Luận bàn kết quả nghiên cứu

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA NHẬN THỨC VỀ HỖ TRỢ XÃ HỘI đến NGHIỆN INTERNET ở SINH VIÊN VAI TRÒ CỦA TRÍ TUỆ CẢM XÚC (Trang 93 - 96)

Internet ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích mà Internet đem lại, cũng có không ít những tác hại của nó ảnh hưởng tới cuộc sống con người, đặc biệt là nghiện Internet. Theo thống kê, Việt Nam là một trong các quốc gia có nhiều người sử dụng Internet nhất (Internet World Stats, 2020), tốc độ phổ cập Internet cũng nhanh chóng (World Bank, 2016). Cũng như các nước phát triển, Việt Nam không thể tránh khỏi được các ảnh hưởng của Internet mà người dùng, đặc biệt là các bạn trẻ, sinh viên còn có nguy cơ hứng chịu những tác động tiêu cực hơn của nó nếu như không sử dụng đúng cách. Những năm gần đây đã có một số công trình nghiên cứu trong nước tìm hiểu về nghiện Internet nhưng chỉ dừng ở việc nêu ra các tác hại của nó. Số lượng các nghiên cứu về căn nguyên ban đầu, các nhân tố tác động đến nghiện Internet ở Việt Nam còn hạn chế.

Bên cạnh đó, hỗ trợ xã hội thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, có vai trò to lớn trong cuộc sống của chúng ta nhưng những nghiên cứu liên quan đến nhận thức về hỗ trợ xã hội cũng không nhiều. Trí tuệ cảm xúc cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu trong nước quan tâm nhưng cũng chỉ thể hiện vai trò trung gian, điều tiết hay những tác động đến các hành vi khác mà chưa được tìm hiểu sâu trong các đề tài liên quan đến nghiện Internet. Từ những vấn đề trên, việc nhóm nghiên cứu tìm hiểu tác động của nhận thức về hỗ trợ xã hội đến nghiện Internet ở sinh viên, vai trò của trí tuệ cảm xúc là hoàn toàn phù hợp và cần thiết đối, đặc biệt là Việt Nam hiện nay.

Việc tổng hợp, tìm hiểu các nghiên cứu trước đây về các mối quan hệ giữa nhận thức về hỗ trợ xã hội, nghiện Internet và trí tuệ cảm xúc kết hợp với việc sử dụng mô hình tuyến tính SEM đã giúp nhóm nghiên cứu thể hiện rõ ràng hơn, đem lại cái nhìn tổng quan về các mối liên hệ này. Từ đó có thể giải đáp được những câu hỏi nghiên cứu đã đặt ra, cụ thể như sau:

Thứ nhất, áp dụng các nghiên cứu trước đây vào thực tiễn Việt Nam, cùng với việc chăm chú cho phần dịch thuật, nhóm nghiên cứu đã đưa ra được các câu hỏi thang đo nhận thức về hỗ trợ xã hội, trí tuệ cảm xúc và nghiện Internet. Thang đo đảm bảo

độ tin cậy, các thành phần câu hỏi đều có tương quan so với biến tổng tốt. Các nhân tố, thành phần của nghiện Internet, nhận thức về hỗ trợ xã hội hay trí tuệ cảm xúc đều đầy đủ và được thể hiện rõ ràng. Như vậy thang đo nhóm nghiên cứu lựa chọn là hoàn toàn thích hợp.

Thứ hai, nhận thức về hỗ trợ xã hội có tác động ngược chiều với nghiện Internet. Khi nhận thức về hỗ trợ xã hội tăng 1 đơn vị thì nghiện Internet giảm 0,256 đơn vị. Những người nhận thức về hỗ trợ xã hội tốt có xu hướng nghiện Internet ít hơn. Có thể nói kết quả này tương tự những kết luận trước đây như: có mối quan hệ ngược chiều giữa nhận thức về hỗ trợ xã hội và các rắc rối khi sử dụng Internet (Ersun và cộng sự, 2012), có tác động đáng kể giữa nhận thức về hỗ trợ xã hội đến nghiện Internet (Wang và cộng sự, 2020; Gunuc và Dogan, 2013)… Kết quả này cũng tổng quan hơn một số các nghiên cứu trước kia về nghiện Internet, cụ thể: Esen và cộng sự (2010) chỉ tìm ra được tác động của nhận thức về hỗ trợ xã hội từ gia đình, Cevik và Yildiz (2017) lại chỉ thấy được tác động của nhận thức về hỗ trợ xã hội từ người đặc biệt. Như vậy, một trong những phương pháp làm hạn chế nghiện Internet là gia tăng nhận thức về hỗ trợ xã hội. Trong đó phải kể đến vai trò của gia đình, bạn bè và người đặc biệt. Đây là những người thực sự thân thiết, sự giúp đỡ của họ mang đến những ảnh hưởng tích cực về mọi mặt, bao gồm cải thiện tình hình nghiện Internet. Kết quả nghiên cứu cho thấy vai trò quan trọng của người đặc biệt trong ảnh hưởng tới nhận thức về hỗ trợ xã hội, họ là những người thân thiết và sẵn sang chia sẻ, giúp đỡ sinh viên.

Thứ ba, nhận thức về hỗ trợ xã hội có tác động cùng chiều đến trí tuệ cảm xúc. Cụ thể, khi nhận thức về hỗ trợ xã hội tăng 1 đơn vị thì trí tuệ cảm xúc tăng 0,604 đơn vị. Kết luận này cũng tương tự với các nghiên cứu trước đó của Gallagher và Vella-Brodrick (2008), Kwako và cộng sự (2011) cho rằng trí tuệ cảm xúc và nhận thức về hỗ trợ xã hội có mối tương quan đáng kể; người có khả năng nhận biết cảm xúc, hiểu và quản lý cảm xúc tốt hơn nhận thức được sự hỗ trợ xã hội nhiều hơn (Fabio và Kenny, 2012); hay trí tuệ cảm xúc được cải thiện thể hiện sự hiệu quả của việc hỗ trợ xã hội Wang và Zhang

(2020). Tăng nhận thức về hỗ trợ xã hội không chỉ làm giảm nghiện Internet mà còn góp phần nâng cao trí tuệ cảm xúc. Có thể nói, trí tuệ cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một tinh thần khỏe mạnh. Do vậy, việc gia tăng, bồi dưỡng trí tuệ cảm xúc là cần thiết mà hỗ trợ xã hội sẽ là một phương pháp dễ dàng và hiệu quả.

Thứ tư, trí tuệ cảm xúc tác động ngược chiều đến nghiện Internet. Mỗi một đơn vị trí tuệ cảm xúc tăng lên thì nghiện Internet giảm 0,428 đơn vị. Kết luận này cũng góp phần củng cố các nhận định trước đó: trí tuệ cảm xúc thấp là yếu tố dự báo khá quan trọng liên quan đến nghiện trong đó có nghiện Interent (Parker và cộng sự, 2008), trí tuệ cảm xúc là yếu tố dự báo có ý nghĩa đối với nghiện Internet (Khoshakhlagh và Faramarzi, 2012), trí tuệ cảm xúc tác động đáng kể đến nghiện Internet (Wang và cộng sự, 2020). Bên cạnh nhận thức về hỗ trợ xã hội, trí tuệ cảm xúc cũng là một nhân tố hạn chế nghiện Internet. Cụ thể, trong các thành phần của trí tuệ cảm xúc thì khả năng điều tiết cảm xúc có tác động lớn nhất. Một số sinh viên được phỏng vấn trong phỏng vấn sâu lần 2 cũng chia sẻ khi họ cảm thấy vướng mắc, bức bối, khó chịu hay nóng nảy về một vấn đề gặp phải, họ sẽ tìm đến Internet để giải tỏa. SV số 3 cũng cho rằng, nếu như có thể xử lí những vướng mắc, hay nhanh chóng lấy lại được bình tĩnh sẽ giảm bớt thời gian truy cập Internet không có mục đích. Bên cạnh khả năng tự điều tiết cảm xúc, những nhân tố khác của trí tuệ cảm xúc cũng thể hiện được vai trò của mình trong việc giảm nghiện Internet.

Thứ năm, có sự khác biệt về trung bình nghiện Internet theo một số đặc điểm của sinh viên. Sinh viên đi làm thêm có trung bình nghiện Internet thấp hơn sinh viên không đi làm thêm. Nhóm sinh viên này sẽ có ít thời gian rảnh rỗi để truy cập Internet, thay vào đó họ tiếp xúc với nhiều người, nhận thức được hỗ trợ xã hội tốt hơn và có khả năng điều tiết hoặc cảm nhận cảm xúc cũng tốt hơn. Bên cạnh đó, sinh viên có kinh nghiệm sử dụng Internet từ 3 đến 5 năm có trung bình nghiện Internet cao hơn các sinh viên có nhiều kinh nghiệm sử dụng, cụ thể là từ 7 năm trở lên. Kết quả cũng chỉ ra nhóm sinh viên ở trọ có trung bình nghiện Internet thấp hơn nhóm sinh viên ở KTX. Những kết luận trên có nét tương đồng so với những nghiên cứu trước đó của một số tác giả như Johansson và Gotestam (2004); Muller và cộng sự (2016); Tran và cộng sự (2017).

Thứ sáu, có sự khác biệt trong nhận thức về hỗ trợ xã hội theo mức độ các mối quan hệ của sinh viên. Sinh viên khá gắn kết và rất gắn kết với gia đình có trung bình nhận thức về hỗ trợ xã hội cao hơn so với các nhóm còn lại. Trong mối quan hệ với thầy cô, sinh viên khá gắn kết và rất gắn kết có nhận thức về hỗ trợ xã hội cao nhất, tiếp theo là nhóm sinh viên gắn kết bình thường, cuối cùng là nhóm sinh viên ít gắn kết và rất ít gắn kết. Có sự khác biệt rõ ràng trong nhận thức về hỗ trợ xã hội theo mức độ gắn kết trong mối quan hệ ngoài trường học, sinh viên từ rất gắn kết đến rất ít gắn kết có trung bình nhận thức về hỗ trợ xã hội giảm dần. Nhìn chung những sinh viên có sự gắn kết trong các mối quan hệ sẽ có nhận thức về hỗ trợ xã hội tốt hơn.

Cuối cùng, không tìm thấy sự khác biệt về trí tuệ cảm xúc theo các đặc điểm cá nhân của sinh viên. Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra được sự khác biệt trí tuệ cảm xúc theo giới tính nhưng lại đưa ra những kết luận khác nhau: nam giới có trí tuệ cảm xúc cao hơn so với nữ giới (Ahmad và cộng sự, 2009), nữ có trí tuệ cảm xúc cao hơn so với nam (Pooja và Kumar, 2016), có sự khác biệt về trí tuệ cảm xúc giữa sinh viên năm hai và sinh viên năm bốn (Trần Thị Thu Mai, 2013)… Hiện nay sinh viên thường gắn bó, gần gũi với nhau, sống với nhau bằng tình cảm, cũng có nhiều phương tiện để chia sẻ cảm xúc với nhau hơn, do vậy trí tuệ cảm xúc cũng có sự tương đồng.

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA NHẬN THỨC VỀ HỖ TRỢ XÃ HỘI đến NGHIỆN INTERNET ở SINH VIÊN VAI TRÒ CỦA TRÍ TUỆ CẢM XÚC (Trang 93 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)