Văn hoá là sản phẩm tinh hoa của con người, là yếu tố quyết định cách xử sự của con người và gắn bó với con người. Văn hóa được hiểu là toàn bộ những hoạt động sáng tạo và những giá trị của nhân dân một nước, một dân tộc trên phương diện sản xuất tạo ra những gái trị vật chất và tinh thần trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Mối quan hệ giữa vai trò của của các cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội, của nhân dân về PCTN với các yếu tố văn hoá được thể hiện ở chỗ Pháp luật ghi nhận những giá trị lịch sử truyền thống tốt đẹp, những ứng xử hay trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, pháp luật là cơ sở pháp lý, là chuẩn mực để góp phần vào việc
phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các trường hợp lợi dụng văn hóa ứng xử để thực hiện các hành vi tham nhũng. Mặt khác, việc xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc của dân tộc cũng sẽ góp phần đẩy lùi tệ nạn tham nhũng và bản thân những yếu tố văn hoá này cũng tác động trực tiếp đến pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng. Vì vậy, trong thực tiễn phát huy việc PCTN trong quản lý HCNN cũng cần chú ý các yếu tố văn hóa để xây dựng các quy định làm sao vừa phát huy, bảo vệ được những giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời, loại bỏ, ngăn chặn sự xâm nhập các luồng văn hóa độc hại và xử lý những trường hợp lợi dụng các ứng xử văn hóa để vụ lợi, tham nhũng.
Đặc điểm tâm lý, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến việc PCTN trong quản lý HCNN. Trải qua hàng ngàn năm dưới sự thống trị của phong kiến nước ngoài, phong kiến trong nước và chế độ nửa thuộc địa nên người dân khi có việc đến “cửa quan” là tìm cách cậy nhờ. Tâm lý ấy đến nay vẫn chưa xóa bỏ được. Người dân có việc phải giải quyết với cơ quan công quyền, trước hết tìm đến người thân, bạn bè làm ở các cơ quan đó, hoặc có quen người làm ở các cơ quan đó để nhờ vả và cho rằng việc đưa tiền, quà biếu chỉ là khoản “bồi dưỡng” để cảm ơn người đã giúp đỡ mình mà không cho là hối lộ. Do đó, người nhận và đưa hối lộ cho là chuyện thường tình và dẫn đến nảy sinh các tỷ lệ ăn chia ngầm trong giải quyết công việc của một số ngành, lĩnh vực mà những ai không biết hoặc không thực hiện thì công việc vận hành khó khăn, thậm chí ách tắc. Điều này đã làm cho tham nhũng càng thêm lan rộng và phát triển ngày càng nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn cho việc PCTN trong quản lý HCNN ở tỉnh Đắk Lắk. Mặt khác, tâm lý làng, xã, đồng hương cộng với tâm lý của người tiểu nông đã tạo ra một tâm lý xã hội ngại đấu tranh, ngại nói thẳng, tâm lý “một người làm quan, cả họ được nhờ”, hoặc có
việc liên quan đến dịch vụ công là phải đi nhờ vả,… vừa tạo điều kiện cho nạn tham nhũng phát triển, vừa gây trở ngại cho công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống tham nhũng trong quản lý HCNN ở tỉnh Đắk Lắk.