Ảnh hưởng của các phương pháp triệt tiêu giãn tĩnh mạch thực quản bằng phương pháp nội soi lên BDDTAC và giãn tĩnh mạch dạ dày

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiệu quả thắt giãn tĩnh mạch thực quản kết hợp propranolol trong dự phòng xuất huyết tái phát và tác động lên bệnh dạ dày tăng áp cửa do xơ gan (Trang 32 - 36)

bằng phương pháp nội soi lên BDDTAC và giãn tĩnh mạch dạ dày

Trên thực tế, ảnh hưởng của phương pháp triệt tiêu giãn tĩnh mạch thực quản bằng phương pháp nội soi lên niêm mạc dạ dày đã được một số nghiên cứu bước đầu đề cập đến. Đầu tiên là những nghiên cứu về ảnh hưởng của điều trị chích xơ giãn tĩnh mạch thực quản và sau đó là thắt giãn tĩnh mạch thực quản lên tiến triển BDDTAC và sự hình thành giãn tĩnh mạch dạ dày.

1.4.2.1.Chích xơ giãn tĩnh mạch thực quản

Nghiên cứu của Sarin S.K. trên 107 bệnh nhân giãn tĩnh mạch thực quản do tăng áp cửa trong đó có 35 bệnh nhân xơ gan, các bệnh nhân được chích xơ triệt tiêu giãn tĩnh mạch thực quản và theo dõi trong vòng 52 tháng. Tác giả nhận thấy có sự gia tăng tỉ lệ BDDTAC lên đến 30% trong đó tăng nhiều nhất là bệnh nhân xơ gan. Một nghiên cứu khác của Gupta R. và CS cho thấy những bệnh nhân có chích xơ triệt tiêu giãn tĩnh mạch thực quản thì tỉ lệ BDDTAC tăng lên có ý nghĩa thống kê sau 1 - 3 tháng theo dõi [72], [123].

Cũng nghiên cứu của Sarin S.K. trên 88 bệnh nhân vỡ giãn tĩnh mạch thực quản xuất huyết có BDDTAC được chích xơ giãn tĩnh mạch thực quản. Tác giả nhận thấy bệnh nhân có BDDTAC trước khi chích xơ có xu hướng tiến triển xấu (18% so với 9,4%) và dễ xuất huyết hơn (32% so với 4,7%) so với nhóm bệnh nhân không có BDDTAC trước đó [127]

1.4.2.2.Thắt giãn tĩnh mạch thực quản

Nghiên cứu của Perez - Ayuso R.M. cho thấy thắt giãn tĩnh mạch thực quản làm giảm tỉ lệ xuất huyết tái phát do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản nhưng đồng thời lại làm tăng nguy cơ xuất huyết từ giãn tĩnh mạch dạ dày so với nhóm bệnh nhân dùng propranolol đơn thuần (p < 0,05) [110].

Sarwar S. trong một nghiên cứu so sánh tác động của thắt giãn tĩnh mạch thực quản với tiêm xơ giãn tĩnh mạch thực quản lên sự phát triển của BDDTAC và sự hình thành giãn tĩnh mạch dạ dày cho thấy thắt giãn tĩnh mạch thực quản làm BDDTAC tiến triển xấu đi và làm gia tăng xuất hiện giãn tĩnh mạch dạ dày nhiều hơn so với tiêm xơ giãn tĩnh mạch thực quản [129].

Nghiên cứu của de la Pena J. trên 88 bệnh nhân xuất huyết giãn tĩnh mạch thực quản được phân chia làm 2 nhóm thắt và chích xơ triệt tiêu giãn tĩnh mạch thực quản. Tác giả nhận thấy thắt giãn tĩnh mạch thực quản nhanh chóng triệt tiêu giãn tĩnh mạch và tỉ lệ các biến chứng thấp hơn có ý nghĩa so với chích xơ giãn tĩnh mạch thực quản. Tuy nhiên, ở nhóm thắt tỉ lệ tái xuất hiện giãn tĩnh mạch thực quản cũng như tỉ lệ BDDTAC diễn tiến xấu hơn so với trước khi can thiệp cao hơn có ý nghĩa so với nhóm chích xơ [107]. Nghiên cứu của Lo G.H. so sánh phương pháp thắt với chích xơ giãn tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan xuất huyết cấp do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản. Phương pháp thắt giãn tĩnh mạch thực quản có nhiều ưu điểm như thực hiện ít đợt thắt và ít biến chứng hơn nhưng ngược lại phương pháp thắt làm xuất hiện giãn tĩnh mạch dạ dày và BDDTAC nhiều hơn [87].

Cũng trong một nghiên cứu tương tự, Altintas E. nghiên cứu trên 21 bệnh nhân xơ gan có xuất huyết giãn tĩnh mạch thực quản cấp cứu được thắt triệt tiêu giãn tĩnh mạch thực quản. Kết quả cho thấy đây là một phương pháp nhanh chóng làm triệt tiêu giãn tĩnh mạch thực quản, tai biến thấp và phần lớn chỉ thoáng qua. Mặc dù tỉ lệ xuất hiện giãn tĩnh mạch thực quản tái phát là khá cao 57,14% nhưng tỉ lệ tái xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản tương đối thấp 19,04%. Tác giả cũng ghi nhận số lượng bệnh nhân xuất hiện giãn tĩnh mạch dạ dày và BDDTAC sau thắt nhiều hơn so với chích xơ triệt tiêu giãn tĩnh mạch thực quản [36].

Nghiên cứu của Sarin S.K. lại có kết quả ngược lại một phần với các nghiên cứu trên. Trong nghiên cứu tiến cứu so sánh trên 95 bệnh nhân xơ gan có tiền sử xuất huyết giãn tĩnh mạch thực quản được thắt và chích xơ giãn tĩnh mạch thực quản, kết quả cho thấy thắt triệt tiêu giãn tĩnh mạch thực quản cần ít đợt can thiệp cũng như ít thời gian hơn có ý nghĩa so với chích xơ. Tỉ lệ xuất huyết tái phát ở nhóm thắt cũng thấp hơn có ý nghĩa so với chích xơ với tỉ lệ tương ứng 6,4% so với 20,8%. Đồng thời, tỉ lệ xuất hiện BDDTAC sau thắt triệt tiêu giãn tĩnh mạch thực quản thấp hơn nhiều so với nhóm bệnh nhân sau chích xơ triệt tiêu giãn tĩnh mạch thực quản (2,3% so với 20,5%, p <0,05) [125].

Ngược với các nghiên cứu nói trên, nghiên cứu của Hou M.C. nhận thấy thắt hay chích xơ giãn tĩnh mạch thực quản chỉ làm gia tăng thoáng qua độ nặng của BDDTAC và nhanh chóng trở lại trạng thái như cũ. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của Yuksel O. lại nhận thấy cả hai phương pháp thắt giãn tĩnh mạch thực quản và tiêm xơ giãn tĩnh mạch thực quản đều làm gia tăng BDDTAC và sự hình thành giãn tĩnh mạch dạ dày mà không có sự khác biệt giữa hai phương pháp [76], [154].

1.4.2.3.Thắt giãn tĩnh mạch thực quản kết hợp propranolol

Lo G.H. tiến hành nghiên cứu tiến cứu so sánh đối chứng giữa một nhóm thắt giãn tĩnh mạch thực quản đơn thuần (40 bệnh nhân) và một nhóm thắt giãn tĩnh mạch thực quản kết hợp propranolol (37 bệnh nhân). Tác giả

nhận thấy tần suất BDDTAC đều gia tăng trên cả hai nhóm. Độ trầm trọng của BDDTAC đạt cao nhất ở cả hai nhóm vào tháng thứ 6 sau khi thắt giãn tĩnh mạch thực quản. Tuy nhiên, BDDTAC ở nhóm thắt giãn tĩnh mạch thực quản có diễn tiến xấu đi nhiều hơn về mặt tỉ lệ cũng như độ nặng so với nhóm thắt giãn tĩnh mạch thực quản kết hợp với propranolol. Tác giả nhận định rằng có thể propranolol phần nào làm giảm tác động của thắt giãn tĩnh mạch thực quản lên BDDTAC.

Mặt khác, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có sự gia tăng giãn tĩnh mạch dạ dày ở nhóm thắt giãn tĩnh mạch thực quản nhiều hơn nhóm thắt kết hợp propranolol (8/40 so với 5/39) mặc dù không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Tiếp tục theo dõi trong thời gian từ 6-12 tháng, BDDTAC ở cả hai nhóm cải thiện dần và sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê nữa. Tác giả giải thích là có thể đã xuất hiện các tuần hoàn bàng hệ trong thời gian này.

Nghiên cứu của Lo G.H. là một trong những nghiên cứu hiếm hoi đã cung cấp được một số thông tin thú vị trong việc đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị kết hợp thắt giãn tĩnh mạch thực quản và propranolol lên BDDTAC và sự xuất hiện giãn tĩnh mạch dạ dày. Tuy nhiên, như tác giả nhận định, mẫu của nghiên cứu này còn nhỏ, cần phải thực hiện nghiên cứu trên mẫu lớn hơn để có kết luận chính xác [90].

Như vậy, thắt giãn cũng như chích xơ tĩnh mạch thực quản đều có tác động đến diễn tiến BDDTAC và sự hình thành giãn tĩnh mạch dạ dày. Cơ chế của tác động này có thể là sự kết hợp của tăng áp lực cửa sau thắt cũng như là gia tăng ứ trệ niêm mạc dạ dày mà đặc biệt là ở vùng thân và hang vị. Những nghiên cứu hiện có vẫn chưa thống nhất được về mức độ tác động của phương pháp thắt giãn tĩnh mạch thực quản lên diễn tiến BDDTAC và sự hình thành giãn tĩnh mạch dạ dày. Sự khác biệt này có thể là do đặc điểm khác nhau của mẫu nghiên cứu. Ngoài ra, phần lớn các nghiên cứu có mẫu còn nhỏ, cần phải có một nghiên cứu đối chứng với mẫu nghiên cứu lớn hơn.

Chương 2

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiệu quả thắt giãn tĩnh mạch thực quản kết hợp propranolol trong dự phòng xuất huyết tái phát và tác động lên bệnh dạ dày tăng áp cửa do xơ gan (Trang 32 - 36)