Mô hình nhận thức hành vi nghiện Internet của Davis

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA NHẬN THỨC VỀ HỖ TRỢ XÃ HỘI đến NGHIỆN INTERNET ở SINH VIÊN VAI TRÒ CỦA TRÍ TUỆ CẢM XÚC (Trang 26 - 27)

Mô hình nhận thức hành vi nghiện Internet được phát triển bởi Davis (2001). Trong khi các nghiên cứu trước đó về nghiện Internet đã mô tả các yếu tố hành vi, mô hình của Davis tập trung vào các nhận thức liên quan đến nghiện Internet.

Mô hình này chia hành vi nghiện Internet thành hai loại: nghiện Internet cá biệt (specific PIU) và nghiện Internet tổng quát (generalized PIU). Người nghiện Internet cá biệt phụ thuộc vào một chức năng cụ thể của Internet. Biểu hiện của hình thức nghiện này là sự mất kiểm soát trong việc tham gia vào các loại dịch vụ trực tuyến như dịch vụ đấu giá trực tuyến, giao dịch chứng khoán trực tuyến và cờ bạc trực tuyến. Mặt khác, nghiện Internet tổng quát là lạm dụng Internet nói chung, biểu hiện ở việc lãng phí thời gian sử dụng mà không có mục tiêu rõ ràng. Nghiện Internet tổng quát thường liên quan đến mạng xã hội, điều này được cho là có liên quan đến khía cạnh xã hội của Internet.

Nguyên nhân và ý nghĩa của mối quan hệ giữa nghiện Internet và xã hội cũng được thể hiện trong Hình 2.1.

Hình 2.1: Mô hình nhận thức hành vi nghiện Internet

Mô hình này nhấn mạnh vai trò của sự nhận thức về nghiện Internet và mô tả các quá trình hình thành phát triển hành vi này. Từ mô hình có thể thấy nghiện Internet là hệ quả của nhận thức sai trái và thiếu hụt hỗ trợ xã hội. Theo lý thuyết nhận thức hành vi nghiện Internet, phần nhận thức (hoặc cảm nhận) của cá nhân là nguồn gốc của mọi hành vi bất thường. Đây cũng là điểm khác biệt của lý thuyết này so với các nghiên cứu trước đó, tập trung vào hành vi (Young, 1996) và tác hại của nghiện Internet trong cuộc sống hàng ngày (Davis và cộng sự, 1999).

Cùng với sự phát triển của công nghệ, mô hình nhận thức hành vi nghiện Internet của Davis (2001) được áp dụng trong nhiều bài nghiên cứu liên quan đến nghiện Internet. Các kết quả cho thấy việc áp dụng mô hình này giải thích được tác động của yếu tố xã hội đến nghiện Internet. Cụ thể, Caplan (2002) đã áp dụng mô hình nhận thức hành vi nghiện Internet để phát triển thang đo nghiện Internet tổng quát. Nghiên cứu được thực hiện trên 386 sinh viên ở Mỹ cho kết quả nhận thức về hỗ trợ xã hội có tác động ngược chiều đến nghiện Internet tổng quát. Davis và cộng sự (2002) đã xây dựng thang đo nhận thức hành vi trực tuyến từ việc khai thác một khía cạnh của hành vi nghiện Internet trong mô hình năm 2001. Trong thang đo mới này, yếu tố xã hội vẫn được giữ nguyên và được kết luận có tương quan với hành vi trực tuyến. Tương tự, Douglas và cộng sự (2011) phát triển thang đo nghiện trò chơi điện tử dựa trên mô hình của Davis (2001) để đo lường mức độ nghiện trò chơi điện tử ở học sinh lớp 3 tại Singapore. Nghiên cứu này được thực hiện định kỳ trong 2 năm và cũng đưa ra kết luận mối tương quan ngược chiều giữa hỗ trợ xã hội và nghiện trò chơi điện tử.

Nhận thấy nhân tố nhận thức về hỗ trợ xã hội có ý nghĩa quan trọng trong mô hình của Davis, nhóm nghiên cứu quyết định tìm hiểu tác động của nhân tố này đến nghiện Internet. Bên cạnh đó, bài nghiên cứu của nhóm bước đầu nhìn nhận nghiện Internet dưới góc độ biến phụ thuộc, nên tạm thời không đề cập đến sự phân loại nghiện Internet (nghiện Internet cá biệt và nghiện Internet tổng quát).

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA NHẬN THỨC VỀ HỖ TRỢ XÃ HỘI đến NGHIỆN INTERNET ở SINH VIÊN VAI TRÒ CỦA TRÍ TUỆ CẢM XÚC (Trang 26 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)