Người xây dựng nền móng cho lí thuyết hành vi ngôn ngữ (speech acts) là nhà triết học người Anh John L.Austin với công trình được công bố năm 1962 – sau khi ông qua đời 2 năm: “How to do things with words”. Austin cho rằng khi chúng ta nói năng là chúng ta đang hành động, chúng ta thực hiện một loại hành động đặc biệt mà phương tiện chính là ngôn ngữ.
J.L.Austin cho rằng có ba loại hành vi ngôn ngữ lớn: hành vi tạo lời (acte locutoire), hành vi mượn lời (acte perlocutoire) và hành vi ở lời (acte illocutoire). [9, 88-90]
- Hành vi tạo lời: là hành vi sử dụng các yếu tố của ngôn ngữ như ngữ âm, từ, các kiểu kết hợp từ thành câu… để tạo ra những phát ngôn hay những văn bản có thể hiểu được.
- Hành vi mượn lời: là hành vi mượn phương tiện ngôn ngữ hay nói cách khác là mượn các phát ngôn để gây ra sự tác động hay hiệu quả ngoài ngôn ngữ nào đó đối với người nghe, người nhận. Chức năng hành động của giao tiếp được thực hiện nhờ các hiệu quả mượn lời của phát ngôn. Hiệu quả này không đồng nhất ở những người nghe khác nhau.
- Hành vi ở lời: là những hành vi người nói thực hiện ngay khi nói năng. Hiệu quả của chúng là những hiệu quả thuộc ngôn ngữ, có nghĩa là chúng gây ra một phản ứng ngôn ngữ tương ứng với chúng ở người nghe, người nhận.
Austin đã phân loại các hành vi ngôn ngữ thành 5 nhóm phạm trù lớn sau: [9, 120]
- Phán xử (Verditives): Đây là những hành vi đưa ra những lời phán xét về một sự kiện hoặc một giá trị dựa trên những chứng cớ hiển nhiên hoặc dựa vào lí lẽ vững chắc. Ví dụ: đánh giá, phân tích, định giá trị, ước lượng...
- Hành sử (Exercitives): Đây là những hành vi đưa ra những quyết định thuận lợi hay chống lại một chuỗi hành động nào đó. Ví dụ: ra lệnh, chỉ huy, biện hộ, khẩn cầu, van xin, tuyên bố...
- Cam kết (Commissives): Những hành vi này ràng buộc người nói vào một chuỗi những hành động nhất định. Ví dụ: hứa hẹn, giao ước, thỏa thuận, bảo đảm, thề nguyền...
- Trình bày (Expositives): Những hành vi này được dùng để trình bày các quan niệm, dẫn dắt lập luận, giải thích cách dùng các từ. Ví dụ: khẳng định, phủ định, phát biểu, tranh luận, phản bác...
- Ứng xử (Behabitives): Đây là những hành vi phản ứng với cách xử sự của người khác đối với các sự kiện có liên quan, chúng cũng là cách biểu hiện thái độ đối với hành vi hay số phận của người khác. Ví dụ: xin lỗi, cám ơn, chia buồn, khen ngợi, chào mừng, phê phán...
Nhưng sau này, chính Austin cũng cho rằng bảng phân loại của mình là chưa hoàn thiện. Sau này, năm 1977, trong bài “Sự phân loại các hành vi tại lời”,Searle là người đã chỉ ra những hạn chế trong bảng phân loại của Austin là chỉ phân loại các động từ ngữ vi và không định ra các tiêu chí phân loại nên kết quả phân loại có khi chồng chéo, giẫm đạp lên nhau.
Searle liệt kê 12 điểm khác biệt giữa các hành vi ngôn ngữ có thể dùng làm tiêu chí phân loại, trong đó 4 tiêu chí cơ bản nhất là: tiêu chí đích ở lời; tiêu chí hướng khớp ghép; tiêu chí trạng thái tâm lí và tiêu chí nội dung mệnh. Từ đó, ông phân lập được 5 loại hành vi ở lời: [9, 126]
- Tái hiện (Representatives): Hành vi này trước đó được Searle gọi tên là xác tín (Assertives). Đích ở lời là miêu tả lại một sự tình đang được nói đến. Hướng khớp ghép là lời – hiện thực, trạng thái tâm lí là niềm tin vào điều mình xác tín, nội dung mệnh đề là một mệnh đề. Mệnh đề này có thể đánh giá
theo tiêu chuẩn đúng – sai lôgic. Hành động tái hiện/xác tín gồm: kể, thông báo, giải trình, giới thiệu...
- Điều khiển (Directives): Đích ở lời là đặt người nghe vào trách nhiệm thực hiện một hành động tương lai; hướng khớp ghép là hiện thực – lời, trạng thái tâm lí là sự mong muốn của người nói; nội dung mệnh đề là hành động tương lai của người nghe. Hành động điều khiển gồm: ra lệnh, yêu cầu, cho phép, dặn dò, mời mọc...
- Cam kết (Commissives): Đích ở lời là trách nhiệm phải thực hiện hành động tương lai mà người nói bị ràng buộc; hướng khớp – ghép hiện thực – lời; trạng thái tâm lí là ý định của người nói và nội dung mệnh đề là hành động tương lai của người nói. Hành động cam kết gồm: hứa hẹn, giao ước, đảm bảo, thề thốt...
- Biểu cảm (Expressives): Đích ở lời là bày tỏ trạng thái tâm lí phù hợp với hành động ở lời. Trạng thái tâm lí thay đổi tùy theo từng loại hành vi; nội dung mệnh đề là một hành động hay một tính chất nào đó của người nói hay của người nghe. Hành động biểu cảm gồm: vui thích, khó chịu, mong muốn, xin lỗi, chúc mừng, khen gợi...
- Tuyên bố (Declarations): Đích ở lời là nhằm làm cho có tác dụng nội dung của hành vi hướng khớp ghép vừa là lời – hiện thực, vừa là hiện thực – lời; nội dung của mệnh đề là một mệnh đề. Hành động tuyên bố gồm: tuyên bố, buộc tội, bác bỏ, từ chối...
Sau Searle, một số nhà nghiên cứu cũng nêu ra những hướng phân loại khác như cách phân loại của D.Wunderlich, của D.Recanati, K.Bach, M.M.Hanish. Tuy nhiên, “các tiêu chí phân loại của 4 tác giả sau Searle đều trùng, hoặc trùng toàn bộ hoặc trùng bộ phận rơi vào tiêu chí của Searle” [9, 133]. Vì vậy, có thể khẳng định rằng giá trị phát hiện 12 tiêu chí phân loại của Searle là rất lớn và cho đến nay vẫn được xem là kinh điển.