Mở rộng phạm vi phân tích đến bình diện ngữ dụng, trong quá trình khảo sát các cuộc hội thoại giữa nam và nữ, các nhà ngôn ngữ học đã phát hiện ra một số điểm khác nhau quan trọng trong phong cách hội thoại giữa nam giới và nữ giới như:
- Số lượng lời nói: Lâu nay, chúng ta thường có ấn tượng rằng nữ giới hay nói năng dài dòng, vòng vo, và lắm điều. Trên thực tế, nữ giới lại thích chú ý lắng nghe còn nam giới mới chính là người “thao thao bất tuyệt”. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng trong các cuộc hội thoại ở nhiều bối cảnh khác nhau như trên trong gia đình, đường phố, thi đấu thể thao, hội nghị… nam giới thường nói nhiều hơn nữ giới. Khi nghiên cứu về chuyên mục tranh
liên hoàn trong tạp chí “Người NewYork”, KMarjorie K.M.Chan cũng đã tổng kết được rằng nếu hai giới nam và nữ cùng lúc xuất hiện trong hội thoại thì số lượng lời nói của nam giới nhiều gấp hai lần nữ giới [33, 24].
- Thái độ hợp tác/bất hợp tác: Nghiên cứu về sự khác biệt giới tính trong sử dụng ngôn ngữ cho thấy điểm nổi bật là nam giới thường thể hiện thái độ bất hợp tác bằng việc ngắt lời nữ giới. Theo các nghiên cứu, trong các cuộc hội thoại, số lần ngắt lời của nam giới nhiều gấp 3 lần so với nữ giới. Không chỉ có vậy, nam giới ngắt lời nữ giới nhiều hơn so với việc ngắt lời một người cùng giới và nhiều hơn so với phụ nữ ngắt lời một người đàn ông hoặc một phụ nữ khác. Và những lần ngắt lời của nam giới thường mang tính chất chi phối nhiều hơn là tính chất chi viện. [33, 25-26]
Thêm vào đó, khác với nam giới, nữ giới lại thiên về phụ họa để khích lệ nam giới nói ra ý kiến của mình, họ dùng nhiều từ biểu thị sự ủng hộ như “mm – hmm” hơn so với nam giới. Graham Goodwin đã minh chứng cho điều này bằng cách đưa một đoạn hội thoại (giữa một người nam và một người nữ) cho những người dân phổ thông ở Mỹ xem một lượt và yêu cầu họ phán đoán giới tính của A và B. Kết quả là tất cả mọi người đều cho rằng: nhân vật “nói không ngừng nghỉ” trong đoạn hội thoại là nam giới và nhân vật chỉ biết nghe theo phụ họa là nữ giới.
- Sự hài hước: Các nghiên cứu về tâm lí đã chứng minh, tính hài hước bắt đầu hình thành ở trẻ em từ độ tuổi bắt đầu đi học. Ở độ tuổi thành niên điểm khác biệt rõ nét trong sự thể hiện hài hước giữa nam và nữ ở chỗ nam giới luôn là người chủ đạo trong các vai trò hoạt náo viên hay kể truyện hài hước. Trong khi đó, nữ giới thường bị động trong vai trò người nghe. Nói cách khác, so với nam giới, nữ giới thường tỏ ra kém óc hài hước trong khi nói chuyện. Thực tế cho thấy, các danh hài hiện nay đa số cũng đều là nam giới.
- Cười: Cười không chỉ làm dịu đi không khí căng thẳng trong cuộc hội thoại mà còn có thể biểu hiện sự chăm chú và thái độ khích lệ của người nghe. Diane F. Witmer đã phát hiện ra phụ nữ cười nhiều gấp 1.26 lần nam giới. Còn theo ý kiến của Victor Savicki, nữ giới thường được dạy dỗ là phải tế nhị, không được làm mất lòng người khác nên họ nhận thấy việc phối hợp để hội thoại có thể tiến hành thuận lợi là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, và cười là một trong những phương thức để đạt được mục đích này. [33, 28]
Mặt khác, cũng phải nói thêm rằng, cho dù các đặc điểm nêu trên đã được rất nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh khá rõ ràng, nhưng trong thực tế cuộc sống đa dạng và phong phú, không phải lúc nào các luận điểm này cũng luôn chính xác. Qua khảo sát giao tiếp của một số cặp vợ chồng người Việt, tác giả Nguyễn Văn Khang đã đưa ra một số kết luận ban đầu như “tùy thuộc vào vai xã hội – gia đình cũng như tùy thuộc vào bối cảnh giao tiếp cụ thể (đặc biệt là đối tượng giao tiếp) mà mỗi cá nhân nữ giới sử dụng ngôn ngữ mang phong cách ngôn ngữ nữ tính hay mang phong cách trung tính thậm chí có thể thiên về phong cách nam tính”; và, ngày nay, có không ít “nữ giới sử dụng phong cách nói năng gần với phong cách nói năng của nam giới” và cũng có một số nam giới “sử dụng phong cách nói năng của nữ giới”. Lí giải điều này, tác giả cho rằng, cùng với sự phát triển của xã hội, khi mà sự bình đẳng nam nữ được coi trọng thì các tiêu chuẩn “tam tòng tứ đức” không còn là thước đo duy nhất của người phụ nữ. Phụ nữ cũng có “những đặc quyền như nam giới” và vì thế, “cùng với sự thay đổi về cách ăn mặc, trang phục, tóc tai v.v… thì trong ngôn ngữ của họ bắt đầu có sắc thái trung tính và có yếu tố của ngôn ngữ nam giới”. Ngược lại, đàn ông, bên cạnh “yêu cầu truyền thống về sức mạnh thể xác” thì “yêu cầu trí tuệ” đặc biệt được đề cao, chính vì vậy, họ phải “mềm hóa” ngôn ngữ để “tạo sự tinh thế, trí tuệ hơn trong giao tiếp”. Cuối cùng, và đôi khi “đóng vai trò quyết định”, đó là “vị thế
của từng cá thể” trong mối quan hệ với cá thể làm đối tượng giao tiếp [29, 163].