7. Cấu trúc luận văn
3.2.2. Kiểu nhân vật linh thần
Kiểu nhân vật là một trong những đặc điểm cấu tạo của truyền thuyết linh thần. Từ điển văn học định nghĩa “Nhân vật văn học là một thuật ngữ chỉ hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của con người trong nghệ thuật ngôn từ” [63, tr.1254]. Tuy nhiên, đối với truyền thuyết linh thần, nhân vật không chỉ hiện hữu trong hình hài cụ thể mà có thể thông qua thế lực siêu nhiên vô hình có khả năng tác động làm thay đổi tình thế.
Trong phạm vi đề tài của mình, chúng tôi xác định nhân vật linh thần trong truyền thuyết vừa là “nhân vật” nhưng có khi chỉ xuất hiện như “yếu tố”. Trong trường hợp nhân vật linh thần được truyền thuyết xem là trục chính để xây dựng cốt truyện thường được mô tả qua hành động thì nó là “nhân vật”. Dạng nhân vật truyền
104
thuyết này có khi là linh thần đời trước chuyển hóa thành, có khi là con người có công, sau khi “hóa Thánh” trở thành linh thần đời sau “âm phù dương thế”.
Ngược lại, trong trường hợp linh thần không phải là nhân vật chính của truyền thuyết mà chỉ là “một yếu tố tâm linh” hiện hữu trong quá trình nhân vật truyền thuyết gặp bế tắc thì đấy được gọi là “yếu tố linh thần”.
Sau đây, chúng tôi sẽ đi khảo sát từng kiểu nhân vật linh thần ứng với từng loại truyền thuyết.
Như trên đã nói, chúng tôi xác nhận có 2 loại truyền thuyết về nhân vật linh thần: loại truyện về linh thần đời trước “hóa thân” vào nhân vật truyền thuyết và loại truyện về nhân vật truyền thuyết trở thành linh thần sau khi “hiển Thánh”, loại này nhân vật hiện hữu trong hình hài cụ thể.
Kiểu thứ nhất, loại truyền thuyết về nhân vật được “hóa thân” từ linh thần đời trước. Nhân vật linh thần dạng này chỉ được thể hiện như một thế lực màu nhiệm, chuyển hóa vào nhân vật truyền thuyết để tăng thêm sức mạnh tài năng cho nhân vật. Nói cách khác, đây là kiểu nhân vật được “hóa thân” từ nguồn gốc thiên thần, nhiên thần nên không có hình hài cụ thể. Ngài chỉ có hình hài sau khi “hóa thân” trở thành nhân vật truyền thuyết. Chẳng hạn, đó là nguồn gốc thủy thần của nhân vật đức Thánh Cả Hùng Hựu và đức Thánh Đệ Nhị Hùng Chí trong truyện A.4: “Hai ông bà vào chùa Hương Tích cầu tự, khi ra về, còn nghỉ ở thị trấn Bạch Kiều, nằm mộng thấy thần báo rằng: “Lòng chí thành của các ngươi ta sẽ tâu với Thuợng đế. Ngài hứa cho hai viên Thủy thần đầu thai làm các con ngươi, để giúp nhà, giúp nước””. Nhân điềm mộng ấy, bà vợ có mang sinh ra các ngài. Cũng có thể kiểu nhân vật vô hình là kiểu nhân vật xuất hiện dưới dạng thức của các lực lượng tự nhiên (gió, mưa, sấm, chớp), âm thanh, tiếng động. Tuy vô hình, nhưng sự hiển linh của kiểu nhân vật này cũng đem lại kết quả thấy được.
Chẳng hạn, truyện C.19 kể về sự hiển linh của kiểu nhân vật vô hình này như sau: “Dân cầu đảo ở đền thờ Lý Hoảng rất được linh ứng. Mỗi khi vua Lý đi đánh giặc, cho rước kiệu Vương đi trước, ra trận thường nghe có tiếng binh mã ầm ầm
105
trên không, trận đánh tất thắng. Vua Thái Tông đánh Chiêm Thành, sai cầu đảo tại đền, rồi thuyền đi như gió, trận ấy đại thắng quân Chiêm”
Nguồn gốc của nhân vật truyền thuyết ở đây có thể được hình thành từ một biểu tượng văn hóa mang tính truyền thống, hoặc có thể bị ảnh hưởng bởi văn hóa ngoại sinh. Tuy là kiểu nhân vật vô hình trong truyền thuyết, nhưng nó vẫn chứa đựng những đặc tính chung nhất trong quan niệm về linh thần của dân gian ở chỗ nó có sức mạnh siêu nhiên. Bên cạnh đó, nó còn là lực lượng siêu phàm có khả năng tác động đến các thế lực khác trong truyền thuyết theo tín ngưỡng dân gian.
Theo chúng tôi, kiểu nhân vật linh thần “hữu hình” trước khi đầu thai là kiểu nhân vật xuất hiện dưới dạng thức cụ thể (người hoặc vật), có hành động, lời nói tác động đến đối tượng và đem lại kết quả thấy được. Chẳng hạn, sự hiển linh của linh thần đời sau trong truyện C.2: “Quang Phục lập đàn cầu đảo, thấy thần nhân (linh thần Chử Đồng Tử) cưỡi rồng bay vào trong đàn bảo rằng hiển linh còn đó, có thể cầu tới cứu trợ để dẹp bằng họa hoạn và tháo vuốt rồng cho Quang Phục đeo lên mũ đâu mâu diệt giặc. Quân Lương thua to, phải lùi”. Nhân vật linh thần ở đây hiện hữu dưới dạng thần nhân. Kiểu nhân vật hiển linh này xuất hiện chủ yếu trong truyền thuyết thời Hùng Vương gắn với sự tích Thục Phán An Dương Vương được Rùa Vàng hiển linh tặng móng, vuốt thần để chế nỏ (B.6) và trong truyền thuyết thời Bắc thuộc với tích Chử Đồng Tử hiển linh cho vuốt rồng gắn mũ đâu mâu đánh giặc kể trên.
Ngoài ra, kiểu nhân vật linh thần “truyền lưu” là kiểu nhân vật mà sự hiển linh của nó chỉ được lưu lại qua lời kể của dân gian: Về sau vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, cho cầu đảo ở đền thờ linh thần Võ Trung, Võ Quốc và được toàn thắng (C5), Sau khi “hóa”, linh thần Ả Lả âm phù vua Lê Thái Tổ bình giặc Minh, vua Thánh Tông bình giặc Chiêm (C.28), Dân cầu đảo ở đền thờ Lê Phụng Hiểu và Lý Hoảng rất được linh ứng (C.18, C.19), Người đàn bà ấy chết và thành thần, cầu đảo được nhiều ứng nghiệm (C.40).
Như vậy, về kiểu nhân vật linh thần có từ nhiều nguồn gốc khác nhau như đã nói nhưng chủ yếu hiển linh dưới hình dạng người là phổ biến, một số ít tồn tại
106
dưới dạng thức loài vật hoặc vật thể. Kiểu phổ biến khác là vô hình thường chỉ được đưa vào lời kể về hiệu quả của sự hiển linh.