7. Kết cấu của luận văn
2.1.1. Chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý hoạt động xây dựng
Cục Quản lý hoạt động xây dựng là tổ chức thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật đối với lĩnh vực hoạt động xây dựng gồm: lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; cấp giấy phép xây dựng; khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng; quản lý năng lực hoạt động xây dựng.Cục Quản lý hoạt động xây dựng có tư cách pháp nhân, có con dấu để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Theo Quyết định số 1001/QĐ-BXD ngày 09/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã thành lập Cục Quản lý hoạt động xây dựng trên cơ sở tổ chức lại Vụ Quản lý hoạt động xây dựng. Năm 2017, tại Quyết định số 1001/QĐ-BXD đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Quản lý hoạt động xây dựngnhư sau:
(1) Xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng; về khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công và nghiệm thu xây dựng; về cấp giấy phép xây dựng; về quản lý điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, năng lực hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân.
(2) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình; tham gia thẩm định các dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
(3) Hướng dẫn, kiểm tra công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công; chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công theo phân cấp và theo quy định của pháp luật; phối hợp thực hiện việc thẩm định, thẩm tra dự toán các công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định đầu tư.
(4) Theo dõi, kiểm tra, đánh giá tổng thể hoạt động đầu tư xây dựng theo thẩm quyền quản lý của Bộ; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia theo quy định của pháp luật; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chủ đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia được Bộ trưởng phân công. Thực hiện nhiệm vụ Thường trực các Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo nhà nước các dự án đầu tư xây dựng quan trọng, các công trình trọng điểm quốc gia.
(5) Xây dựng để trình Bộ ban hành theo thẩm quyền mẫu giấy phép xây dựng; hướng dẫn việc cấp, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng theo giấy phép xây dựng; nghiên cứu, đề xuất để trình Bộ có văn bản đình chỉ xây dựng hoặc đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo đình chỉ xây dựng và xử lý vi phạm hoặc thu hồi giấy phép xây dựng khi phát hiện việc cấp giấy phép không đúng theo quy định hoặc công trình xây dựng vi phạm các quy định về quản lỷ trật tự xây dựng theo giấy phép xây dựng; tham mưu để Bộ cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt.
(6) Hướng dẫn, kiểm tra công tác lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng theo quy định củạ Luật Xây dựng và pháp luật về đấu thầu; hướng dẫn việc đánh giá kết quả thực hiện của nhà thầu theo quy định của pháp luật.
(7) Hướng dẫn việc thực hiện quy chế thuê tư vấn nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động
xây dựng cho các nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam; tiếp nhận và thẩm tra hồ sơ để quyết định cấp, thu hồi giấy phép hoạt động cho nhà thầu nước ngoài là tổ chức nhận thầu các gói thầu thuộc dự án nhóm A và các gói thầu khác thuộc địa bàn từ hai tỉnh trở lên.
(8) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện năng lực hành nghề xây dựng của cá nhân và điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức tham gia trong các hoạt động xây dựng. Chủ trì tổ chức sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề cho cá nhân và chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho các tổ chức theo quy định của pháp luật.
(9) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng để trình Bộ ban hành chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về các hoạt động xây dựng, quy định về việc sát hạch để cấp các loại chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, quy định mẫu chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra việc cấp và quản lý các loại chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.
(10) Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu, cập nhật đăng tải và cung cấp thông tin về năng lực của các tổ chức, cá nhân hành nghề xây dựng, các nhà thầu hoạt động xây dựng trên phạm vi cả nước, bao gồm cả các nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam.
(11) Tổ chức điều hành các diễn đàn, sự kiện, các hội nghị, hội thảo khoa học cấp quốc gia, quốc tế, các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực quản lý và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực hoạt động xây dựng.
(12) Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách khác, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.
(13) Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước được phân bổ, thực hiện quản lý các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.
(14) Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng được quyền:
- Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và các địa phương cung cấp những số liệu, tài liệu cần thiết phục vụ cho việc thực hiện các lĩnh vực công tác của Cục.
- Ký một số văn bản hành chính, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ nhân danh Cục trưởng và sử dụng con dấu của Cục theo quy định pháp luật.
- Được Bộ trưởng uỷ quyền ký một số văn bản về các lĩnh vực công tác của Cục theo quy định tại Quy chế làm việc của cơ quan Bộ Xây dựng.
(15) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao.