Phân loại tư liệu

Một phần của tài liệu motif li tán trong thần thoại và truyền thuyết của các tộc người thiểu số ở việt nam (Trang 41 - 45)

6. Kết cấu của luận văn

2.2. Phân loại tư liệu

Trong nghiên cứu folklore nói chung, đề tài này nói riêng, thống kê và phân loại tư liệu là một nhiệm vụ khoa học. Không thể nghiên cứu nếu không có sự phân chia tài liệu, nói cách khác, cơ sở của nghiên cứu khoa học là sự phân loại; mặt khác nghiên cứu khoa học sẽ góp phần điều chỉnh các thao tác phân loại sao cho chính xác và hợp lí nhất. Đây là kết quả của quá trình khảo sát sơ bộ tài liệu và là khâu có vai trò quyết định kết quả nghiên cứu. Nói như Kiều Thu Hoạch qua công trình Văn học dân gian người Việt, góc nhìn thể loại thì phân loại là “xác định đối tượng cả về hai mặt nội dung và hình thức, để từ đó, đặt đối tượng vào những ô phân loại thích hợp. Như vậy, việc phân loại hiển nhiên không thể tùy tiện, mà phải là kết quả của cả một quá trình những thao tác khoa học nghiêm túc, khởi đầu từ việc thẩm định, nắm bắt những tư liệu cụ thể” [26, tr.142-143]. Do đó trên hành trình phân loại để có được sự phân loại thực sự khoa học về thần thoại, truyền thuyết đã có những kiến giải khác nhau từ người nghiên cứu và “có những cách làm đã được áp dụng rộng rãi, có những sai lầm thiếu sót đã được phát hiện, có những trực giác khoa học đã dần dần được chứng minh là đúng đắn, và được xây dựng lại trên cơ sở những sự khảo sát khoa học khách quan” [11, tr.240].

40

Chúng tôi đồng ý với Trần Thị An khi cho rằng: “truyện cổ là sự đan xen chồng chất các lớp thể loại trong một câu chuyện. Là sản phẩm của một tập thể tác giả lại được lưu truyền bằng con đường truyền miệng, truyện kể dân gian không ngừng được bồi đắp những lớp mới. Các lớp được bồi đắp thêm đó chịu sự qui định của không khí thời đại, của cảm hứng sáng tạo của người kể vào từng thời điểm nhất định. Và, được hình thành do cảm hứng sáng tạo của các tác giả, các lớp thể loại chồng chất đan xen ngay trong từng truyện kể mà việc bóc tách tháo gỡ chúng cần phải căn cứ vào những dấu hiệu hình thức để hiểu sâu tác giả, tác phẩm” [81, tr.600]. Trong quá trình phân loại, chúng tôi chú ý những trường hợp thần thoại bị truyền thuyết hóa và truyền thuyết bị cổ tích hóa để đưa các truyện này về đúng thể loại. Có những truyện mang bóng dáng của truyền thuyết nhưng lại xuất hiện trong tuyển tập thần thoại hay có những truyện chứa hơi hướng của truyền thuyết song lại được đưa vào tuyển tập truyện cổ tích.

Nếu đối tượng là thần thánh, được linh thiêng hóa trở thành niềm tin cũng như nỗi sợ của cộng đồng thì đó là thần thoại. Song chỉ cần thay đổi từ quan niệm, cách giải thích thế giới nói chung sang các hiện tượng đơn lẻ là những vật, địa danh cụ thể gắn với một quốc gia, một dân tộc cụ thể thì đó là truyền thuyết vì nó có một cái lõi lịch sử - xã hội của một cộng đồng cụ thể. Nhưng trên thực tế có sự giao thoa nhất định giữa thần thoại và truyền thuyết. “Khi quan niệm và giải thích sự hình thành loài người cũng đồng thời là quan niệm và giải thích về sự hình thành của quốc gia, dân tộc, thì nó vừa là thần thoại mà cũng vừa là truyền thuyết” [35, tr.10]. Trong trường hợp này, chúng tôi xếp các truyện vào thể loại truyền thuyết. Trong trường hợp truyện ngoài quan niệm giải thích về nguồn gốc con người, tộc người còn gắn với quan niệm và cách giải thích thế giới ở tầm vĩ mô chúng tôi xếp vào thể loại thần thoại. Ở những truyện đó, thông thường con người là kết quả chứ không đóng vai trò trung tâm.

Hiện nay vẫn tồn tại những truyện mà theo các nhà nghiên cứu thì đó là “hiện tượng cổ tích bị truyền thuyết hóa” [28, tr.13]. Trường hợp các truyện kể xoay quanh việc lí giải nguồn gốc tên gọi của phong vật, địa lí hay nói cách khác là những truyện kể địa danh dễ dẫn đến sự nhập nhằng trên. Ngoài ra, một số truyện kể về sự li tán của các tộc người mà cảm hứng lại xuất phát từ thế sự cũng nằm ở lằn ranh giao thoa này. Để xác định motif đúng với đặc trưng thể loại, chúng tôi dựa vào cảm hứng chủ đạo của từng truyện mà phân loại thể loại. Nếu cảm hứng chủ đạo trong truyện là cảm hứng lịch sử, chúng tôi xếp vào truyền

41

thuyết; nếu cảm hứng chủ đạo trong truyện là cảm hứng thế sự, chúng tôi xếp truyện đó vào cổ tích và loại ra ngoài đối tượng nghiên cứu của đề tài.

Tiến hành khảo sát phân loại truyện, chúng tôi đặc biệt băn khoăn khi tiếp xúc với các văn bản: Sự tích dòng sông Dakrông (Tà Ôi), Nuang và Bia Brót (Xơ Đăng). Ở các văn bản này, tồn tại sự đan xen của hai cảm hứng thế sự và lịch sử.

Với Sự tích dòng sông Dakrông, không đồng ý với sự phân loại của các tác giả Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Namchúng tôi xếp truyện này vào thể loại truyền thuyết với các lí do sau:

Thứ nhất: truyện được biên soạn theo lời kể của Kôn Pảk – người Tà Ôi, xã Tà Rụt, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế. Theo Sổ tay về các dân tộc ở Việt Nam, tộc người này gồm ba nhóm Pa Cô, Ba Hi, Ca Tua. “Nhóm Pa Cô còn có tên gọi là Tôi Ôi hay Ta Hoi [...], đại bộ phận cư trú ở những vùng núi cao thuộc tỉnh Quảng Trị cũ và khu vực xung quanh thung lũng A Lưới (Bình Trị Thiên). Nhóm Ba Hi cư trú ở xã Hồng Tiến, Hồng Thượng thuộc huyện A Lưới [...] và xã Tà Long huyện Hướng Hóa [...]. Nhóm Ba Hi hiện đang có xu thế hòa vào người Bru - Vân Kiều ở kề cạnh. Còn nhóm Ca Tua với những tên gọi khác nhau [...] trước đây thường cư trú ở dọc biên giới Việt – Lào, từ sau 1971, phần lớn đồng bào đã định cư ở thung lũng A Lưới” [75, tr.129]. Có thể nói, A Lưới là trung tâm cư trú của tộc người Tà Ôi, nơi có con sông Dakrông chảy qua. Điều đó chứng minh rằng: con sông này không chỉ lớn trong truyện Sự tích dòng sông Dakrông mà nó còn lớn trên thực tế và là một dòng sông có thật chứ không chỉ là phương tiện để thần Phăngtơrô cứu giúp người hiền. Mặt khác chúng tôi nhận thấy con sôngDakrông hiện diện như một dấu sao trên bản đồ trong các cuộc thiên di của nhóm Pa Cô – nhóm chiếm hơn một nửa lượng người của dân tộc Tà Ôi. Trong Từ những truyền thuyết Pakoh, bàn về nhóm truyền thuyết di dân bằng quá trình điền dã tác giả Hồ Quốc Hùng đã dẫn giải ba truyện trong đó có hai truyện trong khi bị truy đuổi “Họ kéo nhau theo dòng sông Dakrông ngược lên núi”, “Đoàn người bèn theo sông Dakrông chạy mãi lên nguồn” [27, tr.80-83]. Phải chăng ở đây kí ức lịch sử được khúc xạ qua truyện?

Thứ hai: chúng tôi còn nhận thấy ở đây xuất hiện motif từ một hợp thể (cùng một dân tộc) chia ra từng nhóm nhỏ (phôi thai của tộc người mới) sau một sự kiện mang dáng dấp cộng đồng. Nói cách khác, nó mang ý niệm cộng đồng gắn với niềm tin: Tà Ôi, Pa Kô, Bru -

42

Vân Kiều,...là anh em một nhà. Chúng tôi cho rằng cảm hứng này thuộc cảm hứng về bi kịch của nhân loại trong sự tan vỡ gia đình lớn cùng huyết tộc.

Với Nuang và Bia Brót, trong truyện ngoài chủ đề đấu tranh giai cấp chàng Nuang mồ côi - già Inh giàu có thích bắt con gái đẹp về làm vợ, chúng tôi nhận thấy hai vấn đề đáng lưu ý sau:

Thứ nhất: đó là ý niệm cây cùng cội khác cành mà vì một lí do bất khả kháng dẫn đến cuộc li tán hình thành nên tộc người mới của dân tộc Xơ Đăng. Ý niệm xuất hiện như một motif khá phổ biến trong cả thần thoại, truyền thuyết và được lắp ghép vào cuối câu truyện nhưng lại phản ánh một qui luật biện chứng lịch sử. Các cuộc hành trình đi tìm đất sống sẽ bắt đầu khi số lượng thành viên tộc người tăng lên.

Thứ hai: đó là dấu tích của tín ngưỡng thờ hổ. Hiện nay, trong các tài liệu dân tộc học vấn đề này dường như còn vắng bóng. Phải chăng, đây là một yếu tố văn hóa được tiếp biến từ các tộc người kế cận địa bàn sinh tụ hay là ước mơ của cư dân mới trong buổi khẩn hoang đang được phủ lên một màu sắc tôn giáo? Ngoài ra, truyện còn phản ánh phong tục ăn trâu huê (ca pô) của người Xơ Đăng “cả làng ăn trâu nhân dịp chiến thắng kẻ thù [...]. Từng gia đình ăn trâu để khoe giàu, mong mọi người trọng vọng, để thần linh phù hộ sức khỏe và phong đăng” [72, tr.703].

Từ tính chất đa diện của truyện, khi bóc tách các lớp văn hóa lịch sử sẽ tìm thấy những lớp ý nghĩa còn ẩn lấp trong truyện. Đánh giá truyện chỉ dựa vào một chủ đề mà bỏ qua cái trục còn lại để vận hành cốt truyện, điều đó đồng nghĩa với việc người nghiên cứu đã bỏ qua bao lớp nghĩa sâu xa được tích tụ hàng thế kỉ với các thăng trầm lịch sử. Nó không chỉ là cái kết có hậu cho người em út hay người con côi mà còn là cái nhìn về sự li tán của nhân dân được khúc xạ qua những truyền thuyết này.

Thực hiện đề tài, chúng tôi đã khảo sát 668 truyện của các tộc người thiểu số trong đó thần thoại có 298 truyện và truyền thuyết có 370 truyện (tính cả dị bản). Motif li tán xuất hiện ở thần thoại và truyền thuyết của 29/53 tộc người thiểu số.

Chúng tôi thống kê, phân loại được 45 truyện (tính cả dị bản) có chứa motif li tán (Bảng phụ lục 1A). Motif này chiếm tỉ lệ 6,74% (45/668 truyện) trong kho tàng thần thoại và truyền thuyết các tộc người thiểu số mà chúng tôi đã khảo sát. Trong đó, thần thoại gồm 16 truyện (16/668 truyện) chiếm tỉ lệ 2,40%, truyền thuyết gồm 29 truyện (29/668 truyện) chiếm tỉ lệ 4,34%.

43

2.3. Các dạng thức của motif li tán trong thần thoại và truyền thuyết của các tộc người thiểu số ở Việt Nam

Một phần của tài liệu motif li tán trong thần thoại và truyền thuyết của các tộc người thiểu số ở việt nam (Trang 41 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)