Các tuyến du lịch và mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh an giang (Trang 60 - 66)

a. Các tuyến và tua DL trong tỉnh:

Mỗi tuyến DL đều bắt đầu từ KDL Núi Sam – Châu Đốc đến các điểm, khu DL của các địa phương khác trong tỉnh. Ngoài việc tham quan, DL ở KDL Núi Sam, du khách còn được thưởng thức các loại hình và sản phẩm DL độc đáo khác từ các tuyến DL này.

+ Tua DL bắt đầu từ KDL Núi Sam – Làng bè Châu Đốc – Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Châu Đốc – Long Xuyên)

Trong tua DL này, ngoài việc tham quan các loại hình và sản phẩm DL ở KDL Núi Sam, du khách đến với làng bè Châu Đốc và Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng bằng tàu trên sông Hậu.

Làng bè Châu Đốc: Đến ngã ba sông Châu Đốc, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những ngôi nhà liên tiếp nhau nổi bồng bềnh trên sông nước hay còn gọi là “làng nổi”. Những ngôi nhà này thực ra là các trại nuôi cá basa, cá tra và các loại thủy sản khác. Khu vực khúc sông này có tới hàng trăm bè cá như vậy, hình thành nên những làng nổi tạo nên nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn du khách tham quan. Muốn tham quan làng nổi, khách DL có thể thuê thuyền tại ngã ba Châu Đốc gần khách sạn Victoria hoặc tại bến phà Châu Giang nằm gần công viên có tượng đài cá basa của Châu Đốc. Du khách cũng có thể mua “Boating tour” của Victoria Châu Đốc, đi bằng tàu cao tốc thăm làng bè kết hợp với tham quan làng của người Chăm và chợ nổi bán trái cây.

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng: Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng, tỉnh An Giang được thành lập sau khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia năm 1984 và đã được Thủ tướng chính phủ quyết định công nhận là Khu di tích quốc gia cấp đặc biệt năm 2012. Đây là nơi Bác Tôn đã sinh ra, trưởng thành, là nơi hình thành nhân cách, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của người lãnh tụ của nhân dân Nam Bộ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Khu di tích này nằm trên 1 cù lao (cù lao Ông Hổ) rộng khoảng 3.102 m2, nằm trong một tổng thể không gian cảnh quan thoáng mát như bao nhiêu làng quê Nam Bộ. Du khách đến đây có thể tìm hiểu học tập và tham quan các công trình và sản phẩm DL như: ngôi nhà sàn thời niên thiếu của Bác Tôn, khu mộ của hai thân sinh và vợ chồng người em trai thứ tư của Bác Tôn, vườn cây trái tiêu biểu của vùng đất Nam Bộ, đền tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nhà trưng bày giới thiệu toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn, các di vật tiêu biểu trong khu di tích. Hiện nay, Khu lưu niệm Bác Tôn đã trở thành một địa điểm lưu niệm quan trọng về Bác, đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ - thể dục thể thao trong các ngày lễ hội và các ngày lễ lớn của đất nước.... Những hoạt động diễn ra ở đây mang tính chất thường kỳ, có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục truyền thống sâu sắc, nhất là đối với thế hệ trẻ. Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và DL.

+ Tua DL từ KDL Núi Sam – KDL Lâm viên Núi Cấm – Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp (Châu Đốc – Tịnh Biên – Tri Tôn)

Trong tua DL này, du khách được thưởng thức loại hình DL tâm linh tại KDL Lâm viên Núi Cấm và DL văn hóa lịch sử tại Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp.

KDL Lâm viên Núi Cấm: các sản phẩm DL nơi đây với các hoạt động hành hương tham quan và cúng bái chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc (tượng Phật Di Lặc trên núi lớn nhất Việt Nam), leo núi đến điện Bồ Hong, Bàn Chân Tiên... Về ẩm thực, du khách được thưởng thức món bánh xèo trứng đà điểu ăn với rau rừng Núi Cấm hết sức độc đáo.

Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp: đây là một di tích lịch sử hết sức nổi tiếng của tỉnh An Giang trong kháng chiến chống Mỹ. Đồi Tức Dụp còn có tên gọi là “Đồi hai triệu đô la” vì Mỹ ra giá mua lại khu căn cứ cách mạng Đồi Tức Dụp của ta thời đó là hai triệu đô la. Đến đây, du khách được tham quan hệ thống hang động chằng chịt trong núi, các vết tích chiến tranh và được các hướng dẫn viên kể lại các cuộc chiến đấu chống Mỹ hào hùng của nhân dân địa phương. Tại Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp du khách còn được thưởng thức một loại nước giải khát rất đặc biệt từ cây thốt lốt mà không có nơi nào có thể sánh bằng.

+ Tour DL từ KDL Núi Sam – KDL sinh thái Rừng tràm Trà Sư – Khu di tích Nhà mồ Ba Chúc (Châu Đốc – Tịnh Biên – Tri Tôn)

KDL sinh thái Rừng tràm Trà Sư: đến Trà Sư du khách được trải nghiệm loại hình DL sinh thái. Với rừng tràm rộng hơn 800 ha và vài chục loài chim cò, cá nước ngọt. Du khách được đi bằng xuồng theo các lối đi trong rừng tràm để ngắm hệ sinh thái ở đây với nhưng cây tràm xanh tươi, các loại chim cò đậu và làm tổ trên cây, các tổ ong mật và ong rừng thật lạ mắt. Sẽ hấp dẫn hơn nếu du khách tham quan Trà Sư vào mùa nước nổi, dịp này du khách sẽ được thưởng thức các món đặc sản mùa nước nổi ở đây như: lẩu chua cá linh bông điên điển, lẩu mắm với rau đồng, cá lóc nướng trui ...

Khu di tích Nhà mồ Ba Chúc: Khu di tích ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Nhà mồ Ba Chúc được xây dựng năm 1979, là di tích quan trọng trong quần thể di tích phơi bày tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ trong cuộc xâm lược biên giới Tây Nam năm 1978. Cùng với chùa Phi Lai và chùa Tam Bửu, Nhà mồ Ba Chúc đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 10-07-1980. Du khách tham quan nơi đây với loại hình DL học tập, nghiên cứu văn hóa lịch sử, qua đó thấy được tội ác của bọn diệt chủng Khmer Đỏ còn lưu dấu lại những vết máu trên tường của chùa Phi Lai và chùa Tam Bửu. Khu nhà mồ Ba Chúc được xây dựng lên giữa hai ngôi chùa để khắc ghi

tội ác diệt chủng được cho là do bọn Pôn Pốt gây ra. Nền nhà cao, có chín bậc thềm, bốn cạnh hình vuông, bốn chiếc cột đỡ trắng ngà tạo hình lưỡi kiếm chống thẳng xuống đất, chỗ tiếp giáp với cột có hình bàn tay nắm chặt chuôi gươm. Ở giữa là nhà kính xây hình bát giác, mỗi mặt xếp nhiều tầng các sọ người, với hai hốc mắt đang nhìn vào du khách; bên trong, xếp ngay ngắn xương ống chân, ống tay. Tổng cộng có 1.159 sọ, tức khoảng 1/3 số người bị thảm sát.

+ Tua DL từ KDL Núi Sam – Làng bè Châu Đốc – Làng nghề Dệt thổ cẩm Chăm – KDL Búng Bình Thiên (Châu Đốc – Tân Châu – An Phú)

Làng nghề Dệt thổ cẩm Chăm: Nằm phía bên kia sông Hậu, đối diện thành phố Châu Đốc là làng Chăm Châu Phong (thuộc thị xã Tân Châu), đây là làng Chăm cổ và còn mang đậm nét đặc trưng văn hóa Chăm ở vùng châu thổ sông Cửu Long. Làng Chăm Châu Phong nằm dọc theo hai bên bờ kênh Vĩnh An hiền hòa. Dệt thổ cẩm là nghề mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết. Khi được 10 - 12 tuổi, những thiếu nữ người Chăm đã được tập những thao tác đơn giản nhất của nghề dệt. Thổ cẩm của người Chăm hiện nay khác lúc trước rất nhiều nhưng vẫn giữ được những hoa văn truyền thống. Chất liệu chủ yếu được sử dụng là tơ công nghiệp và được nhuộm màu thủ công từ nước nấu của cây rừng. Nhuộm màu sợi, màu vải là bí quyết được lưu truyền nhiều đời nay trong cộng đồng người Chăm ở An Giang. Đồng bào Chăm cũng khéo léo, sản phẩm họ làm ra là những chiếc khăn choàng tắm, sà rông đầy màu sắc, thổ cẩm tinh xảo, túi đeo và đặc biệt là những chiếc khăn bịt tóc đẹp mắt. Đến Châu Phong bây giờ, du khách như lạc vào một thế giới khác. Những thánh đường Hồi giáo bề thế, uy nghi, nhà cửa có nét kiến trúc riêng với các hoa văn trang trí và nội thất mang nét đặc trưng của dân tộc Chăm.

b. Các tuyến DL ngoài tỉnh và nước ngoài:

KDL Núi Sam còn liên kết với một số địa điểm DL ngoài tỉnh như Kiên Giang và Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi nơi cũng có những loại hình và sản phẩm DL khác nhau.

+ Tua DL từ KDL Núi Sam – Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên – Hà Tiên (Châu Đốc – Tịnh Biên – Hà Tiên)

Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên: du khách đến đây chủ yếu là tham quan và mua sắm tại siêu thị miễn thuế Tịnh Biên.

Hà Tiên: đây là một thị xã phát triển DL mạnh nhất của tỉnh Kiên Giang. Với địa hình gồm cả đồi núi, đồng bằng và biển nên phát triển nhiều loại hình DL. Các điểm DL

nổi tiếng như: Hòn Phụ Tử, Chùa Hang, Thạch Động, Hòn Đá Dựng và đặc biệt là KDL Mũi Nai với bãi biển đẹp. Du khách đến đây có thể leo núi, tắm biển và thưởng thức nhiều loại hải sản.

+ Thành phố Hồ Chí Minh – KDL Núi Sam – Hà Tiên – Phú Quốc.

+ Tuyến ngược và xuôi dòng Mê Công (cả đường sông và đường bộ): Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Long Xuyên – Châu Đốc – PnômPênh – Thái Lan.

+ Tuyến Long Xuyên – Châu Đốc – Tịnh Biên – PnômPênh.

Hình 2.13 : Bản đồ du lịch tỉnh An Giang

Nguồn http://tuyengiaoangiang.vn/thoi-su/trong-tinh/23-de-du-lich-an-giang-tro-thanh- nganh-kinh-te-mui-nhon-

Phát triển mô hình du lịch cộng đồng là một công cụ quý báu để phát triển du lịch bền vững vì người nghèo. Qua đó, ngành du lịch có thể vươn tới những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và nếu được thực hiện tốt, du lịch có thể thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại những địa phương nghèo.

Để hỗ trợ cho ngành du lịch An Giang với hoạt động du lịch cộng đồng tại An Giang, loại hình du lịch cộng đồng này là một trong những mô hình mới đã và đang được ngành du lịch quan tâm, đầu tư phát triển nhằm từng bước làm phong phú thêm các loại hình du lịch của địa phương, tạo ra công ăn việc làm, tăng thu

nhập cho người dân, thu hút khách du lịch đến với tỉnh càng một đông hơn. Hiện tại khuynh hướng tâm lý khách thích quay về với tự nhiên, gần gủi với thiên nhiên, thích tìm hiểu những phong tục tập quán đặc trưng và ngành nghề truyền thống của từng vùng, từng địa phương, đặc biệt, là tìm về với du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn, du lịch sông nước và những loại hình vui chơi giải trí mới, lạ, hấp dẫn nhưng chứa đựng yếu tố dân gian.

Từ lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh, An Giang đã xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở Mỹ Hòa Hưng và ở làng Chăm (Phũm Soài – Thị xã Tân Châu) hiện đã đưa vào hoạt động. Trong năm 2007 An Giang đã thi công xây dựng xong hai mô hình du lịch cộng đồng đó là Trung tâm thông tin Du lịch Mỹ Hòa Hưng (Thành phố Long Xuyên) và Châu Phong (Thị xã Tân Châu) và đến năm 2008 ngành đã chính thức đưa hai trung tâm trên đi vào hoạt động phục vụ du khách.

Đến với Trung tâm Thông tin Du lịch cộng đồng người Kinh tại xã Mỹ Hòa Hưng (TP.Long Xuyên) du khách sẽ chiêm ngưỡng được những cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hữu tình với môi trường trong lành và gắn liền với khuôn viên của khu lưu niệm Bác Tôn nơi du khảo về nguồn lý tưởng của nhiều Đoàn khách, nơi đây từ lâu đã là địa chỉ du lịch nổi tiếng với các dịch vụ “Homestay” (ở nhà dân), thu hút du khách đa số là đối tượng khách Tây ba lô cùng ăn cùng ở cùng làm, một ngày làm người dân bản xứ cùng tham gia làm cá, làm lúa, tham gia làm vườn, đi chợ làng quê của người địa phương, tham quan làng bè, chợ nổi, hít thở không khí trong lành, làng quê yên tỉnh, đạp xe đi quanh làng mạc thanh bình, thưởng thức những món ăn dân dã địa phương, xem biểu diễn nghệ thuật dân tộc Kinh. Hiện nay loại hình du lịch này hiện đang rất được du khách rất ưa chuộng. Riêng đối với Trung tâm Du lịch cộng đồng người Chăm có nét đặc thù văn hóa Hồi Giáo với những Thánh đường cổ, có những lễ hội đặc sắc, có nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng ở Châu Giang, có những cô gái Chăm đẹp dịu dàng và thân thiện. Tất cả những nội dung trên đều được thể hiện đầy đủ tại hai Trung tâm này, du khách sẽ được xem những hình ảnh đẹp của các khu điểm du lịch nổi tiếng của An Giang, được ngắm nhìn những sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân An Giang, xem biểu diễn nghệ thuật dân tộc Chăm, Kinh tham quan các làng nghề, thăm vườn cây ăn trái, làng bè, du thuyền trên sông, tham quan cù lao, nghe đờn ca tài tử, tắm sông...

Có thể nói DLCĐ thật sự đã nối kết thân tình giữa du khách và người dân địa phương và tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho địa phương, là điểm dừng chân lý tưởng của du khách trong, ngoài tỉnh và khách quốc tế, đã và đang được các đơn vị lử hành trong và ngoài tỉnh đưa khách đến tham quan du lịch. Ngành Du lịch An Giang đã và đang đầu tư từng bước cho phát triển du lịch, không ngừng nâng cao, cải tiến về nội dung, hình thức, chất lượng phục vụ trong hoạt động du lịch, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch và đa dạng hóa các loại hình du lịch nhằm thu hút khách đến với tỉnh ngày càng đông hơn, đồng thời kích thích chi tiêu của khách du lịch ở mức cao hơn, tăng thời gian lưu lại của du khách. Trong đó có thể nói mô hình du lịch cộng đồng cũng là một trong những loại hình góp phần thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh an giang (Trang 60 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)