a. Các chính sách quản lý nhân sự
Bao gồm các khía cạnh từ tuyển mộ, tuyển chọn, bố trí nhân lực, đánh giá thực hiện công việc, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, an toàn vệ sinh lao động có ảnh hưởng lớn tới động lực lao động. Các chính sách quản lý nhân sự đúng đắn và hợp lý không những giúp người quản lý điều hành doanh nghiệp một cách có hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức mà còn đảm bảo quyền lợi cũng như mong đợi của người lao động từ đó ảnh hưởng đến động lực làm vệc của người lao động. Nếu người lao động làm việc trong môi trường an toàn, trả lương tương xứng với kết quả thực hiện công việc có cơ hội thăng tiến và học tập được đối xử công bằng được tạo điều kiện để phát huy năng lực sở trường…họ sẽ gắn bó với công ty, nỗ lực đóng góp hết mình cho công ty. Ngược lại, nếu chính sách quản lý nhân sự không hợp lý hoặc không được thực hiện tốt mà không có sửa đổi về lâu dài người lao động sẽ cảm thấy bất mãn, giảm động lực lao động thậm chí rời bỏ doanh nghiệp để tìm những nơi làm việc tốt hơn. Do đó để tạo động lực cho người lao động cần phải xây dựng chính sách quản lý nhân sự khoa học rõ ràng và hợp lý.
b. Phong cách lãnh đạo
Phong cách lãnh đạo cũng ảnh hưởng tới hành vi và động lực của người lao động. Người lãnh đạo giỏi là người trung hòa được lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, tạo ra sự nể phục đối với nhân viên, khiến họ gắn bó và làm việc có hiệu quả. Đồng thời người lãnh đạo có thái độ cởi mở, quan tâm đến nhân viên của mình thì sẽ tạo ra sự tin tưởng, sự đồng thuận nhất trí của nhân viên, như vậy sẽ khiến người lao động hài lòng với công việc, phát huy tính tập thể cũng như sáng tạo của mỗi cá nhân.
c. Văn hóa của công ty
Văn hóa công ty là tổng hợp các yếu tố, mục tiêu, nhiệm vụ, thói quen, tập tục quan niệm về giá trị, về tiêu chuẩn hành vi được hình thành trong tổ chức và được chia sẻ bởi mọi người trong tổ chức. Văn hóa tổ chức đóng vai trò quan trọng như một thứ động lực để khuyến khích. Bản sắc văn hóa riêng sẽ trở thành chất kết dính giữa thành viên và tổ chức, tạo niềm tin và tăng cường mức độ trung thành. Bởi vậy, tổ chức nên tạo mọi điều kiện để nhân viên có được càng nhiều mối liên quan với các hoạt động của mình càng tốt. Văn hoá doanh nghiệp tích cực tạo môi trường truyền thông lành
mạnh. Trong đó, các thành viên tận tụy và trung thành với doanh nghiệp, thân thiện và tin cậy
lẫn nhau. Môi trường này được nuôi dưỡng bằng tinh thần cởi mở, hỗ trợ nhau, luôn thách thức và thưởng phạt phân minh.
d. Điều kiện làm việc
Tại mỗi doanh nghiệp khác nhau có điều kiện làm việc khác nhau, ảnh hưởng đến tâm lý làm việc cũng như kết quả công việc của người lao động, và nó tác động theo nhiều khía cạch khác nhau:
+ Điều kiện thẩm mỹ: là việc bố trí, trang trí không gian làm việc trong tổ chức, từ khuôn viên bên ngoài cho đến bố trí các phòng làm việc trong từng phòng ban, nó tác động tới sự hứng thú, tâm lý làm việc của người lao động, kích thích sự sáng tạo để phát minh ra các ý tưởng mới.
+ Điều kiện vật lý: bao gồm các điều kiện về ánh sáng, độ ẩm, không khí, âm thanh, tiếng ồn, bụi…
+ Điều kiện về chế độ làm việc, nghỉ ngơi: chế độ làm việc nghỉ ngơi hợp lý sẽ đảm bảo sức khỏe cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi để tái sản xuất sức lao động, tránh được các bệnh tật, các tai nạn lao động.