tấn/năm; Khô bò là đặc sản của vùng Châu Đốc, nơi thịt bò trở thành thực phẩm thông dụng với các món nổi tiếng: bò 7 món, phở bò, bò viên…mà đặc biệt nhất là món khô bò. Khô bò có 3 loại: khô bò màu vàng cứng giòn, khô bò màu nâu sẩm cứng mà không giòn, khô bò màu nâu xốp giòn dẻo. Du khách đến Châu Đốc không thể bỏ qua món đặc sản tiện dùng và rất ngon này; Khô cá tra phồng: Cá tra là loài cá được nuôi nhiều ở vùng Châu Đốc. Những năm gần đây khô cá tra phồng xuất hiện trên thị trường và thu hút nhiều người tiêu dùng nhờ hương vị lạ miệng nên nhanh chóng phát triển. Cách làm do người Việt từ Biển Hồ Campuchia mang về. Nướng hoặc chiên con khô phồng lên, thơm ngon đặc biệt. Phải chọn cá nuôi hầm - không lấy cá nuôi bè - để thịt được vàng tươi. Bí quyết là trước khi phơi khô có giai đoạn ngâm thịt cá dưới nước vài giờ. Có thể phồng lên 60 - 80% thể tích; Bún nước kèn: Việt Nam là xứ của bún. Ngoài Bắc có món bún Thang, bún Mọc, bún Riêu, bún Ốc, bún Ngan, bún Đậu, bún Sườn, Canh bún. Miền Trung nổi tiếng với bún Bò Huế, bún Song Thần An Thái (Bình Định). Còn Nam Bộ thì có bún Bì, bún Chả giò, bún Thịt nướng, bún Cà ri, bún Nước Lèo Khmer. Đi bất cứ đâu đều có thể ăn được bún nhưng muốn thưởng thức món bún nước kèn thì phải đến Châu Đốc, An Giang.
2.3. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH VÀ DU LỊCH CỘNG ĐỒNGTỈNH AN GIANG