7. Cấu trúc luận văn
1.3. Mối quan hệ giữa truyền thuyết linh thần và thần tích
Trong truyền thuyết, thần linh hay linh thần là khái niệm phổ biến. Nhưng khái niệm này lại tồn tại không chỉ trong truyền thuyết mà cả ở thần tích. Đây là thể loại hay là biến thể của truyền thuyết cũng cần phải làm rõ.
Theo “Từ điển tiếng Việt”, “thần tích” là “sự tích của các thần thánh được ghi chép, lưu truyền lại ”. Từ định nghĩa trên tác giả Tăng Kim Ngân khái quát: “Thần tích ghi chép sự tích của vị thần được thờ (ở đền miếu hoặc ở một vùng, địa phương nào đó). Thần tích ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của thần, những phép biến hóa, những công lao, hành trạng của thần, sắc phong của các đời vua cùng những nghi thức cúng bái và tập tục kiêng kỵ” [95, tr. 561]. Trong thực tế ghi chép thần tích người ta có khuynh hướng ghi chép luôn cả quá trình phát triển của thần theo lịch đại.
Từ khái quát trên có thể hiểu, thần tích ra đời từ nỗi lo lắng, hoang mang, sợ hãi và nhu cầu cần một sự chở che, một chỗ dựa tinh thần để đối phó với thiên nhiên đầy hăm dọa và cuộc sống bấp bênh đầy tai ương của con người như: định mệnh, ốm đau, thiên tai, hạn hán, địch họa… Để giải quyết nhu cầu ấy, con người tìm kiếm bằng nhiều cách thuộc về tâm linh. Một trong những cách mà thần tích ghi lại là con người tìm trong giấc mơ ý niệm được một vị thần nhân trong cõi hư vô mách
35
bảo và cứ thế làm theo. Rõ ràng, khái niệm hay là hành vi ghi chép này liên quan đến tín ngưỡng khá rõ.
Các linh thần mà thần tích ghi chép và dân làng tôn vinh có thể là những vị không có truyện lưu truyền, không có lai lịch, công trạng gì to lớn, nhưng với dân làng, họ vẫn rất có ý nghĩa, rất linh thiêng, bởi họ là chỗ dựa tinh thần trong cuộc đời lắm đổi thay và nhiều bất trắc của người nông dân. Có nghĩa là các thần tích ghi chép này không nhất thiết có nguồn gốc từ truyền thuyết.
Còn các vị linh thần mà thần tích ghi chép và dân làng tôn vinh còn là những người anh hùng (có thể có thật trong lịch sử hay thuộc một triều đại mơ hồ thời viễn cổ) sinh thời có công với nước, với dân. Sau khi “hóa”, dân làng lập đền thờ, trình lên vua, được vua sắc phong và cho phép dân làng ngàn năm hương hỏa phụng thờ. Theo đó, dân làng tô vẽ cho vị thần của mình một hình hài cụ thể, theo thời gian khoác thêm cho họ bao công trạng, bao phép màu nhiệm sau khi các vị đã hiển linh. Về mặt này, thần tích tồn tại cùng với niềm tin thiêng liêng, thành kính và niềm khát khao mong mỏi có được một thần tượng tinh thần để tự hào của dân làng. Hình thức này phần lớn lấy từ truyền thuyết.
Linh thần trong thần tích còn là các vị không có sắc phong của triều đình nhưng vẫn được dân làng phụng thờ. Họ có thể không phải là anh hùng hào kiệt lập chiến công chống giặc ngoại xâm hay có công khai làng lập ấp mà có thể là những người nghèo khổ, thậm chí là thành phần có lai lịch “bất hảo” như ăn trộm, ăn cướp, hót phân, buôn lợn, thầy bói nhưng “chết nhằm giờ thiêng” trở thành thần thánh, ban phúc, giáng họa cho làng, được dân làng quanh năm thờ cúng. Như vậy, thần tích có khi xuất xứ từ truyền thuyết. Nhân dân muốn tôn thờ nên đã ghi chép lại truyền thuyết. Ngược lại, có khi từ những điều được ghi chép qua thần tích, người ta thêu dệt thêm thành ra truyền thuyết. Vì vậy, thần tích có liên quan đến truyền thuyết, là nơi lưu giữ truyền thuyết và cũng là nơi phát tích của truyền thuyết. Điều này đã được Kiều Thu Hoạch đề cập đến trong công trình Văn học dân gian người Việt, góc nhìn thể loại qua bài viết “Truyền thuyết anh hùng trong thời kỳ phong kiến”.
36
Trở lại với vấn đề linh thần trong truyền thuyết (ở đây chúng tôi thấy hiện tượng linh thần có trong truyền thuyết anh hùng là chủ yếu) và thần tích, theo chúng tôi, kỳ thực giữa truyền thuyết và thần tích, xét về mặt thể loại có sự tương tác như đã nói trên. Cần nói rõ thêm bản thân việc biên soạn thần tích đã là quá trình kể, ghi chép truyền thuyết. Nói cách khác, có khá nhiều truyền thuyết được khai thác từ thần tích. Theo chúng tôi, sự tương tác ấy thể hiện ở sự ra đời của truyền thuyết và thần tích về linh thần. Sự ra đời ở đây thường có hai khuynh hướng: thứ nhất, thần tích về linh thần ra đời từ những câu chuyện của truyền thuyết về linh thần. Nghĩa là, từ những câu chuyện truyền thuyết kể về các vị anh hùng trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, thiên tai, dịch bệnh, các vị anh hùng có công trừ gian diệt ác, trấn yểm ma quỷ, tà thần,... các vị tổ nghề, các vị có công khai khẩn vùng đất mới, phù trợ cuộc sống yên bình và bảo vệ an nguy cho dân. Nhân dân tin vào sự linh thiêng của các vị sau khi “hóa” và xây dựng đền thờ. Từ việc thờ phụng, nhân dân bắt đầu dựng lên thần tích về các vị. Khi xây dựng thần tích, điều quan trọng là nhân dân thường khai thác khía cạnh linh thiêng ở các vị. Trong trường hợp này, thần tích về linh thần ra đời sau truyền thuyết về linh thần. Thứ hai, nhân dân vốn tôn thờ các nhân vật anh hùng trong các công cuộc và tin rằng các vị rất linh thiêng. Niềm tin thiêng liêng ấy lập tức được cộng hưởng và lan tỏa nên nhanh chóng hình thành các thần tích vây quanh các vị. Theo quy luật ấy, truyền thuyết về linh thần cũng ra đời. Trong trường hợp này, thần tích ra đời trước truyền thuyết.
Sự tương tác thể loại ấy khiến truyền thuyết và thần tích về linh thần có điểm gặp gỡ: thần tích bao giờ cũng khai thác khía cạnh linh thiêng và những truyền thuyết liên quan đến nội dung của thần tích hay từ thần tích đi ra cũng khai thác khía cạnh linh thiêng. Chính vì tương tác thể loại nên giữa truyền thuyết và thần tích về linh thần cũng có điểm khác biệt cơ bản: truyền thuyết ra đời từ thần tích không nhất thiết đề cập đến khía cạnh linh thiêng của các nhân vật có công sau khi “hóa” một cách cụ thể. Nhưng đã là thần tích ra đời từ truyền thuyết thì thường khai thác khía cạnh linh thiêng một cách cụ thể, hữu hình.
37
Theo Kiều Thu Hoạch: “Truyền thuyết vốn được sáng tác và lưu truyền ở cửa miệng nhân dân, nhưng trong chế độ phong kiến, nó lại được các nhà nho ghi chép thành văn bản và được các vương triều biên soạn thành thần tích” [30, tr.20]. Ngoài ra, giữa truyền thuyết và thần tích về linh thần có khác chăng là ở “cảm hứng sáng tác” của dân gian. Đối với truyền thuyết, “cảm hứng sáng tác” thiên về lịch sử, còn đối với thần tích, tính chất tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo được thể hiện đậm đặc và rõ nét hơn. Nghĩa là, với thần tích sự xâm nhập của các yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo được biểu hiện xuyên thấm. Thần tích gắn chặt với tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo bởi thần tích bao giờ cũng gắn với một nhân vật, một sự thờ phụng cụ thể. Chính sự tương tác thể loại ấy nên chúng tôi xem thần tích cũng là đối tượng khảo sát. Tuy nhiên, khi đề cập đến thần tích, chúng tôi vẫn chú trọng khía cạnh truyền thuyết hơn là lai lịch thường rất được chú trọng ở thể loại này.
Từ những khảo sát trên, căn cứ vào cách hiểu của khái niệm linh thần đã trình bày, việc xác định truyền thuyết linh thần sẽ căn cứ vào nhân vật. Theo đó, đối tượng khảo sát sẽ là tất cả những truyền thuyết mà nhân vật có nguồn gốc từ linh thần hoặc trở thành linh thần trong vận động câu chuyện. Như vậy, truyền thuyết linh thần là một bộ phận của truyền thuyết nói chung nhưng nhân vật phải có liên quan đến thần linh như đã nói. Đối với những truyền thuyết mà linh thần chỉ xuất hiện trong truyện như là một yếu tố phò trợ, giúp cho nhân vật truyền thuyết đánh giặc dù nhân vật truyền thuyết đó sau khi “hoá Thánh” không hiển linh vẫn được xem là truyền thuyết linh thần.
Tiểu kết
Từ việc tìm hiểu “Những vấn đề chung liên quan đến đề tài” như trên, chúng tôi rút ra một số kết luận như sau:
Việt Nam là dân tộc có đời sống tâm linh, tín ngưỡng đa dạng, phong phú. Đời sống ấy được biểu hiện xuyên suốt thông qua hệ thống truyền thuyết Việt Nam, đặc biệt trong thể loại truyền thuyết linh thần. Điều đó có nghĩa, giữa đời sống tâm linh, tín ngưỡng người Việt với truyền thuyết linh thần có mối quan hệ tương tác, hữu cơ rất chặt chẽ.
38
Tín ngường sùng bái tự nhiên và tín ngưỡng sùng bái con người trong dân gian là một trong những biểu hiện quan trọng của đời sống tâm linh người Việt. Tín ngưỡng ấy được biểu hiện trong truyền thuyết linh thần đã góp phần khẳng định được nét riêng, nét đặc sắc của nó trong hệ thống truyền thuyết Việt Nam. Để chuyển tải tinh thần này, thể loại truyền thuyết linh thần gắn bó chặt chẽ với thần tích thành một hệ thống biểu đạt xoay quanh việc tôn vinh các nhân vật anh hùng (chiến trận và văn hóa) và sự oai linh của các vị sau khi “hiển Thánh”. Sự chuyển hóa đời sống tâm linh này trong hai thể loại cho thấy vận động của truyền thuyết linh thần khá phức tạp.
39
CHƯƠNG 2 - THỐNG KÊ, PHÂN LOẠI TRUYỀN THUYẾT LINH THẦN VIỆT NAM