Motif hiển linh

Một phần của tài liệu linh thần trong truyền thuyết việt nam (Trang 116 - 117)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.4.4. Motif hiển linh

Có thể nói, đây là motif quan trọng và chủ yếu của truyền thuyết về linh thần. Vì, để trở thành linh thần trong truyền thuyết (thần tích), nhân vật truyền thuyết (thần tích) phải có phần hiển linh trong cấu tạo cốt truyện.

Sự hiển linh của linh thần trong truyền thuyết có nhiều kiểu nhưng tựu trung lại dạng thức của motif này là: lực lượng thần linh từ cõi siêu nhiên xuất hiện ở cõi trần thế và thường là nhập vào thân xác của con người hoặc tác động trực tiếp làm tăng thêm năng lực cho con người để họ thực hiện sứ mệnh. Đây cũng là motif thâu tóm ý niệm về sức mạnh của cộng đồng qua nhiều thời đại.

Chẳng hạn, nhân dân muốn thông qua hình tượng Lê Lợi trả kiếm cho rùa vàng ở truyện B.44 để bày tỏ niềm tin vào sự “hiển Thánh” của tổ tiên luôn phò trợ cho con cháu muôn đời sau. Đó là hiện tượng tích hợp giá trị truyền thống qua các thời đại. Sự âm phù này thực ra đã có mô hình từ thời lập quốc được hiện thân dưới dạng rùa vàng (B.6): “thần Rùa Vàng hiển linh giúp vua xây thành, tặng vuốt cho vua làm nỏ thần chống giặc giữ nước, chỉ vua biết ai là giặc, rẽ nước dẫn vua đi xuống biển thoát sự truy bức của quân Triệu Đà”, có khi hóa thân vào các nhân vật hiển thánh như Lạc Long Quân: “An Dương Vương xây thành Cổ Loa nhiều lần thất bại, cầu đảo bách thần. Lạc Long Quân hiển linh báo trước sẽ cho sứ Thanh Giang đến giúp vua xây thành” (B.6), hay qua hình dạng cụ già (cũng là hiện thân của Lạc Long Quân): “Hùng Vương cầu đảo xin âm phù đánh giặc Ân. Trong lúc hành lễ, trời nổi mưa to gió lớn, có một cụ già cao lớn chín thước, mặt vàng bụng

117

lớn, mày râu bạc trắng hiển linh mách vua Hùng tìm người tài đánh giặc” (B.5), hay là Phù Đổng Thiên Vương hiển linh âm phù hai vị tướng tài của Hùng Huy Vương là Thiên Đá và Đường Lô đánh giặc Ân (E.8), là Chử Đồng Tử: “Triệu Quang Phục lập đàn cầu đảo trời đất, bách thần xin phù giúp đánh quân Lương. Đang làm lễ, Chử Đồng Tử hiển linh cưỡi rồng bay xuống đàn lễ trao cho Quang Phục chiếc móng của thần Kim Quy và dặn cách sử dụng cặn kẽ” (E.16). Sự sáng tạo ấy nhằm thể hiện niềm tin vào quá khứ và ý thức về sự kế thừa truyền thống giữa các thế hệ. “Từ những mắt xích ấy nối kết lại hàng nghìn năm, ăn sâu vào nếp nghĩ của nhân dân tạo thành niềm tin, niềm tự hào rằng chúng ta là “con Lạc cháu Hồng”, tổ tiên của nhân dân ta là Hùng Vương. Niềm tin vì thế trở nên lung linh, diệu ảo hòa lẫn với lòng thành kính, tạo thành tín ngưỡng” [36, tr.17].

Một phần của tài liệu linh thần trong truyền thuyết việt nam (Trang 116 - 117)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)