- Mở thêm các tuyến du lịch: Tại các khu du lịch giúp người dân tham gia nhiều hơn vào hoạt động du lịch địa phương góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; phát triển loại hình du lịch homestay trên cơ sở các dịch vụ lưu trú thuộc sở hữu của người dân bản địa.
Đẩy mạnh loại hình DLCĐ trên nền tảng đầu tư khai thác hợp lý từ nguồn tài nguyên du lịch phong phú từ phong cảnh thiên nhiên biển, các nguồn hải sản, kết hợp với phong tục tập quán của người dân địa phương. Đây là loại hình du lịch tạo ra những sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường mang tính giáo dục cao đối với khách du lịch và cộng đồng địa phương; xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa gắn với phong tục tập quán, nếp sống sinh hoạt của người dân, sản phẩm của làng nghề truyền thống, nghệ thuật ẩm thực độc đáo để phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh công tác bảo tồn là đầu tư phục dựng lại các di tích, di sản văn hóa mà đã bị xuống cấp hoặc đã bị ô nhiễm nhằm lấy lại bản đẹp vốn có mục đích thu hút các nhà nghiên cứu và khách tham quan du lịch; mở các gian hàng trưng bày và bày bán các sản vật của địa phương nhằm tạo nguồn thu cho người làm du lịch và góp phần quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương; mở rộng thêm các dịch vụ như: dẫn đường, vận chuyển, đánh bắt, lặn,… cho khách du lịch thêm thích thú.
- Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh: An Giang nổi tiếng với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Hàng năm, Khu Di tích văn hóa – lịch sử và du lịch Núi Sam đón tiếp khoảng 4 triệu lượt khách, chiếm khoảng 60% tổng lượt khách đến An Giang. Lễ hội lúa gạo Việt Nam (Festival lúa gạo Việt Nam). Hiện nay, lễ hội này được tổ chức luân phiên giữa các tỉnh trong khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Với lợi thế là tỉnh có sản lượng lúa gạo hàng đầu Việt Nam, có dân số đông nhất khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, lại tiếp giáp với vùng trồng lúa lớn của Campuchia, An Giang hoàn toàn có lợi thế để xây dựng phương án xin tổ chức Festival lúa gạo Mekong (Mekong Rice Festival) định kỳ.
Ngoài thời gian tổ chức cố định các lễ hội văn hóa dân gian nêu trên, cần linh động cho phép các công ty du lịch kết hợp với địa phương tổ chức những lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc tại thời điểm phù hợp khi du khách có nhu cầu theo tour; trong đó có sự tham gia của các nghệ sĩ, nghệ nhân, người dân địa phương và du khách cùng tham gia. Tuy tổ chức không theo định kỳ nhưng cũng phải bảo đảm đầy đủ các nghi thức của lễ hội để du khách có thể hiểu rõ hơn về văn hóa và truyền thống của các lễ hội nơi mình đến.
- Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái: An Giang có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái như du lịch sông nước và du lịch đồng quê nông nghiệp. Đây là sản phẩm du lịch có thể tạo ra lợi thế so sánh với các vùng miền khác và có thể thu hút khách du lịch nội địa từ Hà Nội, các tỉnh miền Trung, thành phố Hồ Chí Minh và khách du lịch quốc tế đến từ các quốc gia châu Âu, Úc. Để khai thác, phát triển loại hình du lịch này, An Giang cần đầu tư vào các khu vực có hệ sinh thái đặc trưng như Rừng tràm Trà Sư, Núi Cấm, Núi Sập, Núi Cô Tô, Búng Bình Thiên; đặc biệt là khai thác các cồn giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu ( Mỹ Hoà Hưng, cù lao Giêng…) làm điểm dừng chân, lưu trú lý tưởng đối với du khách. Ngoài ra, khu vực Tịnh Biên với những cánh đồng lúa bán sơn địa, ngập trũng rất có tiềm năng để khai thác loại hình du lịch nông nghiệp đặc sắc của vùng Tứ Giác Long Xuyên; khu vực này cũng cần đầu tư quảng bá và khai thác tour du lịch sinh thái vào mùa nước nổi.
Ngoài ra, việc phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thực hiện mô hình du lịch canh nông đang là hướng đi mới được nhiều địa phương có tiềm năng du lịch quan tâm. Công ty TNHH MTV Thương mại – Dịch vụ Phan Nam là đơn vị đầu tiên của tỉnh thực hiện mô hình du lịch canh nông, tạo điểm nhấn mới trong phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh.
Mô hình được xây dựng trên tổng diện tích 4ha tại xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên. Nông trại ngoài sản xuất các sản phẩm tự cung cấp cho chuỗi cửa hàng Nông sản an toàn của Công ty, còn được thiết kế dựa trên 5 tiêu chí của mô hình du lịch canh nông gắn với lợi thế và đặc thù địa phương. Trong đó, ý tưởng trải nghiệm cảm giác làm nông dân thời công nghệ cao; thưởng thức và mua sắm đặc sản nông nghiệp…được xem là điểm nhấn, nét mới trong định hướng du lịch nông nghiệp của tỉnh hiện nay
- Phát triển các sản phẩm du lịch mang bản sắc các dân tộc thiểu số:
An Giang là nơi sinh sống của 4 cộng đồng dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer với những nét văn hóa rất phong phú và đa dạng. Để tạo sản phẩm du lịch gắn với văn hóa cộng đồng, ngành du lịch An Giang cần chọn lọc địa điểm để đầu tư phát triển du lịch homestay, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương tham gia. Đối với cộng đồng dân tộc Chăm, cần chọn ngôi làng bên Búng Bình Thiên (An Phú) hay Phủm Soài (Tân Châu) xây dựng thành điểm du lịch tìm hiểu văn hóa, đời sống dân tộc Chăm. Đối với cộng đồng người Khmer, có thể phát triển du lịch sinh thái vùng núi Tịnh Biên, Tri Tôn để người dân Khmer có cơ hội tham gia. Trước mắt có thể mở tuyến xe ngựa từ đầu tỉnh lộ 948 đường dẫn vào rừng tràm Trà Sư (3 km) để khách thưởng ngoạn đồng ruộng Vĩnh Trung, An Hảo. Hiện hai xã này có khoảng 100 con ngựa với 30 cỗ xe của người Khmer.