Sự khủng hoảng và tan rã của các nước CNXH ở Đông Âu và Liên Xô đã gây nên những bất lợi cho phong trào phát triển của CNXH hiện thực, tác động tiêu cực đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhất là đến tinh thần thái độ của cán bộ, đảng viên đối với việc học tập LLCT.
Khoa học thông tin phát triển nhanh, đã đem lại những điều kỳ diệu cho nhân loại, song có nhiều lượng thông tin không lành mạnh, chúng ta chưa kiểm soát được đã tác động xấu đến tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên đặc biệt là thế hệ trẻ.
Quan hệ quốc tế ngày càng được mở rộng cho nên sự giao lưu văn hóa nghệ thuật ngày càng phong phú và đa dạng nhưng chúng ta chưa quản lý chặt chẽ, hiệu quả các kênh thông tin, cho nên đã xuất hiện nhiều sách báo, các loại hình văn hóa nghệ thuật không trong sáng, lành mạnh. Một số cán bộ, đảng viên không vượt qua được khó khăn thử thách, không đủ kiến thức và niềm tin để có cách nhìn và cách hiểu về các sự kiện chính trị xã hội diễn ra một cách đúng đắn, không vượt qua được những cám dỗ cuộc sống nên sa ngã rơi vào các tệ nạn xã hội.
Các thế lực thù địch luôn sử dụng âm mưu diễn biến hòa bình tấn công vào tình hình tư tưởng của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm làm chuyển biến hệ tư tưởng chúng ta. Chúng tìm mọi cách tác động vào đời sống văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo.... tấn công vào chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thổi phồng những sai lầm khuyết điểm trong thực tiễn xây dựng CNXH, tuyên truyền, khuyến khích lối sống theo Phương Tây, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, tự do theo kiểu Phương Tây... Bằng những thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt chúng đã làm cho những người mơ hồ về chính trị chạy theo lối sống Phương Tây. Một bộ phận cán
bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, có biểu hiện ngại học tập LLCT, không khát khao tìm hiểu lý tưởng cộng sản.
Nước ta vẫn là một nước chậm phát triển trong khu vực và trên thế giới, cho nên việc đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho ĐTBD còn hạn chế.
Nền kinh tế thị trường bên cạnh những mặt tích cực đã bộc lộ nhiều tiêu cực ảnh hưởng đến công tác giáo dục LLCT của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã, thành phố Quảng Ninh. Đặc biệt là tình hình tiêu cực của xã hội đang diễn ra với tính chất và qui mô ngày càng nghiêm trọng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, trong đó có cả một số lãnh đạo các cấp đã gây mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ ảnh hưởng lớn đối với công tác giáo dục lý luận và công tác tuyên truyền.
Trong những năm vừa qua Đảng ta rất quan tâm đến công tác tuyên truyền và công tác giáo dục LLCT, luôn hướng về cơ sở, giải quyết những yêu cầu thực tiễn ở cơ sở đặt ra. Song sự quan tâm của Đảng đến thực trạng, yêu cầu đổi mới chất lượng hoạt động của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện chưa nhiều. Thể hiện:
+ Qui định về chức năng nhiệm vụ của trung tâm bồi dưỡng chính trị có điểm chưa rõ như đối với việc quản lý đội ngũ báo cáo viên, tổ chức thông tin nội dung tại hội nghị báo cáo viên, nếu địa phương nào phối hợp tốt thì đảm bảo được hiệu quả cao, còn địa phương nào lỏng lẻo trong quá trình phối hợp giữa ban tuyên giáo và trung tâm bồi dưỡng chính trị thì mảng hoạt động này sẽ kém hiệu quả, công tác tổ chức học tập nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ của cấp uỷ đảng, nhưng nhiều nơi giao phó nhiệm vụ này cho trung tâm bồi dưỡng chính trị thực hiện.
+ Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện thực chất là một trường học, phụ cấp cho giảng viên lý luận được hưởng như ngành giáo dục. Nhưng hầu hết các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện chưa được đối xử, chưa được đánh giá như một trường học, có tình trạng trường không ra trường, lớp không ra lớp. Một số chương trình bồi dưỡng nội dung tài liệu học tập còn
một số điểm chưa phù hợp cả về nội dung, thời gian, đối tượng học tập các chương trình phổ biến cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên chưa có hướng dẫn cụ thể.
+ Sự quan tâm lãnh đạo quản lý về chuyên môn của cơ quan cấp trên đã có nhiều cố gắng nhưng cũng chưa thể giải quyết được những bất cập của các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh Quảng Ninh hiện nay như: Số lượng biên chế, chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình dạy và học.
Quảng Ninh là một địa phương có địa bàn rộng, đa tôn giáo, dân tộc, số lượng đảng viên đông, do đó cũng tạo những khó khăn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh chưa phát triển, việc đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí cho công tác ĐTBD còn gặp nhiều khó khăn.
Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí vai trò, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm bồi dưỡng chính trị theo tinh thần Quyết định số 100-QĐ/TW ngày 3/6/1995 của Ban Bí thư và Quyết định số 185- QĐ/TW ngày 3/9/2008, do đó sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức đối với hoạt động ĐTBD tại trung tâm bồi dưỡng chính trị, nên trung tâm bồi dưỡng chính trị còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi chính đáng của một số cán bộ, đảng viên về học tại trung tâm bồi dưỡng chính trị.
Một số cấp ủy chưa coi trọng việc đầu tư xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy các trung tâm bồi dưỡng chính trị. Đa số giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm chức chưa có nghiệp vụ sư phạm; chưa được bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ giảng dạy LLCT, kể cả những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn nhằm giúp cho đội ngũ này nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy, tuyên truyền theo kịp yêu cầu đổi mới. Quy định tiêu chuẩn, chế độ học tập đối với cán bộ chưa thống nhất, các chế độ, chính sách đối với người dạy và người học chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nên không khuyến
khích được người dạy và người học, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và học tập tại các trung tâm.
Hàng năm các cấp ủy địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đều thực hiện qui hoạch cán bộ, song một số nơi chưa nghiên cứu sâu công tác qui hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, do đó việc đào tạo cán bộ chưa thật sự gắn bó với quy hoạch, đã gây lãng phí trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và tâm lý không ổn định trong học tập của một số cán bộ Đảng được cử đi học.
Một số lãnh đạo trung tâm bồi dưỡng chính trị chưa năng động, sáng tạo trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của trung tâm bồi dưỡng chính trị. Còn một bộ phận không ít giảng viên thiếu ý thức tự đào tạo nâng cao trình độ kiến thức xã hội, kiến thức lý luận, nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước đáp ứng được mong muốn của cán bộ, đảng viên cơ sở. Phương pháp giảng dạy tại một số trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện còn chậm đổi mới, nặng về truyền thụ kiến thức một chiều; chưa phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên.
Nhìn chung, những kết quả đạt được cũng như những tồn tại hạn chế có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân là do nhận thức, có nguyên nhân là trong quá trình tổ chức thực hiện, cấp uỷ huyện và trung tâm bồi dưỡng chính trị tìm ra được đúng nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm. Từ đó tìm ra được biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm bồi dưỡng chính trị trong thời kỳ mới.