Khái niệm quản lý hành chính nhà nước

Một phần của tài liệu Phòng, chống tham nhũng trong quản lý hành chính nhà nước ở tỉnh đắk lắk hiện nay (Trang 27 - 29)

Theo Hiến pháp năm 2013, hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay, bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Các mối quan hệ chính trị được xác lập do một cơ chế chủ đạo: Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý. Trong cơ chế tổng hợp quản lý đất nước, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong đó, Nhà nước là chủ thể duy nhất thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên cơ sở đại diện cho toàn xã hội, cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, theo pháp luật. Do đó, Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa là cơ quan quyền lực, vừa là bộ máy chính trị, hành chính, vừa là tổ chức quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội của nhân dân.

Để thực thi quyền hành pháp, Nhà nước thực hiện các hoạt động HCNN để chỉ đạo thực hiện pháp luật, hay còn được gọi là hoạt động quản lý HCNN. Cụ thể hơn, quản lý HCNN là hoạt động thực thi quyền hành pháp nhằm tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đối với các quá trình xã hội và hành vi của công dân, do các cơ quan HCNN trong hệ thống hành chính từ Trung ương đến cơ sở tiến hành, để thực hiện được chức năng và nhiệm vụ của nhà nước, phát triển các mối quan hệ xã hội, duy trì trật tự, an ninh, thỏa mãn các nhu cầu hợp pháp của các công dân. Nói cách khác, quản lý HCNN là hoạt động chấp hành – điều hành của Nhà nước.

Tất cả các cơ quan nhà nước đều tiến hành hoạt động quản lý HCNN nhưng chủ yếu do các cơ quan HCNN thực hiện. Cơ quan HCNN là một loại cơ quan trong bộ máy nhà nước, được thành lập theo hiến pháp và pháp luật, để thực hiện quyền lực nhà nước, có chức năng quản lý HCNN trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, như: Quản lý nhà nước về kinh tế; quản lý nhà nước về văn hoá; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội,... Trong quá

trình điều hành, cơ quan HCNN có quyền nhân danh nhà nước ban hành các văn bản pháp luật hay các mệnh lệnh cụ thể bắt buộc các đối tượng quản lý có liên quan phải thực hiện. Theo Hiến pháp năm 2013, các cơ quan HCNN của nước ta hiện nay, bao gồm: Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan có chức năng quản lý nhà nước thuộc Chính phủ; UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp.

Một phần của tài liệu Phòng, chống tham nhũng trong quản lý hành chính nhà nước ở tỉnh đắk lắk hiện nay (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)