Theo sự phân nhóm các hành vi ngôn ngữ của Searle, chê thuộc nhóm các hành vi Biểu cảm. Phần lớn những hành vi này không đòi hỏi có sự phản hồi. Nhưng trên thực tế, chê là một hành vi có tính đe dọa đến thể diện của người bị chê, đặc biệt nếu người bị chê đồng thời là người tiếp nhận hành vi
chê SP2. Do đó, SP2 thường có phản hồi dù là tích cực hay tiêu cực.
Tham thoại hồi đáp của hành vi chê có chức năng hồi đáp lại các tham thoại chê ở lời dẫn nhập và chỉ rõ các mức độ thỏa mãn các trách nhiệm mà tham thoại ở lời dẫn nhập đặt ra. Theo tiêu chí này, tham thoại hồi đáp hành vi chê được chia làm hai nhóm: tham thoại hồi đáp tích cực và tham thoại hồi đáp tiêu cực.
- Tham thoại hồi đáp tích cực của hành vi chê là tham thoại có hành vi chủ hướng đồng tình, ủng hộ, phát triển hoặc chấp nhận hành vi chê đã đưa ra trong tham thoại dẫn nhập. Tham thoại hồi đáp tích cực của hành vi chê có thể được thể hiện dưới dạng các hành vi cụ thể như: chấp nhận, đồng tình, thanh minh, nhận khuyết điểm, hứa hẹn, cam kết, khuyên…
Ví dụ:
(5) SP1: Mày tham quá, có con Thủy rồi còn chưa đủ sao mà còn lăng nhăng?
SP2: Ai chê nhiều đâu mày ơi.
Trong ví dụ trên, tham thoại hồi đáp của SP2 là thể hiện sự đồng ý với lời chê của SP1 là mình "tham lam", đồng thời thanh minh đây là hành vi hết sức bình thường, mang tính chất chung vì ai cũng tham lam chứ không chỉ mình mình.
- Tham thoại hồi đáp tiêu cực của hành vi chê là tham thoại có hành vi chủ hướng trái ngược, không đồng tình, phản đối hành vi chê đã đưa ra trong tham thoại dẫn nhập. Tham thoại hồi đáp tiêu cực của hành vi chê có thể được thể hiện dưới dạng các hành vi cụ thể như: biện hộ, đổ lỗi, đáp cùn, hỏi vặn, chê lại, nói lảng…
Ví dụ :
(6) SP1: Gớm, sao mà ngu vãi đạn vậy mày?
Khi SP1 thực hiện hành vi chê SP2 "ngu vãi đạn", SP2 phản bác lại bằng một câu hỏi vặn, tỏ ý SP1 chưa chắc đã khôn hơn ai, nên đừng chê người khác là ngu ngốc.