III. LUẬN VỀ PHÁP HÀNH
1) Nāmarūpaparicchedañāṇa Tuệ Phân Biệt Danh-Sắc
Ðây là tuệ, nhờ đó, hành giả nhận ra thực tánh pháp trong sát-na hiện tại (sabhāva dhamma). Sabhāva là thực tánh của Danh (nāma) và Sắc (rūpa). Tuệ này làm thay đổi tà kiến cho rằng nāma - rūpa là "ta". Trí tuệ ở giai đoạn này chưa đủ để cho hành giả nắm bắt sát-na hiện tại, bởi vì tà kiến (phiền não) cho rằng Danh-Sắc là "ta" hay "của ta" đã quá thâm sâu. Người muốn đạt được Tuệ phân biệt Danh-Sắc nầy phải tuân thủ tuyệt đối pháp hành Tứ Niệm Xứ như đã được Ðức Phật trình bày trong Kinh Mahāsatipaṭṭhāna (Ðại Niệm Xứ). Hành giả muốn thành công trong con đường thiền quán cần phải nắm bắt Danh-Sắc trong sát-na hiện tại thường xuyên, với càng nhiều trí tuệ thẩm nghiệm (cinta paññā) càng tốt,
cho đến khi chánh niệm tỉnh giác trở thành trí tuệ mạnh mẽ. Lúc ấy, chánh kiến (sammā -- diṭṭhi) sẽ nảy sinh. Trường hợp, khi chánh kiến phát sanh, hành giả sẽ biết, trong sát-na hiện tại, danh nào, sắc nào đang được quán (sắc ngồi, danh nghe,...), và hành giả cũng sẽ nhận ra rằng chính Danh (là cái) biết được đó là sắc ngồi, v.v... Hơn nữa, hành giả cũng sẽ biết rằng, vạn pháp trong thế gian này đều không ngoài Danh và Sắc -- không đàn ông, không đàn bà, không tự ngã hay linh hồn gì cả. Khi tà kiến về tự ngã đã bị diệt trừ, hành giả sẽ cảm thấy vô cùng sợ hãi bởi vì từ trước đến nay, chưa bao giờ hành giả có cảm giác rằng không có "ta" hay "của ta" cả.
Nhờ tuệ minh sát (vipassanā paññā) cực mạnh nhổ bật gốc những phiền não (tà kiến) ra khỏi cảm giác của mình, giờ đây hành giả có thể nhận ra thực tánh của Danh và Sắc.
Khi đến tuệ này, hành giả sẽ tự mình biết lấy. Cũng giống như việc nếm đường, không cần ai nói cho ta biết vị của đường là như thế nào.
Trong Anguttara - Nikāya (Tăng Chi Kinh), Ðức Phật nói Pháp (Dhamma) này là: "Paccattaṃ veditabbo viññuhi" - bậc trí tự
mình trực nghiệm. Dhamma (Pháp) không cần một vị thầy phải giải thích cho ta biết rằng ta đã đạt đến mức độ tuệ nào, mà hành giả sẽ tự biết do trực nghiệm cá nhân của mình. Cũng có khi một số hành giả sẽ nghĩ rằng mình đã đạt đến một tuệ nào đó, nhưng không thực sự chắc chắn lắm. Nếu hành giả không chắc chắn thì hành giả có thể vẫn chưa đạt được tuệ ấy.
Tuệ này được gọi là Diṭṭhivisuddhi -- Kiến tịnh, bởi vì vào sát-na chứng ngộ sẽ không có phiền não. Tuy nhiên, chánh kiến này vẫn chưa nhận rõ tam tướng (vô thường, khổ, vô ngã), cần phải thực hành thêm để đạt đến đó.
Trí tuệ thứ nhất này trở thành nơi "nương nhờ" (quy y) của hành giả, bởi vì nhờ đó, hành giả nhận ra thực tánh pháp. Hành giả biết điều này bằng sự trực nhận Danh-Sắc, cũng như người nếm vị đường vậy.
Từ đây về sau, vị ấy biết, "ta không ngồi mà là sắc ngồi", "ta không thấy mà là danh thấy", v.v... Hơn nữa, vị ấy còn biết tất cả các chúng sanh mà vị ấy thấy chỉ là Danh và Sắc. Như vậy, kể từ tuệ thứ nhất này, Danh và Sắc trở thành "Thầy" của hành giả.