Tình hình nghiên cứu betacyanin và pectin ngoài nước

Một phần của tài liệu Nghiên cứu quy trình trích ly betacyanin và pectin từ vỏ thanh long ruột đỏ (hylocereus polirhizus) bằng phương pháp trích ly hai pha nước (Trang 49 - 50)

Đã có rất nhiều nghiên cứu trích ly betacyanin bằng các phương pháp như phương pháp sử dụng dung môi (Azeredo, 2009), phương pháp hỗ trợ sóng siêu âm (Esclapez & cộng sự, 2011), phương pháp trích ly bằng dung môi lỏng siêu tới hạn (Cardoso-Ugarte &

cộng sự, 2014),… tuy nhiên các phương pháp này còn nhiều hạn chế trong việc tinh sạch cũng như là hiệu suất thu hồi betacyanin. Phương pháp ATPE được xem là một phương pháp mới khắc phục được các nhược điểm của các phương pháp thông thường. Đối với việc trích ly betacyanin bằng phương pháp ATPE đã được áp dụng với một số hệ khác nhau như ethanol/muối, polymer/muối,…nhưng vẫn còn tương đối hạn chế (J. Chandrasekhar & cộng sự, 2013). Betacyanin được trích ly từ củ cải đường theo phương pháp ATPE với hệ PEG/muối thu được betalain (70-75%) (Chethana & cộng sự, 2007).

Quá trình trích ly pectin đã và đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Một ví dụ điển hình đó là báo cáo từ Abid và cộng sự, khi họ nghiên cứu ảnh hưởng của pH, nhiệt độ, thời gian trích ly đến năng suất của pectin từ vỏ cam. Với vỏ cam nghiền mịn được ngâm trong dung dịch acid sulfuric 0.1N, pH 2.5 ở 80°C trong 120 phút, hiệu suất thu được là 16.1%. (Abid và cộng sự, 2009). Được tin là một nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp sản xuất pectin, vỏ thanh long cũng đã được sử dụng trong nhiều công trình nghiên cứu. Một trong những nghiên cứu đó là của Ismail và cộng sự, về trích ly và tính chất của pectin thu được trên vỏ thanh long ruột đỏ. Trong nghiên cứu này vỏ thanh long được xử lý riêng bằng 0.25% ammonium oxalate/acid oxalic, HCl 0.03M tại pH = 4.6 ở 86ºC và nước khử ion. Hiệu suất trích ly thu được dao động từ 14.96%-20.14% tính theo trọng lượng khô (Ismail & cộng sự, 2012). Trong một nghiên cứu khác về quá trình trích ly pectin với sự hỗ trợ của vi sóng (MAE), nghiên cứu được khảo sát trong các điều kiện 300, 450, 600 W thời gian 5-10 phút, hiệu suất thu hồi pectin cao nhất đạt 23.11% ở 600 W. Mặc dù có nhiều ưu điểm như thời gian thực hiện nhanh, tiết kiệm được dung môi cũng như có thể mở rộng trên quy mô lớn, tuy nhiên MAE đã được báo cáo rằng pectin bị suy giảm tính chất khi tiếp xúc với các tia phóng xạ (Maran & cộng sự, 2014).

Hiện tại chưa tìm thấy các báo cáo nghiên cứu về việc sử dụng phương pháp ATPE để cùng thu nhận betacyanin và pectin từ vỏ thanh long ruột đỏ cũng như từ các nguyên liệu khác. Chính vì thế, việc sử dụng phương pháp ATPE trong trích ly các chất màu và các hoạt tính sinh học cần được quan tâm.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu quy trình trích ly betacyanin và pectin từ vỏ thanh long ruột đỏ (hylocereus polirhizus) bằng phương pháp trích ly hai pha nước (Trang 49 - 50)