0
Tải bản đầy đủ (.docx) (148 trang)

ĐẶC ĐIỂM CHUNG MẪU NGHIÊN CỨU 1.Đặc điểm dịch tễ học

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU HIỆU QUẢ THẮT GIÃN TĨNH MẠCH THỰC QUẢN KẾT HỢP PROPRANOLOL TRONG DỰ PHÒNG XUẤT HUYẾT TÁI PHÁT VÀ TÁC ĐỘNG LÊN BỆNH DẠ DÀY TĂNG ÁP CỬA DO XƠ GAN (Trang 85 -87 )

- Loét thực quản: Loét lớn lan rộng thực quản tại vị trí thắt hơn 2 tuần sau thắt kèm triệu chứng.

Chương 4 BÀN LUẬN

4.1. ĐẶC ĐIỂM CHUNG MẪU NGHIÊN CỨU 1.Đặc điểm dịch tễ học

4.1.1.Đặc điểm dịch tễ học

4.1.1.1.Đặc điểm về tuổi

Bảng 3.1 cho thấy tuổi trung bình mắc bệnh ở nhóm nghiên cứu (48,62 ± 10,89), nhóm so sánh (49,36 ± 10,29) cũng như cả 2 nhóm (48,96 ± 10,57) dao động quanh độ tuổi 49. Lứa tuổi có tỉ lệ cao nhất là 40 - 59 ở cả 2 nhóm, chiếm tỉ lệ 71,6%. Đối chiếu với một số công trình trong và ngoài nước về xơ gan có biến chứng giãn tĩnh mạch thực quản, chúng ta có thể thấy có một số điểm tương đồng: Nghiên cứu của Phạm Quang Cử cho thấy lứa tuổi mắc bệnh là 48

± 11, Mai Hồng Bàng: 45 ± 18, Nguyễn Mạnh Hùng: 45,8 ± 12, Vũ Văn Khiên là 49,8 ± 12,5, Nguyễn Xuân Hiên: 51,6 ± 14,4, Đỗ Thị Oanh: 50,0 ± 10,4 [1], [3], [4], [8], [9], [18]. Ở một số nước châu Á, các nghiên cứu cho kết quả tương tự: Nghiên cứu của Lo G.H. có lứa tuổi mắc bệnh 52 ± 11, Dong L.: 52,3, của Sarin S.K.: 44 ± 12, Ahmad I.: 50,46 ± 11,33, Sarwar S.: 48,70 ± 12,63 [35],

[53], [92], [126]. Tuy nhiên, một số nghiên cứu tương tự ở các nước Âu Mỹ dường như có lứa tuổi mắc bệnh cao hơn, nghiên cứu của Villanueva C. là 60 ± 12, Perez - Ayuso R.M.: 60 ± 7, de la Pena J.: 59 [107], [110], [146]. Như vậy, có vẻ như lứa tuổi của xơ gan có biến chứng giãn tĩnh mạch thực quản ở các nước châu Á dao động quanh lứa tuổi 50, còn các nước châu Âu Mỹ xảy ra ở lứa tuổi 60. Sự khác biệt này chúng tôi chưa thấy có nghiên cứu nào đề cập đến, điều này gợi ý cho chúng tôi có thể sự khác biệt về chủng tộc, kiểu gene,

nguyên nhân gây bệnh, tình trạng dinh dưỡng… góp phần quyết định lứa tuổi mắc bệnh. Để có một kết luận cụ thể, chúng tôi nhận thấy cần thiết phải có một nghiên cứu rộng lớn ở các nước nhằm tìm hiểu rõ hơn vấn đề này.

Ở Việt Nam và các nước châu Á, lứa tuổi mắc bệnh dao động quanh khoảng 49-50. Với người châu Á, có thể đó là giai đoạn cơ thể con người có nhiều chuyển biến về sinh lý, miễn dịch, nội tiết… đánh dấu mốc già đi, cơ thể suy yếu và các bệnh mạn tính biểu hiện rõ hơn. Xơ gan là một quá trình bệnh mạn tính kéo dài hàng chục năm, thông thường bắt đầu từ lứa tuổi thanh thiếu niên và có thể mốc tuổi 49-50 là điểm bộc lộ rõ triệu chứng của xơ gan trong đó có biến chứng xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản. Hơn nữa, khi đã có biểu hiện xơ gan, tiên lượng bệnh xơ gan phần lớn không kéo dài quá 5-10 năm [22]. Do đó, có thể thấy trên bảng 3.1 có rất ít bệnh nhân trong lứa tuổi dưới 30 (2,0%) và tương đối ít bệnh nhân trên 60 tuổi (12,7%).

4.1.1.2.Đặc điểm về giới và nguyên nhân gây xơ gan

Tỉ lệ giới tính trong nghiên cứu của chúng tôi nghiêng hẳn tuyệt đối về phía nam giới. Nam giới chiếm 94,5% ở nhóm nghiên cứu và 93,6% ở nhóm so sánh, chung cho cả 2 nhóm là 94,1% tương ứng tỉ lệ nam/nữ: 16/1, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01 (Biểu đồ 3.1). Tỉ lệ này cao hơn so với các nghiên cứu ở Việt Nam trước đây vốn có tỉ lệ nam/nữ dao động từ 2/1 - 4/1 [3], [4], [5], [28]. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây có tỉ lệ nam/nữ tăng cao: nghiên cứu của Mai Hồng Bàng có tỉ lệ: 7,7/1, của Nguyễn Ngọc Thành, Nguyễn Duy Thắng và Đỗ Thị Oanh có tỉ lệ tương ứng rất cao là 33/7, 41/1 và 35/1 [1], [18], [24], [25]. Lý giải nguyên nhân gây tăng đột biến tỉ lệ giới tính nam/nữ có thể là do tình hình nghiện bia rượu hiện nay ở nam giới. Nghiên cứu của Nguyễn Duy Thắng cho thấy nguyên nhân do rượu chiếm 50% và tính cả nguyên nhân viêm gan do virus và rượu thì nguyên nhân do rượu lên đến 66,6%. Nghiên cứu của Đỗ Thị Oanh có tỉ lệ

nguyên nhân do rượu là 63,88%, kết hợp nguyên nhân virus và rượu thì tỉ lệ này lên đến 85,58% [18], [24]. Tương tự, trong nghiên cứu của chúng tôi, nguyên nhân do rượu chiếm 69,6%, nếu tính chung cả nguyên nhân do virus và rượu thì nguyên nhân do rượu lên đến 88,2% (Bảng 3.2).

Cùng với sự tăng lên của nguyên nhân xơ gan do rượu là sự suy giảm của nguyên nhân xơ gan do virus viêm gan B. Những nghiên cứu trước đây của Mã Phước Nguyên, Nguyễn Mạnh Hùng cho thấy virus viêm gan B chiếm tỉ lệ 50%, nghiên cứu của Trần Ngọc Lưu Phương có tỉ lệ là 61% [8], [16], [17]. Nhưng gần đây tỉ lệ xơ gan do viêm gan B có vẻ giảm xuống, nghiên cứu của Nguyễn Duy Thắng có tỉ lệ viêm gan B là 28,6%, nghiên cứu của chúng tôi nếu tính chung viêm gan B đơn thuần và viêm gan B kết hợp với rượu thì tổng tỉ lệ viêm gan B là 21,6% (Bảng 3.2) [24]. Như vậy, dường như có sự đảo ngược thứ tự nguyên nhân gây xơ gan ở nước ta, nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan không còn là viêm gan B nữa mà là nguyên nhân do rượu. Có lẽ cuộc sống dần thay đổi theo chiều hướng hiện đại với trào lưu sử dụng rộng rãi bia rượu ở nước ta đã làm tăng nguyên nhân gây xơ gan do rượu. Theo Đinh Quí Lan, tình trạng nghiện rượu ở nước ta đang trở thành quốc nạn, rượu đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với bản thân người nghiện rượu cũng như đối với gia đình và xã hội. Ở Việt Nam, người lạm dụng bia rượu ở khu vực đô thị chiếm tỉ lệ 5 - 10% [11]. Chiếm đại đa số trong nguyên nhân xơ gan do rượu là nam giới, bảng 3.3 cho thấy nguyên nhân xơ gan do rượu hoặc có yếu tố rượu phối hợp ở nam giới chiếm tỉ lệ cao hơn rất nhiều so với nữ (89/96 so với 1/6), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,01).

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU HIỆU QUẢ THẮT GIÃN TĨNH MẠCH THỰC QUẢN KẾT HỢP PROPRANOLOL TRONG DỰ PHÒNG XUẤT HUYẾT TÁI PHÁT VÀ TÁC ĐỘNG LÊN BỆNH DẠ DÀY TĂNG ÁP CỬA DO XƠ GAN (Trang 85 -87 )

×