Muốn sử dụng hành vi chê vừa đạt hiệu quả cao, vừa đảm bảo lịch sự, hạn chế tối đa mức độ đe dọa thể diện của người tiếp nhận chê, đồng thời giữ gìn và nâng cao thể diện cho người sử dụng hành vi chê thì cần phải xem xét và cân nhắc cẩn thận các yếu tố chi phối đến việc sử dụng hành vi chê. Chê cũng như các hành vi ngôn ngữ khác đều chịu sự chi phối của nhiều yếu tố: hoàn cảnh, đối tượng, người tiếp nhận, nội dung và mục đích chê.
- Hoàn cảnh chê – Nơi diễn ra hành vi chê
Nếu như hành vi chê đã nằm trong ý định của người nói và được chuẩn bị kĩ lưỡng từ trước thì hoàn cảnh giao tiếp có thể do người nói – chủ thể chê sắp đặt và định đoạt trước.
Trong gia đình và xã hội, SP1 có thể bị chi phối bởi hoàn cảnh chê nếu là người có vị thế thấp trong gia đình hoặc ngoài xã hội. Mặt khác, SP1 sẽ không bị chi phối bởi hoàn cảnh chê nếu là người có vị thế cao. Thế nhưng, bởi đối tượng khảo sát của luận văn này là các phát ngôn chê của sinh viên
một số trường đại học tại Tp.HCM nên hoàn cảnh chê hầu hết là ở trường đại học, SP1 và SP2 đều là sinh viên, có địa vị ngang hàng nhau nên SP1 và SP2 hầu như không bị chi phối bởi hoàn cảnh.
- Đối tượng giao tiếp – Người tiếp nhận hành vi chê
Trong giao tiếp mang đúng nghĩa lịch sự, người ta thường không chê một người vai trên giống như một người vai dưới, không chê một người xa lạ giống như chê một người thân.
Với những đối tượng chê có quan hệ ngang thân thiết, gần gũi với SP1, SP1 có thể chê trực tiếp hoặc sử dụng kiểu chê đùa vui thoải mái mà không cần rào đón nhiều. Nhưng đối với những đối tượng chê có quan hệ ngang xa cách, người ta ít khi chê thẳng mà không rào đón gì.
Đối tượng tiếp nhận chê có ảnh hưởng không nhỏ tới việc tạo lập hành vi chê. Vì vậy, cần căn cứ vào mức độ thân cận (trên trục ngang của quan hệ liên cá nhân) và cả quan hệ dọc (quan hệ quyền uy) giữa mình và người tiếp nhận chê để lựa chọn cách chê và các từ ngữ tạo phát ngôn chê cho phù hợp.
- Đối tượng chê – Người, vật, việc bị chê
Thông thường, trước khi đưa ra một phát ngôn chê, người nói thường phải xác định rõ giữa đối tượng chê và SP2 có quan hệ với nhau như thế nào. Nếu SP2 có quan hệ ngang gần gũi với đối tượng chê, biết đâu chê ngôi thứ ba đó lại chẳng đụng chạm tới lòng tự tôn của SP2. Trong trường hợp SP2 là người có địa vị xã hội, có vị thế cao hơn SP1 hoặc nắm quyền điều tiết SP1 thì người nói càng cần phải thận trọng khi đưa ra phát ngôn chê.
Nhưng nếu SP2 có quan hệ ngang xa cách với đối tượng chê thì SP1 có thể chê một cách "tự do" hơn. Như vậy, yếu tố đối tượng chê cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới việc sử dụng hành vi chê.
Nội dung, đề tài chê tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của lỗi mà đối tượng chê gây ra quyết định lớn đến sự lựa chọn cách thức và từ ngữ sử dụng trong phát ngôn chê.
Đối với sinh viên một số trường đại học tại Tp.HCM, đề tài chê thường là:
+ Chê về hình thức bề ngoài: khuôn mặt xấu, quần áo bẩn, ăn mặc lỗi mốt...
+ Chê cách ăn nói: xấc xược, mất lịch sự, lắm điều…
+ Chê về bản chất đạo đức: hành vi, hỗn láo, gian giảo, nói dối, không trung thực...
+ Chê về tính cách, quan hệ đối xử: keo kiệt, bủn xỉn, tham lam, hoang phí, ích kỉ, hay chê bai...
+ Chê về học thức, trí tuệ: kém thông minh, chậm hiểu, thiếu hiểu biết...
- Mục đích chê
Khi thực hiện một hành vi ngôn ngữ nào, người nói bao giờ cũng nhằm đến một mục đích nhất định. Đối với hành vi chê, điều đó lại càng cần thiết hơn bởi tính đe dọa thể diện rất lớn của nó khi thực hiện. Vì vậy, sử dụng hành vi chê cũng cần lưu ý đến mục đích của hành vi để từ đó có sự lựa chọn các từ ngữ và cách thức chê cho phù hợp.
Mục đích chê thường rất đa dạng: chê để hạ giá trị của người bị chê; chê nhằm giảm giá trị của vật; chê để kết tội; chê để khuyên, dạy; chê để biểu hiện sự giận dỗi...