Các kỹ thuật áp dụng trong nghiên cứu

Một phần của tài liệu Thực trạng chăm sóc và tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân đái tháo đường type 2 điều trị tại khoa nội tiết thần kinh bệnh viện đa khoa tỉnh hưng yên năm 2016 (Trang 43 - 46)

2.2.4.1. Nhân trắc học

* Cân, đo chiều cao:

Địa điểm cân đo được thực hiện tại khoa Nội tiết - thần kinh bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên.

+ Cân nặng: Sử dụng cân SECA (độ chính xác 0,1kg). Trọng lượng cơ thể được ghi theo kg với một số lẻ. Cân đối tượng vào buổi sáng, khi chưa ăn uống. Khi cân chỉ mặc quần áo gọn nhất và trừ bớt cân nặng trung bình của quần áo khi tính kết quả. Đối tượng đứng giữa bàn cân, không cử động, mắt nhìn thẳng, tay buông thõng 2 bên thân, trọng lượng phân bố đều cả 2 chân. Cân được đặt ở vị trí ổn định và bằng phẳng.

+ Đo chiều cao đứng bằng thước gỗ 3 mảnh, độ chia chính xác tới milimet. Đối tượng bỏ guốc dép, đi chân không, đứng quay lưng vào thước đo. Gót chân, mông, vai, chẩm theo một đường thẳng áp sát vào thước đo, mắt nhìn thẳng, hai tay bỏ thõng theo hai bên mình. Kéo cái chặn đầu của thước từ trên xuống đến khi áp sát đỉnh đầu, nhìn vào thước để đọc kết quả. Chiều cao được ghi theo cm với một số lẻ.

* Đo vòng eo, vòng mông:

+ Đo vòng eo: Đo bằng thước dây không co dãn, kết quả được ghi theo cm với một số lẻ. Vòng eo đo tương ứng với điểm giữa của bờ dưới xương sườn cuối với bờ trên mào chậu theo đường nách giữa. Đối tượng đứng ở tư thế thoải mái, hai tay buông thõng, vòng đo ở mặt phẳng nằm ngang.

+ Đo vòng mông: Đo bằng thước dây không co dãn, kết quả được ghi theo cm với một số lẻ. Vòng mông đo tương ứng với phần lớn nhất của mông. Đối tượng đứng ở tư thế thoải mái, hai tay buông thõng, vòng đo ở mặt phẳng nằm ngang.

- Tính chỉ số WHR.

2.2.4.2. Phỏng vấn

Trước khi nghiên cứu, cán bộ nghiên cứu được tập huấn để phỏng vấn đối tượng nhằm thu thập những thông tin liên quan đến thực trạng chăm sóc, tình trạng dinh dưỡng và đặc điểm khẩu phần ăn của đối tượng.

* Phỏng vấn cán bộ y tế: Sử dụng bộ câu hỏi phỏng vấn trực tiếp để điều tra về:

- Thông tin chung của cán bộ y tế tham gia nghiên cứu.

- Kiến thức về bệnh tật, dinh dưỡng và chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường type 2.

- Thái độ của cán bộ y tế về chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh. - Thực trạng thực hành chăm sóc về dinh dưỡng của cán bộ y tế. - Sự hỗ trợ từ lãnh đạo trong công tác chăm sóc dinh dưỡng.

* Phỏng vấn bệnh nhân: Sử dụng bộ câu hỏi phỏng vấn trực tiếp để điều tra về:

- Đặc điểm đối tượng nghiên cứu: tên, tuổi, nghề nghiệp

- Hỏi tiền sử gia đình bệnh nhân có người bị bệnh ĐTĐ, type ĐTĐ bệnh phát hiện được bao lâu rồi.

- Thực hành chăm sóc, tư vấn dinh dưỡng bệnh nhân tại bệnh viện: Hỏi bệnh nhân có được nhân viên y tế cân đo không, nơi ăn, nếu không ăn tại viện thì vì sao, số bữa ăn một ngày, ăn uống có đúng giờ không, có ăn hết suất không. bệnh nhân có được tư vấn dinh dưỡng không, tư vấn khi nào, ai tư vấn, tư vấn về nội dung gì?

- Hỏi ghi khẩu phần: Sử dụng phương pháp hỏi ghi 24 giờ qua .

Trong phương pháp này, đối tượng kể lại tỉ mỉ những gì đã ăn 24 giờ trước khi phỏng vấn. Những dụng cụ hỗ trợ trong phương pháp này bao gồm (bộ dụng cụ đo lường như cốc, chén, thìa, album ảnh món ăn và cân thực phẩm…) để giúp đối tượng có thể dễ nhớ, dễ mô tả các kích cỡ thực phẩm với số lượng đã tiêu thụ một cách chính xác.

Cán bộ điều tra hỏi ghi tất cả các thực phẩm được đối tượng tiêu thụ trong 24 giờ kể từ lúc điều tra viên bắt đầu phỏng vấn trở về trước. Hỏi lần lượt mỗi bữa ăn của đối tượng và mỗi món ăn của từng bữa. Đối với mỗi món ăn, hỏi từng thành phần thực phẩm để chế biến ra món ăn đó cùng với trọng lượng sử dụng. Có thể thu thập giá tiền của một đơn vị đo lường sử dụng trong trao đổi hàng hóa ở địa phương (mớ rau, bìa đậu, bánh rán…giá bao nhiêu tiền). Trên sơ sở đó, cán bộ phụ trách điều tra sẽ tiến hành quan sát giá cả tại địa phương, mua và cân kiểm tra lại để quy đổi ra đơn vị đo lường chung. Kết quả cuối cùng của quá trình phỏng vấn là có được số liệu chính xác nhất về tên và trọng lượng thực phẩm đã được đối tượng sử dụng trong thời gian nghiên cứu.

2.2.5. Trình tự tiến hành nghiên cứu

2.2.5.1. Tập huấn điều tra viên

Các điều tra viên được tập huấn về mục đích tham gia nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, các chỉ tiêu lựa chọn bệnh nhân tham gia nghiên cứu, các chỉ số, số liệu thu thập trước khi tiến hành điều tra.

Tập huấn cho điều tra viên để thống nhất về các nội dung phỏng vấn, cách cân đo nhân trắc, cách thức điều tra khẩu phần 24h và tần xuất tiêu thụ thực phẩm, cách sử dụng các biểu mẫu điều tra.

2.2.5.2. Tổ chức điều tra

- Hàng ngày chọn đối tượng bệnh nhân từ 30 - 60 tuổi được chẩn đoán xác định là đái tháo đường type 2 vào nghiên cứu.

- Giải thích và hướng dẫn bệnh nhân vào điều trị biết mục đích và nội dung thực hiện, ghi thông tin cho chính xác.

- Thu thập số liệu hàng ngày dựa vào số bệnh nhân vào điều trị.

2.2.5.3. Tổ chức giám sát

Kiểm tra việc thu thập số liệu và ghi chép biểu mẫu của điều tra viên, cộng tác viên mỗi tuần 02 lần và kiểm tra ngẫu nhiên 01 trường hợp, tư vấn các tình huống xem ghi chép đã đúng theo mẫu chưa.

2.2.6. Sai số và cách khắc phục

Sai số có thể gặp là: Sai số do cân, đo không chính xác, sai số do nhớ lại, sai số do điều tra viên, sai số do xét nghiệm, sai số do nhập và xử lý số liệu.

Cách khắc phục: Phỏng vấn thử để kiểm tra tính phù hợp của bộ câu hỏi, tổ chức tập huấn kỹ cách đo chiều cao, cân nặng, vòng bụng và vòng mông trước khi điều tra, chuẩn hóa kỹ thuật đo chiều cao và cân nặng, kiểm tra lại số liệu sau mỗi ngày, tuân thủ theo đúng quá trình nhập và xử lý số liệu.

Một phần của tài liệu Thực trạng chăm sóc và tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân đái tháo đường type 2 điều trị tại khoa nội tiết thần kinh bệnh viện đa khoa tỉnh hưng yên năm 2016 (Trang 43 - 46)

w