Các quy chế, quy định và truyền thống, tập tục, thói quen, nghi lễ
Văn hóa kinh doanh còn được thể hiện thông qua các quy chế, quy định, bởi vì các quy chế, quy định này sẽ tạo lập khuôn khổ cho các hoạt động quản trị cũng như cách thức tiến hành các hoạt động quản trị. Chẳng hạn, văn hóa quản trị của Tập đoàn HUYNDAI được thể hiện rõ nét qua các quy tắc ứng xử nội bộ cụ thể được quy định cho các nhà quản trị, bao gồm các nội dung sau:
- Các nhà quản trị phải luôn giữ thái độ bình đẳng và tôn trọng nhau, tôn trọng người lao động, đối xử với họ một cách nhân ái và có thái độ ôn hòa với họ.
- Trước khi trở thành người lao động, nhớ rằng con người mang trong mình tình cảm, quan niệm về sự bình đẳng và tính cách như nhau, không nên phân biệt người này với người khác.
- Hãy nhận thức rằng con người ai cũng có nhu cầu phát triển và thể hiện mình, cho nên phải khích lệ tinh thần làm việc hơn là bắt họ làm theo mệnh lệnh một chiều, để họ có thể tự do phấn đấu hết sức mình.
- Thông qua những cuộc đối thoại trung thực, quan tâm đến đời sống của người lao động, nhận sự phục tùng và cảm kích tấm lòng của họ.
- Trong quá trình làm việc, nhà quản trị nhất định chỉ đạo công việc với ý thức rằng mình phải tự thi hành công việc của mình, phải nhận thức được là bản thân người lao động cũng đang làm những công việc có giá trị.
- Phải hiểu rằng chính cách xử thế của nhà quản trị trong quan hệ lao động là điều quyết định đến không khí làm việc, phải tự cố gắng để phát triển bản thân mình.
- Nhà quản trị phải từ bỏ ý thức quyền lực và thay thế bằng đối thoại một cách bình đẳng và thuyết phục, cần có lòng kiên trì và hành động một cách gương mẫu.
Có thể nói, các quy tắc này mang đậm nét bản sắc văn hóa phương Đông. Phương Đông có một truyền thống quản trị có bề dày, trong đó thể hiện bản sắc riêng thông qua các quy tắc, lễ nghi chính thống và truyền thuyết dân gian. Chẳng hạn, Khổng Tử (551- 497 TCN) đã đề ra các quy tắc hành xử cho người quân tử: "chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" đến nay vẫn đúng và còn đúng mãi sau này. Trong lĩnh vực quân sự có các quy tắc ứng xử cho người làm tướng và được trình bày trong Binh pháp Tôn tử với 36 kế sách, ngày nay được vận dụng vào kinh doanh như là các quy tắc chuẩn mực để ứng phó với môi trường kinh doanh bất định...
Bên cạnh các quy chế, quy định về quản trị thì truyền thống, tập tục, thói quen, nghi lễ cũng là yếu tố tạo lập nên văn hóa kinh doanh. Các nét sinh hoạt và lề lối làm việc trong doanh nghiệp như các hành vi ứng xử, giao tiếp nội bộ, thái độ, phong cách làm việc, cách thức xử lý vấn đề, quy trình công việc, cách thức truyền đạt thông tin, bầu không khí làm việc, các sinh hoạt tập thể về văn hóa, văn nghệ, thể thao,... được đề ra, duy trì, nuôi dưỡng lâu bền sẽ trở thành những truyền thống, tập tục, thói quen và nghi lễ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Những hành vi của các nhà quản trị
Văn hóa bao giờ cũng thể hiện qua các "vật mang" cụ thể, đối với văn hóa kinh doanh, "vật mang" quan trọng nhất chính là các nhà quản trị. Nhà quản trị phải là những người mang văn hóa kinh doanh và tác động đến nhân viên một cách mạnh mẽ nhất. Hồ Chủ Tịch từng nói: "Trước mắt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ "Cộng sản" mà được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải mực thước cho người ta bắt chước". Hành vi của nhà quản trị bị chi phối bởi văn hóa mà họ tôn thờ, vì vậy cách thức hành xử của nhà quản trị cũng phản ánh bản sắc văn hóa trong hoạt động quản trị của một doanh nghiệp. Thông thường, khi doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, mọi công việc đều ở điểm khởi đầu, việc tổ chức bộ máy và phân công công việc trong doanh nghiệp chưa ổn định, hệ thống các chính sách, thủ tục, quy tắc chưa đầy đủ và đồng bộ, nhân viên dưới quyền chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhà quản trị phải "miệng nói, tay làm", trực tiếp làm nhiều, ít có thời gian để "lo", thậm chí nhiều khi không còn thời gian để "lo".
Giai đoạn 1 Giai đoạn 2 Giai đoạn 3
Hình 1.1. Lo và làm
Nguồn: GS.TS Phạm Vũ Luận, Quản trị doanh nghiệp thương mại, Nxb Thống kê, 2004
l o
Trong khi đó, ở thời kỳ doanh nghiệp đã đi vào ổn định thì nhà quản trị có thể và cần phải giảm dần công việc "làm", chuyển nó cho các bộ phận và nhân viên dưới quyền để có thời gian tập trung suy nghĩ, "lo" đến những công việc lớn, quan trọng hơn và xa hơn. Hệ thống tổ chức đã ổn định, các kế hoạch hướng dẫn tương đối hoàn thiện, mọi người đã quen dần với công việc, môi trường nhân văn và bản sắc doanh nghiệp đã bước đầu hình thành, đó là những yếu tố quan trọng giúp cho các nhà quản trị chuyển từ trạng thái "điều hành trực tiếp" sang trạng thái "chỉ huy gián tiếp".
Cuối cùng, khi doanh nghiệp ở trong quá trình phát triển thuận lợi, công việc chủ yếu của nhà quản trị là suy nghĩ, tư duy, "lo" cho tương lai của doanh nghiệp. Đây là giai đoạn mà mọi công sức và trí tuệ của nhà quản trị cần được tập trung vào việc giải quyết các vấn đề chiến lược.
Một doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh hay không, trước hết có thể xem xét cách hành xử kiểu "lo", "làm" như trên. Bên cạnh đó, có thể xem xét cách hành xử của giới quản trị trong doanh nghiệp đối với "những tình huống bất quy tắc" thì sẽ càng dễ nhận biết bản sắc văn hóa kinh doanh của chính doanh nghiệp.
Nhà quản trị doanh nghiệp là:
- Người có thể chất mạnh khỏe, khí chất mạnh mẽ hay ngược lại? - Người dễ bằng lòng với bản thân, với thực tế của điều kiện sống và làm việc hay ngược lại?
- Người thích khám phá sáng tạo hay thích làm việc theo quy trình chặt chẽ và các chuẩn mực xác định trước?
- Người thích sự mạo hiểm hay là người lựa chọn sự chắc chắn?
- Người dám đem đánh cuộc cả sự nghiệp, tài sản và danh dự cuộc đời mình để phấn đấu thực hiện mục đích lý tưởng hay không?
- Người dám chấp nhận rủi ro mạo hiểm để thực hiện công việc mà chỉ rất ít người, ngoài nhà quản trị doanh nghiệp tin vào thành công hay không?
Căn cứ vào bản lĩnh của nhà quản trị được thể hiện trong những tình huống cụ thể cũng có thể đánh giá được văn hóa kinh doanh của một doanh nghiệp.
Tóm lại, thông qua quan sát hành vi của các nhà quản trị doanh nghiệp, xem xét tương quan thời gian, sức lực mà họ dành cho hiện tại hay tương lai, có thể đánh giá được văn hóa kinh doanh và biết được "tình trạng sức khỏe" của doanh nghiệp.