Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho du lịch cho cộng đồng

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh an giang (Trang 92 - 94)

a. Đào tạo kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ

Bồi dưỡng kiến thức cơ bản về DLCĐ như: kỹ năng chào đón và phục vụ khách lưu trú; kỹ năng sắp xếp và chuẩn bị đón khách; kỹ năng giao tiếp cơ bản với khách du lịch bằng tiếng Anh; kỹ năng hướng dẫn; kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng chế biến và phục vụ ẩm thực là việc làm hết sức cần thiết đối với cộng đồng để sẵn sàng, tự tin đón tiếp và phục vụ khách.

Sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động du lịch thường rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân của sự hạn chế này là do trình độ học vấn của cộng đồng, khả năng giao tiếp hạn chế. Ý thức được điều đó hầu hết đáp viên đều muốn được tập huấn về kỹ năng giao tiếp và nói chuyện với khách du lịch bằng chính ngôn ngữ mà khách sử dụng làm tiếng nói.

Nét đẹp về văn hóa giao tiếp ứng xử trong hoạt động DLCĐ là nền tảng sự tồn tại bền vững. Vì vậy trong phát triển du lịch cần phải có kỹ năng giao tiếp và ứng xử thân thiện có văn hóa trong các hoạt động du lịch, đặc biệt là DLCĐ bởi đặc trưng của DLCĐ là khách du lịch cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt trong một phạm vi và một không gian nhất định tại nhà dân. Như vậy việc đào tạo kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ ở một trình độ nhất định để phát triển du lịch là việc làm cần thiết đối với thuyết minh viên, người kinh doanh trong cộng đồng dân cư của khu vực du lịch và vùng đệm.

b. Đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ du lịch

Hình thành đội ngu hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại chỗ đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách du lịch :

+ Tập huấn kỹ năng hướng dẫn, thuyết minh và đón tiếp khách, đồng thời tập huấn cho thuyết minh viên là người của cộng đồng để nâng cao kiến thức của họ về văn hóa, đặc trưng của bản địa.

+ Đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ lưu trú, ăn uống cho các nhà nghỉ, cơ sở ăn uống trong cộng đồng, đặc biệt là những hướng dẫn về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và đồ uống, an ninh, an toàn, trật tự xã hội.

+ Ngoài việc đào tạo kỹ năng nghiệp vụ du lịch cũng cần tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng dệt, ca hát, múa và biểu diễn các tiết mục thể hiện bản sắc văn hóa địa phương giúp cho việc thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương đó.

Như vậy, việc đào tạo kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho những người tham gia vào DLCĐ ở địa phương cần thực hiện tốt theo các nội dung sau:

Thứ nhất: Tổ chức đón tiếp khách du lịch. Những người tham gia vào việc hướng dẫn khách và người dân cần có thái độ thân thiện tạo ấn tượng của du khách

ngay từ đầu và trong suốt thời gian khách du lịch ăn, ở tại nhà và tham quan tại địa phương cho đến khi khách rời khỏi địa phương.

Thứ hai: tổ chức ăn, ở và tham quan cho khách du lịch được thực hiện một cách chu đáo, giới thiệu rõ về không gian ở, ăn uống, sinh hoạt, nơi tham quan và những thông tin cần thiết cho du khách.

Việc đào tạo những kỹ năng và nghiệp vụ du lịch cho người dân tham gia vào các hoạt động du lịch là hết sức cần thiết và phải được thực hiện một cách thiết thực mang tính ứng dụng thực tế để người dân tham gia công tác đón tiếp khách, hướng dẫn khách và phục vụ khách một cách tự tin và đem lại sự hài lòng cho du khách góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh an giang (Trang 92 - 94)