Tư vấn dinh dưỡng trong điều trị đái tháo đường

Một phần của tài liệu Thực trạng chăm sóc và tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân đái tháo đường type 2 điều trị tại khoa nội tiết thần kinh bệnh viện đa khoa tỉnh hưng yên năm 2016 (Trang 30 - 32)

Tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân hiểu về bệnh, chế độ dinh dưỡng, chế độ luyện tập, dùng thuốc và tái khám định kỳ. Tư vấn phải diễn ra liên tục và bằng nhiều hình thức khác nhau để bệnh nhân có thể hiểu và nắm được tầm quan trọng của việc thực hành ăn uống khi bị bệnh đái tháo đường, và trong thực hành có thể thay đổi thói quen ăn uống trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Việc tư vấn để biết cách chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và ăn khẩu phần ăn giàu chất xơ giúp làm giảm đường huyết trong máu. Nghiên cứu năm 2001 của Miller C cho thấy bệnh nhân ĐTĐ type 2 được ăn chế độ ăn giàu chất xơ từ nguồn tự nhiên, đặc biệt là nguồn quả chín (50 gram/ngày, 50% là chất xơ hòa tan) trong vòng 6 tuần đã cải thiện có ý nghĩa chỉ số đường huyết và lipid máu . Moses. R. G và cs cũng cho thấy chế độ ăn giàu chất xơ (50 gram chất xơ 25 gram hòa tan và 25 gram không hòa tan) cũng có tác dụng cải thiện đường huyết, giảm đề kháng insulin và rối loạn mỡ máu trên bệnh nhân ĐTĐ type 2 .

Tư vấn cho người bệnh về chế độ luyện tập, luyện tập thể dục thường xuyên vừa có tác dụng làm tăng tác dụng của insulin, giảm liều thuốc đang dùng, giảm đường huyết, giảm mỡ máu, chống tăng cân. Hình thức luyện tập có thể là đi bộ, bơi, đi xe đạp. Không nên tập luyện thể dục khi đường huyết quá cao hoặc quá thấp, huyết áp cao, phù. Nên chọn các hình thức tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe bản thân. Các nghiên cứu chiều dọc đã cho thấy rằng hoạt động thể lực làm giảm nguy cơ mắc đái tháo đường type 2. Tập thể dục mạnh mẽ (tập tới cường độ 80 - 90% của nhịp tim ước tính theo tuổi trong ít nhất 20 phút, ít nhất 5 lần một tuần) có tiềm năng làm tăng một cách chắc chắn tính nhạy cảm của insulin.

Mối quan hệ giữa tăng cân quá mức, béo phì trung tâm và phát triển ĐTĐ type 2 mang tính thuyết phục. Vòng eo hay tỉ số eo - mông phản ánh sự tập trung mô mỡ ở bụng hay nội tạng là yếu tố xác định mạnh hơn về nguy cơ mắc ĐTĐ type 2 hơn là chỉ số BMI. Sự tích mỡ trung tâm cũng là yếu tố quan trọng của sự đề kháng insulin, tính bất thường cơ bản ở hầu hết các trường hợp ĐTĐ type 2. Sự giảm cân tự nguyện cải thiện tính nhạy cảm insulin . Nghiên cứu của Lê Phong và cộng sự tại Thanh Hóa về hiệu quả thay đổi hành vi dinh dưỡng luyện tập cho các đối tượng tiền ĐTĐ cho thấy trước và sau can thiệp 4 tháng thì tỷ lệ nhóm can thiệp đã tăng lên rõ rệt từ 48,1% lên 84,6% .

Bệnh nhân nằm viện có thể mắc các stress tâm lý do đó phải tư vấn cho người bệnh thoải mái trong quá trình nằm viện không nên căng thẳng, sống hòa đồng với bệnh nhân, các khúc mắc trong quá trình nằm viện có thể hỏi các bác sĩ điều trị. Vì stress làm tăng hệ thống hormon đối kháng dẫn đến kích thích phân hủy và tổng hợp glycogen, ức chế hấp thu glucose làm tăng glucose máu. Rượu có thể làm tăng hoặc hạ đường huyết điều này phụ thuộc vào số lượng và có ăn kèm thức ăn không. Bia rượu sinh ra nhiều năng lượng làm cho đường huyết tăng khó kiểm soát. Bệnh nhân ĐTĐ chỉ nên thỉnh thoảng uống, uống ở mức độ vừa phải và có thức ăn đi kèm.

Hút thuốc lá góp phần làm tổn thương mạch máu, tăng xơ vữa động mạch, giảm khả năng mang oxy cho mô. Đường huyết cao kết hợp với hút thuốc lá làm tổn thương mạch máu nuôi tim, não, thận, mắt và thần kinh ngoại biên làm tăng tốc độ biến chứng các cơ quan này. Do đó việc tư vấn cho người bệnh bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia sẽ giúp cho người bệnh chung sống lâu dài với bệnh ĐTĐ hạn chế được các biến chứng do bệnh gây ra.

Một phần của tài liệu Thực trạng chăm sóc và tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân đái tháo đường type 2 điều trị tại khoa nội tiết thần kinh bệnh viện đa khoa tỉnh hưng yên năm 2016 (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(121 trang)
w