Phát ngôn chê tường minh

Một phần của tài liệu yếu tố giới trong lời chê và hồi đáp chê (trên cứ liệu giao tiếp của sinh viên tại tp hcm) (Trang 57 - 59)

Công thức khái quát của một phát ngôn chê tường minh ở dạng đầy đủ là:

SP1 + ĐTNVC + SP2 + NDMĐC

trong đó SP1 là người nói – người thực hiện hành vi chê ở ngôi thứ nhất; ĐTNVC là động từ ngữ vi biểu thị hành vi chê; SP2 là người tiếp nhận, đối tượng chê và chứng kiến hành vi chê; còn NDMĐC là nội dung mệnh đề nêu nội dung chê.

SP1 trong phát ngôn chê tường minh là chủ thể của hành vi chê, là người nêu ra mệnh đề chê để chê SP2. SP1 trong phát ngôn chê tường minh luôn ở ngôi thứ nhất, SP1 có thể là số ít hoặc số nhiều như: tao, tôi, tớ, mình, ta… hoặc chúng tôi, chúng tao, chúng tớ...

Động từ ngữ vi chê nằm trong số những động từ biểu thị hành vi chê, thuộc nhóm các động từ nói năng trong tiếng Việt. Chúng là những động từ biểu thị hành vi chê và có thể sử dụng với chức năng ngữ vi. Nghĩa là người nói đồng thời thực hiện ngay hành vi ở lời chê mà động từ biểu thị. Các động từ nói năng biểu thị hành vi chê trong tiếng Việt có khá nhiều nhưng trong số đó chỉ có một số động từ có thể sử dụng với chức năng ngữ vi, đó là các động từ: phê bình, phê phán, lên án, khiển trách, cảnh cáo, nhắc nhở, chê… Tùy thuộc vào ngữ cảnh giao tiếp, tùy theo mức độ, tính chất của nội dung vấn đề chê mà SP1 sử dụng động từ nào trong số các động từ ngữ vi biểu thị hành vi chê.

Trong phát ngôn chê tường minh, người tiếp nhận chê cũng chính là đối tượng của hành vi chê và luôn ở ngôi thứ hai. Nếu thay vị trí của SP2 bằng một ngôi thứ ba nào đó thì động từ ngữ vi chê sẽ bị mất hiệu lực ngữ vi và

phát ngôn chê tường minh sẽ chuyển thành một biểu thức ngữ vi ở lời miêu tả hoặc thông báo, trần thuật.

SP2 trong phát ngôn chê tường minh có thể là một cá nhân, số ít và cũng có thể là số nhiều. Trong phát ngôn chê tường minh, SP2 rất ít khi vắng mặt (trừ trường hợp SP2 đã xuất hiện ở trước đó trong tham thoại chê). Xét về mặt thể diện, khi hành vi chê được thực hiện bằng phát ngôn chê tường minh thì thể diện của SP2 thường bị tổn hại nặng nề, nhất là trường hợp ngữ cảnh chê mang tính quy thức. Tuy nhiên, SP2 cũng có những lợi ích nhất định khi bị chê, đó là: SP2 sẽ nhận ra được những điểm yếu hoặc chưa tốt của mình để không tái diễn, giúp SP2 trưởng thành hơn trong công việc, trong cuộc sống. Có điều lợi ích tiềm ẩn này không phải bao giờ cũng được SP2 nhận ra một cách dễ dàng, hơn nữa, trong trường hợp SP1 đưa ra hành vi chê không kèm với điều kiện chân thành là mong muốn SP2 sẽ làm tốt hơn mà với mục đích hạ thấp uy tín, giảm giá trị của SP2, làm cho SP2 không còn có cơ hội sửa chữa khuyết điểm thì mặt tổn hại thể diện sẽ lấn át lợi ích vốn tiềm ẩn kia.

Nội dung mệnh đề của hành vi chê trong phát ngôn chê tường minh là phần chứa những thông tin về những hành động, việc làm, thái độ của SP2 mà theo quan điểm của SP1 thì những hành động, việc làm, thái độ đó không đúng, không tốt, không phù hợp hoặc chưa thỏa đáng. Nội dung mệnh đề trong phát ngôn chê tường minh xuất hiện sau SP2.

Khác với một số phát ngôn chê tường minh của một số hành vi ở lời khác như cam kết, xin phép, cảm thán... (người tiếp nhận hành vi chê có thể không trùng với chủ thể), trong phát ngôn chê tường minh, SP2 là người tiếp nhận, là đối tượng của hành vi mà động từ ngữ vi biểu thị, đồng thời là chủ thể của hành động, trạng thái nêu ra trong nội dung mệnh đề chê.

Ví dụ:

(41) Tao thấy mày kén quá, con Tuyết cũng được mà.

(42) Tao không ngờ mày ác thế đấy.

Một phần của tài liệu yếu tố giới trong lời chê và hồi đáp chê (trên cứ liệu giao tiếp của sinh viên tại tp hcm) (Trang 57 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)