Đối với nhà trường và xã hội

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA NHẬN THỨC VỀ HỖ TRỢ XÃ HỘI đến NGHIỆN INTERNET ở SINH VIÊN VAI TRÒ CỦA TRÍ TUỆ CẢM XÚC (Trang 102 - 104)

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, mức độ gắn kết giữa thầy cô và sinh viên có giá trị trung bình thấp nhất trong các nhóm quan hệ của sinh viên. Vì vậy, cần có những cách thức để gắn kết mối quan hệ giữa sinh viên và thầy cô. Những cách thức này cần được thực hiện từ cả hai phía, vì sự chủ động quan tâm của thầy cô sẽ khuyến khích sinh viên mạnh dạn trao đổi, chia sẻ và bày tỏ với thầy cô.

Thứ nhất, thầy cô có thể chủ động chia sẻ một chút về bản thân như đôi nét về

tiểu sử, sở thích, vấn đề quan tâm và vấn đề thời sự. Như SV số 2 bộc bạch “Một giảng viên có vẻ dễ gần hơn khi họ chia sẻ các thông tin về chính mình, ngược lại với những người không hề chia sẻ một chút thông tin gì về họ”. Sự thân thiện của thầy cô có thể khiến sinh viên cảm thấy gần gũi hơn và có thể kết nối, chia sẻ với thầy cô.

Thứ hai, nhà trường nên tổ chức thêm các hoạt động ngoại khóa nhằm kết nối

và củng cố mối quan hệ giữa giảng viên, đặc biệt là cố vấn học tập và sinh viên. Phần lớn thời gian sinh viên đến trường để học tập và tham gia bài giảng của thầy cô. Có thể do yêu cầu về tính chất mô phạm trong môi trường học đường mà mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên ở Việt Nam khá xa cách. SV số 7 bày tỏ nguyện vọng trong

buổi phỏng vấn “Mình thực sự tò mò và cũng muốn thấy được khía cạnh năng động, dễ gần giống chúng mình ở các thầy cô”. Do đó, nhà trường cần có những hoạt động ngoài lề và những buổi đối thoại trực tiếp để gắn kết tình thầy trò, tạo nên sự gắn bó của sinh viên với nhà trường, từ đó gây dựng niềm tin của sinh viên vào nhà trường.

Thứ ba, nhóm nghiên cứu mong muốn thầy cô cố gắng tham gia các hoạt động

ngoại khóa cùng với sinh viên, ví dụ như chương trình văn nghệ hay giải đấu thể thao.

Thể hiện sự quan tâm, thích thú đến các hoạt động ngoại khóa là rất quan trọng để sinh viên cảm thấy thầy cô quan tâm tới mọi khía cạnh đời sống của họ. SV số 10 đã bày tỏ sự xúc động khi chứng kiến thầy cố vấn đến cổ vũ đội bóng đá của lớp tham gia giải bóng đá của trường, “Sự xuất hiện của thầy giống như một sự khích lệ dành cho đội bóng, giúp chúng tôi thi đấu hăng say hơn và giành chiến thắng trong trận đấu ngày hôm ấy”. Đây cũng là lý do mà trong các chương trình văn nghệ của trường luôn có tiết mục biểu diễn của thầy cô và trong các giải thể thao chắc chắn có những trận đấu giao hữu giữa đội giảng viên và đội sinh viên. Điều này cũng phần nào thể hiện sự dõi theo và sát cánh của thầy cô với sinh viên trong các hoạt động.

Thứ tư,nếu có thể, thầy cô hãy dành chút thời gian sẵn sàng lắng nghe khi sinh viên đang tìm kiếm một chỗ dựa tinh thần. Dù là sinh viên cũ hay sinh viên hiện tại, nếu chia sẻ hoặc tâm sự với thầy cô, chứng tỏ các bạn thực sự tin tưởng, quý mến và kính trọng thầy cô. SV số 14 giải thích “Phần lớn sinh viên đều gặp khủng hoảng tuổi 20. Một số có thể đang đấu tranh với sự chán nản, thất vọng, số khác thì lo lắng về tương lai, trong khi một số khác cần ai đó để tư vấn về các vấn đề của tuổi quá độ sang trưởng thành mà không bị soi xét, đánh giá”. Bằng cách này, thầy cô sẽ tạo được một mối liên hệ và sự kết nối thực sự với sinh viên. Nếu một giảng viên chịu khó đầu tư thời gian, công sức vào cuộc sống của sinh viên, có thể dễ dàng biết được hoàn cảnh hoặc tình huống khó khăn của sinh viên. Đó là bởi vì thầy cô có thể nhận ra rằng sinh viên đó cư xử không giống thường ngày, hay bởi sinh viên tin tưởng tâm sự với thầy cô. “Vấn đề của sinh viên sau đó sẽ được giải quyết triệt để thay vì để cho nó ám ảnh và tạo áp lực lên sinh viên”, SV số 11 kể lại trải nghiệm khi được tâm sự với thầy cô.

Thứ năm,nhóm nghiên cứu khuyến nghị nhà trường tổ chức thường xuyên các chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Tuổi sinh viên là “thời khắc bản lề” của cuộc đời, là giai đoạn chuyển giao một con người từ đứa trẻ vô ưu vô lo thành người trưởng thành với nhiều mối lo toan. SV số 3 cảm thấy “giai đoạn sinh viên thật chông chênh và dễ gặp khủng hoảng với hàng loạt câu hỏi như liệu ra trường có tìm được việc? cần lo liệu cuộc sống như thế nào? tương lai rồi sẽ đi về đâu?”. Cho nên nhà trường có thể hỗ trợ sinh viên xác định tốt phương hướng, chuẩn bị cho họ “hành trang” tốt nhất bước vào đời ngoài những kiến thức học thuật. Khi được hỏi về sự cần thiết của những buổi tư vấn hướng nghiệp, SV số 12 cũng cho rằng những sự kiện như thế là “thực sự cần thiết”.

Thứ sáu, nhà trường là nơi mà mỗi học sinh sinh viên được dạy là “ngôi nhà

thứ hai” từ trong sách giáo khoa lớp Một. Vì vậy, nhà trường không chỉ đóng vai trò cung cấp kiến thức mà còn là một điểm tựa tinh thần cho mỗi học sinh sinh viên. Thực tế cũng cho thấy, trường học có ý nghĩa to lớn trong việc mở rộng và gắn kết các mối quan hệ của sinh viên. Không chỉ dừng lại ở đó, trường học có thể hoàn thành vai trò của mình tốt hơn. Ví dụ, trường đại học có thể làm một phiên bản đại học của chương trình “Thiếu niên nói” đang phát trên VTV3 dành cho sinh viên và nhân rộng hoạt động này. Vì tâm tư, suy nghĩ hay lo lắng của sinh viên chắc chắn đa dạng và phong

phú hơn lứa tuổi còn học phổ thông. Từ đó sẽ trao đổi gần gũi giữa cả ba bên là gia đình, nhà trường và sinh viên, tất cả mọi người đều có thể lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các bên. Điều này cũng giúp cho nhà trường có hướng đi phù hợp hơn trong việc tổ chức giáo dục về sau.

Cuối cùng, việc nhận thức được các mối quan hệ của sinh viên không phải mới

chỉ hình thành ở bậc đại học mà nó là một quá trình trưởng thành. Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất đến các trường cấp phổ thông về những chương trình ngoại khóa có nội dung bày tỏ, thú nhận, tâm sự một cách hài hước và dí dỏm như “Thiếu niên nói” để tạo tiền đề cho sự phát triển và gắn bó tin tưởng với phụ huynh và nhà trường ở sinh viên khi còn là trẻ vị thành niên, giúp họ tự tin bước vào chân vào giảng đường đại học với sức khỏe tinh thần thoải mái và minh mẫn nhất.

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA NHẬN THỨC VỀ HỖ TRỢ XÃ HỘI đến NGHIỆN INTERNET ở SINH VIÊN VAI TRÒ CỦA TRÍ TUỆ CẢM XÚC (Trang 102 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)