II. PHỤ LỤC THẨM VẤN THIỀN SINH (tiếp theo)
T: -Nghĩa là tôi có thể theo dõi Danh-Sắc và nó rõ hơn trước
đây.
A: - Sư muốn nói là sư ở trong sát-na hiện tại, sư có được
nhiều sát-na hiện tại hơn, đúng không? Như vậy sư mới thấy được rằng việc thực hành vipassanā là rất khó. Có khi sư phải mất một thời gian dài, có thể là nhiều ngày để trú trong sát-na hiện tại, cho đến khi tâm giữ được mức trung đạo, không thích -- ghét hay tham -- sân nữa. Nếu sư hành thiền chỉ, sư phải quán một đối tượng duy nhất trong một thời gian rất lâu. Hơn nữa, đối tượng ấy lại nằm ngoài sư và thuộc về thực tại chế định (không phải Danh-Sắc). Tâm phải có một năng lực tập trung rất mạnh, nhưng hành vipassanā và trú được ở trong sát-na hiện tại mà không có phiền não là điều không phải dễ. Phiền não chi phối chúng ta quá mạnh, đến độ chúng ta chẳng khác gì món dưa cải quá chua vì bị ngâm lâu ngày. Do đó, ngăn phiền não không cho xen vào các cảm giác không phải là chuyện dễ. Sư phải hiểu và có yoniso
chân chánh. Tôi muốn sư lưu ý đến lý do sư có được cảm giác này (tức cảm giác trú trong sát-na hiện tại), và làm thế nào sư có thể giữ cho tâm không có phiền não. Nếu sư biết điều này, lúc đó sư mới có thể ngăn được phiền não và trú trong sát-na hiện tại lâu hơn. Cuối cùng, sư sẽ đoạn tận được khổ. Vào thời Ðức Phật, Ngài dạy Pháp, chư Tăng lắng nghe, hiểu được lý do Ngài thuyết kinh, và họ có thể hướng tâm mình đúng cách. Khi Ðức Phật dứt thời Pháp, các vị cũng giác ngộ -- họ hiểu những điều Ngài nói.
Hành thiền minh sát rất khó. Thoạt tiên, khi mới giác ngộ, Ðức Phật cảm thấy ngại ngùng không muốn thuyết giảng những gì mình biết cho ai cả, bởi vì nó quá khó. Có thể nói là khó hơn bất kỳ một công việc nào khác. Tất cả chúng ta đều nằm trong gọng kềm siết chặt của si mê; mọi chuyện chúng ta làm, tà kiến chấp đó là "chúng ta làm" đã chi phối. Sư si mê đó là tà kiến chấp rằng Danh-Sắc là "Ta" hay "Tự ngã của ta".
Sư đến đây thực hành gần ba tháng, sư hiểu pháp hành rõ hơn. Ðiều đó có nghĩa là sư đã biết làm thế nào để tu tập tâm đúng pháp. Tuy nhiên, cũng có lúc sư lạc ra khỏi con đường chân chánh ấy.