Đây là nội dung hữu hình, là tầng bề mặt dễ quan sát nhất của văn hóa kinh doanh. Khi một người ở bên ngoài đến giao tiếp với doanh nghiệp, điều mà họ dễ nhận thấy nhất về văn hóa kinh doanh đó là các hành vi, ứng xử, giao tiếp của các thành viên và các biểu tượng của doanh nghiệp như logo, biển hiệu, màu sắc, cách thức trang trí doanh nghiệp, slogan, kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm,... của doanh nghiệp. Đây là bộ phận quan trọng của văn hóa kinh doanh làm nên sự khác biệt, một hình ảnh riêng của doanh nghiệp trong con mắt của các khách hàng, các đối tác và xã hội.
1.3. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VĂN HOÁ KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP
1.3.1. Nền văn hóa xã hội
Văn hóa kinh doanh là một bộ phận của văn hóa dân tộc, văn hóa xã hội. Vì vậy tất yếu sẽ có sự phản chiếu của văn hóa dân tộc, văn hóa xã hội lên văn hóa kinh doanh. Mỗi chủ thể trong một nền văn hóa kinh doanh đều phụ thuộc vào một nền văn hóa dân tộc cụ thể, với một phần nhân cách tuân theo các giá trị văn hóa dân tộc. Mức độ coi trọng tính cá nhân hay tính tập thể, khoảng cách phân cấp của xã hội, tính đối lập giữa nam quyền hay nữ quyền,... là những thành tố của văn hóa xã hội tác động rất mạnh mẽ đến văn hóa kinh doanh.
Đồng thời hoạt động kinh doanh luôn luôn tồn tại trong một môi trường nhất định nên nhất thiết nó phải chịu ảnh hưởng của văn hóa xã hội. Mỗi nền
văn hóa xã hội lại có đặc trưng riêng và có những hệ quả đặc thù đối với hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn tính kỷ luật và trung thành trong các doanh nghiệp Nhật Bản, tính chính xác trong các doanh nghiệp Thụy Sỹ, sự hào hoa lãng mạn trong các doanh nghiệp Pháp, Ý,...
1.3.2. Thể chế xã hội
Bao gồm thể chế chính trị, thể chế kinh tế, thể chế văn hóa, các chính sách của chính phủ, hệ thống pháp luật,... là những yếu tố thuộc môi trường kinh doanh có ảnh hưởng sâu sắc tới việc hình thành và phát triển văn hóa kinh doanh.
Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, các chủ thể kinh doanh phải tiến hành các hoạt động sao cho đạt doanh thu cao nhất với chi phí thấp nhất. Để làm được điều này, các chủ thể kinh doanh phải có tri thức, có văn hóa để khai thác và sử dụng các nguồn lực có hạn như vốn liếng, lao động, tài nguyên,.. một cách có hiệu quả nhất. Đồng thời cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường cũng buộc các nhà quản trị phải có đạo đức kinh doanh, tôn trọng con người, có tác phong tự chủ, dám chấp nhận rủi ro,,.. đó chính là bản lĩnh văn hóa của nhà kinh doanh trong nền kinh tế thị trường.
Đồng thời thông qua quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng, các nhà cung cấp, các đối thủ cạnh tranh, chính quyền địa phương và xã hội, các nhà kinh doanh sẽ hình thành được các bản sắc văn hóa riêng từ việc kế thừa và tiếp thu các giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại, những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc và thể hiện được các giá trị đó trong các sản phẩm sản xuất ra, trong cách ứng xử giao tiếp trong kinh doanh. Làm được điều đó, doanh nghiệp không những đạt được mục tiêu lợi nhuận mà còn hướng tới được sự phát triển bền vững.
1.3.3. Sự khác biệt, giao lưu văn hóa và quá trình hội nhập, toàn cầu hóa cầu hóa
Có một thực tế cần thừa nhận là giữa các quốc gia, các chủ thể kinh doanh, các cá nhân không bao giờ có cùng một kiểu văn hóa thuần nhất. Nếu
văn hóa Mỹ đánh giá cao lối sống cá nhân và thẳng thắn thì văn hóa Châu Á lại coi trọng việc tuân thủ luật lệ xã hội. Ở một số nền văn hóa thưởng hay hối lộ để có được một quyết định có lợi hơn là một thông lệ được chấp nhận. Còn ở một số nền văn hóa điều này là không thể chấp nhận, và có thể bị phạt tù. Sự khác biệt về văn hóa có thể là một nguyên nhân chính dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột văn hóa. Chính sự xung đột này tác động khá mạnh đến việc hình thành một bản sắc văn hóa kinh doanh cho phù hợp.
Trong điều kiện ngày nay, quá trình hội nhập và quốc tế hóa nền kinh tế diễn ra mạnh mẽ các chủ thể kinh doanh không thể duy trì văn hóa của mình như một lãnh địa đóng kín mà phải mở cửa và phát triển giao lưu về văn hóa. Chính sự giao lưu này tạo điều kiện cho các chủ thể kinh doanh học tập, chọn được các khía cạnh tốt về văn hóa của các chủ thể khác nhằm phát triển mạnh nền văn hóa của doanh nghiệp mình. Mặt khác quá trình tìm hiểu và giao lưu văn hóa làm cho các chủ thể kinh doanh hiểu rõ hơn về nền văn hóa của mình từ đó tác động ngược trở lại hoạt động kinh doanh theo hướng tích cực.
Quá trình mở cửa của các quốc gia làm cho nền kinh tế của các quốc gia hòa nhập vào với nền kinh tế thế giới, tạo điều cho các doanh nhân có cơ hội phát huy hết khả năng của mình, không ngừng nâng cao trình độ kinh doanh cho phù hợp với yêu cầu của thị trường. Cùng quá trình toàn cầu hóa có sự diễn ra của sự giao lưu giữa các nền văn hóa kinh doanh, từ đó bổ sung thêm các giá trị mới cho văn hóa kinh doanh của mỗi nước, làm phong phú kho tàng kiến thức về văn hóa kinh doanh, biết cách chấp nhập luật chơi chung, những giá trị chung để cùng hợp tác và phát triển.
Hoạt động kinh doanh ngày càng mang tính toàn cầu, điều này đòi hỏi các chủ thể kinh doanh phải khai thác các thế mạnh trong đó văn hóa kinh doanh là một thế mạnh điển hình. Ngày nay môi trường kinh doanh luôn thay đổi, các chuẩn mực văn hóa được nâng lên, điều đó đòi hỏi các chủ thể phải
xây dựng được nền văn hóa có tính thích nghi, có sự tin cậy cao độ để cạnh tranh thành công
1.3.4. Khách hàng
Với vai trò là người đóng góp phần quan trọng vào việc tạo ra lợi nhuận lâu dài và bền vững cho chủ thể kinh doanh, khách hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tác động đến văn hóa kinh doanh. Trong nhiều trường hợp khách hàng không mua sản phẩm thuần túy mà họ mua các giá trị, họ đưa ra các quyết định dựa trên bối cảnh văn hóa chứ không chỉ đơn thuần là những quyết định có tính chất thiệt hơn. Do đó, nhu cầu, thẩm mỹ, trình độ dân trí của khách hàng có tác động trực tiếp đến đến văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp.
1.4. MỘT SỐ BÀI HỌC VỀ XÂY DỰNG VĂN HOÁ KINH DOANH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC
1.4.1. Các điển hình về xây dựng văn hóa kinh doanh của một số doanh nghiệp trong và ngoài nước
1.4.1.1. Văn hóa FPT
FPT một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên ý thức được sức mạnh của nền tảng văn hóa trong kinh doanh và xúc tiến xây dựng văn hóa ngay từ khi mới thành lập. "Ở FPT, những giá trị cốt lõi nhất của Văn hóa được sắp xếp lại một cách có hệ thống, mạch lạc tường minh và được gọi là gene của công ty, được tóm tắt trong 5 chữ Sâu - Sáng - Tuyệt - Thông - Phong". Đây chính là sự tóm tắt của triết lí kinh doanh sâu sắc, chủ yếu coi hiền tài là cốt lõi của mọi thành công, lãnh đạo sáng suốt, mạnh mẽ ở khắp mọi cấp, chất lượng tuyệt hảo, thỏa mãn khách hàng ngoài sự mong đợi của họ, thông tin sáng suốt, đáp ứng mọi mục tiêu và hỗ trợ tác nghiệp có hiệu quả, cuộc sống và hoạt động của Công ty phong phú, đáp ứng nhu cầu văn nghệ thể thao tốt nhất cho cán bộ công nhân viên.
Văn hóa FPT có những đặc trưng sau:
- Nền Văn hóa kế thừa: Khởi đầu cho chiến lược phát triển Công ty, ban Giám đốc FPT đã xây dựng một mô hình được gọi nôm na là "chiến tranh nhân dân", trong đó toàn bộ công ty được bố trí theo kiểu quân đội và có sự phối hợp chặt chẽ với môi trường bên ngoài. Trong công ty có những nhóm hoạt động dưới các tên gọi: Tiểu đội trinh sát (Nghiên cứu thị trường), Bộ đội chủ lực (Lập trình viên), Câu lạc bộ sĩ quan lãnh đạo (Lãnh đạo bộ phận)…
Nền văn hóa hướng về con người: FPT coi con người là nguồn tài nguyên quý báu nhất của Công ty. Yếu tố con người luôn được FPT đề cao như một "selling point" (điểm hấp dẫn khách hàng) và thực tế đã là một "selling point" quan trọng.
Nền văn hóa mở: Để xây dựng nền văn hóa mở, FPT đã nghiên cứu học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm từ các công ty nước ngoài trong đó có những công ty tên tuổi như IBM, Microsoft, Hewlett Parkard…. là những đại gia trong nghành công nghệ thông tin và cũng có những công ty ít hoặc chưa có tên tuổi nhưng có triển vọng phát triển lớn và có văn hóa công ty tiêu biểu.
Phác thảo tương lai: Năm 2003 đánh dấu một mốc mới có tính quyết định đến sự phát triển của FPT khi bắt đầu thực hiện mô hình quản lý kinh doanh theo hướng tập đoàn kinh tế. Sự sắp xếp lại mô hình của doanh nghiệp này là một bước tự đổi mới chính mình của FPT, tránh sự trì trệ trong hoạt động kinh doanh, phát huy tối đa tính sáng tạo, tính tự chủ của các bộ phận, của mỗi thành viên.
1.4.1.2. Văn hóa Mai Linh
Công ty Mai Linh đã đề ra triết lí kinh doanh rất phù hợp với ngành dịch vụ taxi là: "An toàn - Chất lượng - Mọi lúc - Mọi nơi". Công ty đã chú trọng đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên bằng các biện pháp:
+ Thành lập trung tâm dạy nghề Mai Linh để đảm bảo chất lượng đội ngũ lao động
+ Chú trọng công tác huấn luyện đội ngũ kế cận
+ Trang bị đồng phục cho nhân viên để phân biệt với các doanh nghiệp khác. Công ty còn thường xuyên chăm sóc đời sống người lao động bằng việc đảm bảo chế độ lương thưởng hợp lý, công bằng. Đặc biệt, công ty có chế độ tặng cổ phiếu ưu đãi để nhân viên yên tâm với công việc và cống hiến hết mình vì công ty.
Để tạo ấn tượng cho khách hàng cũng như gây dựng cho nhân viên lòng tự hào gắn bó với công ty, lãnh đạo công ty cũng chú trọng đầu tư, tạo ra hệ thống phương tiện kinh doanh đồng nhất: màu sắc trên phương tiện kinh doanh; chú trọng tới nhãn hiệu hàng hóa và thương hiệu của Mai Linh trên thương trường: Logo của Mai Linh có hình ảnh con chim Việt đang bay thể hiện quyết tâm của Mai Linh muốn dựa vào nền tảng văn hóa doanh nghiệp để bay vào tương lai; xây dựng hệ thống quản lý hiện đại theo các tiêu chuẩn ISO 9000, SA 8000, ISO 14000, 5S và được BVQI của Anh cấp chứng chỉ hệ thống quản lý phù hợp với ISO 9002/1994; huấn luyện văn hóa giao tiếp văn minh lịch sự trong kinh doanh và trong giao tiếp nội bộ cho nhân viên; huấn luyện văn hóa truyền thống cho nhân viên; viết ca khúc hay về doanh nghiệp để khơi gợi lòng tự hào của nhân viên đối với công ty; phát huy chủ đề "Nụ cười Mai Linh" trong toàn hệ thống Mai Linh.
Một số nét tiêu biểu của văn hóa Mai Linh
+ Điển hình về đạo đức, tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, nhiều người lao động trong doanh nghiệp được báo chí nêu gương như những gương sáng giữa đời thường.
+ Phát huy tinh thần tương thân tương ái của dân tộc công ty thường xuyên tham gia các hoạt động nhân đạo
+ Bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cũng là tấm gương sáng về tinh thần làm việc và khả năng quản lý.
+ Tôn vinh người lao động, như tổ chức lễ hội "Gia đình Mai Linh" để tuyên dương những thành viên có thành tích trong công việc.
+ Phong cách quản lý hiện đại, chú trọng đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, công ty đã thành công trong việc tạo nên hình ảnh đẹp về doanh nghiệp Mai Linh trong xã hội.
1.4.1.3. Văn hóa Microsoft
Không chỉ nổi tiếng vì sự phát triển nhanh chóng và vượt trội của mình, Microsoft còn nổi tiếng với một phong cách văn hóa khác biệt, một môi trường văn hóa đầy cá tính nuôi dưỡng đội ngũ nhân viên kiệt xuất với những con người không phải chỉ vì lợi nhuận hay tiền bạc, mà còn vì sự ham thích và niềm vui được vượt qua những thử thách mà công ty luôn tìm thấy cho mình.
- Triết lý kinh doanh: Điểm nổi bật đầu tiên trong VHDN của Microsoft chính là triết lý kinh doanh của Công ty. Triết lý này có thể chia làm năm yếu tố chính:
+ Chính sách phát triển dựa trên nền tảng lâu dài + Hướng đến các thành quả
+ Tinh thần tập thể và động lực cá nhân
+ Thái độ trân trọng đối với sản phẩm, khách hàng + Thông tin phản hồi thường xuyên của khách hàng
- Nền văn hóa khuôn viên Đại học: Sở thích nổi tiếng của Gates là chỉ tuyển dụng những sinh viên xuất sắc nhất thẳng từ các trường đại học. Theo Gates: "Giới trẻ sẵn sàng học hỏi hơn và luôn đưa ra những ý tưởng mới mẻ".
Nhằm khuyến khích tinh thần tập thể, cung cách hành xử của công ty giữ nguyên không thay đổi nhiều so với những ngày đầu. Nhân viên đi làm ăn mặc đơn giản, đi máy bay giá rẻ nhất, ở khách sạn loại trung bình khi đi công tác (kể cả Bill Gates), không có những biểu tượng phân biệt cấp bậc như phòng ăn cho cấp giám đốc hay vật dụng văn phòng sang trọng.
- Đề cao tầm quan trọng của các chuyên gia kỹ thuật: Tại Microsoft, các chuyên viên phát triển phần mềm giữ vai trò quan trọng hơn các nhà quản lý. Bill Gates coi việc "viết mã lệnh" - hay còn gọi là lập trình máy tính - là một công việc cao cả.
- Nền văn hóa của những cá tính: nhân viên của Microsoft được tự do tạo ra một ngôn ngữ độc đáo, dựa trên những tiếng lóng mà họ thường sử dụng còn là những tay tin tặc (hackers) ở trường.
- Nền văn hóa của những nỗ lực không mệt mỏi: Trong Microsoft tồn tại một khẩu hiệu: "Hãy nỗ lực làm việc và nỗ lực hơn nữa".
- Nền văn hóa mang tính học hỏi: Có thể Microsoft là bộ máy khao khát tri thức. Ngay cả tổng hành dinh của công ty tại Redmond cũng mang cái tên rất "đại học": Khuôn viên Đại học Microsoft.
- Nền văn hóa của những nhóm nhỏ: Microsoft đã phát triển một hệ thống độc đáo riêng của mình, có thể gọi nôm na là "chia để trị". Hệ thống này gồm một văn phòng chủ tịch bao gồm Tổng Giám đốc và 3 trợ lý thân tín nhất. Dưới phòng này là 15 cấp quản lý với khoảng 7 người ở cấp thứ 15, được biết đến như những "kiến trúc sư", họ là những thành viên cao cấp nhất của nhóm phát triển phần mềm trong công ty.
1.4.1.4. Văn hóa Honda
Thành công của Honda được nhắc đến rất nhiều qua "phương pháp Honda". Điểm nổi bật về phương pháp Honda là nó tạo ra sự khác biệt giữa Honda Motor với mọi công ty khác tại Nhật, Mỹ hay là ở bất cứ quốc gia nào khác. Và đó cũng là nền văn hóa của công ty. Phương pháp Honda là tập hợp các nguyên tắc, lý tưởng, và niềm tin khác nhau, trong đó không có cái nào là độc nhất vô song. Điều đáng nói chính là việc áp dụng tập hợp này mới là cái độc đáo, vô song của Honda. Phương pháp Honda mang ý nghĩa quyết định với sự thành công của công ty hơn với bất cứ tiềm lực hay kỹ thuật kinh tế nào, và ảnh hưởng tới bất kỳ một quyết định quan trọng nào khắp công ty.