Tác giả: Nhà thơ CHẾ LAN VIÊN Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU phân tích
Nhà thơ Chế Lan Viên (1920 - 1989) tên thật là Phan Ngọc Hoan, quê ở Cam Lộ, Quảng Trị, nhưng lớn lên ở Bình Định. Chế Lan Viên là một trong những gương mặt chói lọi của phong trào Thơ Mới 1930 - 1945. Giữa những cảnh mộng trong thi ca lúc đó, tiếng gào rú rùng mình của Điêu Tàn đã khiến các nhà thơ giật mình trở lại với thực tại. Trong cái thực tại điêu tàn đó, niềm hi vọng của con người sục sôi đòi tìm một xã hội mới, một chân trời mới để nẩy nở. Sau Cách mạng tháng Tám, Chế Lan Viên hồ hởi với cuộc sống mới bằng những tác phẩm; ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường, Chim báo bão... ông được mệnh danh là nhà thơ - triết gia vì những bài thơ của ông có tính triết lý rất cao. Cảm xúc trong thơ ông được lý trí thanh lọc và trình bày thành những hình tượng thơ ấn tượng.
Bài thơ Tiếng hát con tàu là một bài thơ chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, chính tác giả cũng gửi gắm nhiều tư tưởng cá nhân mình. Mặc dù có hình thức thể hiện đơn giản nhưng đây là một bài thơ rất khó đọc. Hình tượng thơ ca biến đổi rất nhanh. Đó cũng chính là một đặc điểm đặc biệt trong thơ Chế Lan Viên.
Hỏi:
Cách mạng tháng Tám thành công đã đem lại nguồn cảm hứng mới cho hầu hết các nhà thơ mới thời kỳ 1930-1945. Họ từ bỏ cái cá nhân sầu
não, bi lụy và bế tắc để bước đến một xã hội mới tràn ngập niềm vui lao động. Trong xã hội mới ấy, họ đã tìm được những điều mà họ không tìm thấy khi luẩn quẩn trong cái cảm hứng cá nhân lãng mạn của mình. Giai đoạn này xuất hiện những bài thơ ấn tượng về sự "chuyển biến" cảm xúc đó của các nhà thơ. Với Xuân Diệu thì đó là bài Ngói mới, với Huy Cận là bài Đoàn thuyền đánh cá, còn phải chăng đối với Chế Lan Viên chính là bài thơ Tiếng hát con tàu?
Đáp:
Tôi cũng có chung quan điểm như vậy. Chế Lan Viên trước cách mạng là một "ông hoàng" của những thành quách điêu tàn, của những bóng ma vật vờ vô định, của những giá trị đã đổ nát, của những vũ trụ hoang tàn... Là một trong số ít các nhà thơ có tính triết lý rất cao trong thơ ca của mình, hơn ai hết, Chế Lan Viên đã chỉ rõ sự biến đổi cảm xúc của mình, từ đau thương, bế tắc sang rộn ràng sinh động trong tập thơ "ánh sáng và phù sa". Ngay cái tên tập thơ cũng nói đến sự thay đổi đó. Và bài thơ Tiếng hát con tàu là một trong những bài thơ ấn tượng nhất của tập thơ đó.
Hỏi:
Trong thơ ca hiện đại, rất ít có tác phẩm mang một lời đề từ, thậm chí đề từ bằng cả một khổ thơ bốn câu như trong tác phẩm Tiếng hát con tàu... Điều này có giá trị gì đối với bài thơ?
Đáp:
Tây Bắc ư có gì riêng Tây Bắc Khi lòng ta đã hóa những con tàu Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát Tâm hồn ta Tây Bắc chứ còn đâu
Thông thường, lời đề từ trong thơ hiện đại có thể không ăn nhập với tư tưởng của bài thơ mà nó chỉ thể hiện cái ý tâm tư riêng của tác giả. (Khác với thơ xưa nếu có đề từ thì thường vay mượn, trích dẫn một câu thơ, một câu
nói nổi tiếng nào đó của các bậc tiền nhân). Thế nhưng ở đây, Chế Lan Viên ngay lập tức cho thấy, đến cái đề từ cá nhân tác giả cũng sẵn sàng hy sinh để vì cái chung. Điều này nó cũng có sự ảnh hưởng của đời sống xã hội bấy giờ. Khi đó miền Bắc vừa giành lại tự do, toàn dân lao vào công cuộc xây dựng xã hội. Những người dân miền xuôi lên miền Tây Bắc xây dựng kinh tế miền núi. Tất cả đều sẵn sàng lên đường. Nhưng cũng có một vài sự nghi ngại, rụt rè về một tương lai thành công. Chế Lan Viên, qua đề từ của mình, đã chứng minh sự chắc chắn thành công của tương lai đồng thời cũng tạo ra "trường cảm xúc" thuần nhất để phát triển bài thơ. "Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Tâm hồn ta Tây Bắc chứ còn đâu". Tây Bắc không còn ở xa nữa mà ở ngay chính trong tâm hồn chúng ta.
Hỏi:
Chế Lan Viên bắt đầu bài thơ bằng hai khúc thơ đối thoại với những người còn rụt rừ, e ngại, còn không tìm thấy nguồn cảm hứng "bốn bể lên tiếng hát".
Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng Bạn bè xa anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vầng trăng.
Tại sao lại có hình ảnh "tàu đói những vầng trăng" ở đây?
Đáp:
Rõ ràng là lúc đó còn một số văn nghệ sĩ vẫn còn do dự, ngại hòa mình vào cái hiện thực xã hội mới đang sống động tươi ròng ấy. Anh "không đi Tây Bắc" tức là không tham gia vào chuyến tàu tổ quốc, thì chỉ mãi mãi bị "giam hãm" trong tháp ngà cá nhân lạnh lẽo của chính mình. Hiện thực cuộc sống không phải ở những căn phòng khép kín. Hiện thực cuộc sống, vẻ đẹp cuộc sống đang "rú gọi" ở bên ngoài xã hội. Con tàu - tâm hồn khao khát vẻ đẹp mới và nó luôn "đói" những vầng trăng. Ý tưởng của khổ thơ này nhanh chóng được làm rõ trong khổ thơ kế tiếp:
Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia.
Khổ thơ là một lời khẳng định rõ ràng cho những ai còn chần chừ không bước lên con tàu đất nước.
Hỏi:
Nhịp thơ bắt đầu biến đổi rất nhanh. Dường như Chế Lan Viên chỉ cần dành vài lời cho những kẻ "không bước lên tàu". Hiện thực đất nước- hiện thực Tây Bắc còn quá bộn bề, quá sống động để nhà thơ phải miêu tả. Những câu thơ đơn sơ, nhưng hùng tráng tạo dựng một Tây Bắc anh hung.
Trên Tây Bắc! ôi mười năm Tây Bắc Xứ thiêng liêng rừng núi đá anh hùng Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân.
Đáp:
Chế Lan Viên là nhà thơ sáng tạo ra những hình tượng thơ ca rất độc đáo và giàu ý nghĩa. Đa phần, những hình tượng thơ ca của các nhà thơ khác đơn thuần chỉ là sáng tạo cá nhân hoàn toàn, do đó nó không thực lắm. Chế Lan Viên đã tìm thấy ở những quy luật tự nhiên được những chất liệu để sáng tạo hình ảnh thơ ca của mình. Khi đọc hai câu thơ "Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất/ Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân" người đọc đầu tiên liên tưởng ngay đến cái công việc bình thường, tự nhiên của người nông dân trên cánh đồng. Thế nhưng lao động ấy đã được nhà thơ "lấy lại" và khái quát hóa thành hình tượng những người con "gieo giống", "máu" và "tâm hồn" của mình xuống quê hương, xứ sở. Những hạt giống ấy đã cho những mùa chín "dạt dào" đầu xuân.
Cứ sau một khổ thơ đầy những hình ảnh tượng trưng, khổ thơ tiếp sau tác giả sẽ luận giải những hình tượng ấy bằng những ngôn từ giản dị và dễ hiểu hơn. Tây Bắc anh hùng ấy, "Mùa chín" ấy được cụ thể bằng khổ thơ:
Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường
Con đã đi nhưng con cần vượt nữa Cho con về gặp lại mẹ yêu thương
Tại sao cứ sau mỗi một khổ thơ tượng trưng, tác giả lại tiếp tục bởi một khổ thơ giản dị như vậy?
Đáp:
Theo tôi, trình độ cảm nhận thơ ca của đa số nhân dân lúc đó còn chưa được sâu sắc. Những bài thơ do đó cũng cần phải dễ hiểu hơn để phục vụ những đòi hỏi của xã hội. Các nhà thơ đã rất cố gắng làm cho tác phẩm của mình trở nên dễ hiểu, giản dị. Những hình ảnh gần gũi nhất với nhân dân sẽ được sử dụng. Chế Lan Viên đã có một khổ thơ rất gần gũi nhưng cũng giàu hình tượng thơ ca:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ Như cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.
Những phát hiện giản dị như "nai về suối cũ", "cỏ đón giêng hai".. hay "đói lòng gặp sữa" thực sự là một cố gắng tuyệt vời của Chế Lan Viên, một nhà thơ xưa trong Điêu Tàn chỉ quen với những hình tượng thơ ca hùng vĩ, xa lạ... Tất cả những hình ảnh đó để chỉ cái mối gắn bó "hữu cơ" giữa quân với dân, giữa những người nghệ sĩ với cuộc sống mới của đồng bào.
Hỏi:
Nhưng ở ba khổ thơ kế tiếp, giọng thơ có vẻ như rơi vào sự "dễ dãi", điều rất hiếm gặp trong thơ của Chế Lan Viên. Phải chăng dụng ý làm cho nhân dân "dự hiểu", "dễ nhớ" đã khiến cho những câu thơ trở nên "quá đà" như vậy?
Con nhớ anh con, người anh du kích Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con Con nhớ em con, thằng em liên lạc Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ Sáng bản Na, chiều em qua bản Bắc Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư. Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc
Nhớ con đau, mế thức một mùa dài Con với mế không phải hòn máu cắt Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi.
Đáp:
Đúng là đối với một nhà thơ triết lý như Chế Lan Viên thì ba khổ thơ trên dường như không "hợp" lắm với phong cách của ông. Không còn những hình tượng thơ nữa. Thay vào đó là những lời kể, những nỗi nhớ về tình gắn bó keo sơn giữa quân và dân. Những câu thơ quả thật rất giản dị và đó cũng là phong cách thường gặp của đa số các bài thơ kháng chiến lúc bấy giờ.... Thế nhưng, theo tôi, với một người am tường các quy luật của thi ca như Chế Lan Viên thì ông không thể không biết được sự đơn giản của đoạn thơ đó. Với tài hoa của mình, chắc chắn Chế Lan Viên có thể tạo ra nhiều hình tượng "lộng lẫy hơn" với cùng tình cảm, nỗi nhớ thể hiện trong khổ thơ này. Thế tại sao ông không viết khác đi. Rõ ràng sự đơn giản ở đây là có chủ định. Bởi vì
tất cả sự đơn sơ ấy, sự mộc mạc ấy sẽ được nâng lên thành biểu tượng trong khổ thơ kế tiếp tuyệt hay, và có lẽ là hay nhất của bài thơ.
Hỏi:
Nhớ bản sương giăng đèo mây phủ
Nơi nào qua lòng chẳng thấy yêu thương Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!
Đã có không biết bao nhiêu bài bình luận về khổ thơ này và đều nhất trí với nhau rằng đây chính là một trong những khổ thơ "tuyệt diệu" nhất của Chế Lan Viên và cũng là của dòng văn học cách mạng giai đoạn đó có được. Điều gì đó khiến "đất ở... đã hóa tâm hồn"?
Đáp:
Chúng ta trở lại ba khổ thơ trên. Sự mộc mạc, đơn sơ của các câu thơ thể hiện rõ ràng, đầy đủ và chân thật nhất cái cuộc sống quân và dân cùng gắn bó sẻ chia. Cái cuộc sống đầy gian lao nhưng cũng đầy tình người ấy hiện lên mộc mạc và giản dị như bản thân nó vốn thế. Thế nhưng sự giản dị ấy, tình quân dân keo sơn ấy đã tạo nên những giá trị tinh thần của cuộc sống mới. Những giá trị tinh thần đó kết hợp với văn hóa dân tộc để cùng tạo nên tâm hồn của con người hiện đại. Những tinh thần ấy đã được gieo trồng "thấm đất" đã "dạt dào" những "chín trái đầu xuân", đã trải qua bom đạn, đã sáng lên "mười năm qua như ngọn lửa" và đã mười năm Tây Bắc để tạo nên nền tảng tâm hồn bất cứ con người nào trải qua những năm tháng hào hùng ấy.
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn
"Khi ta ở", "Khi ta đi" được ngắt nhịp bằng dấu phẩy như một sự nhấn mạnh, một sự khẳng định rõ ràng không phân vân về sự "đất ở... đã hóa tâm
hồn". Chỉ cần một sự "chuyển hóa" ấy, những câu thơ về nỗi nhớ, về "đất ở" mộc mạc, đơn sơ lập tức trở nên lung linh.
Hỏi:
Trong sự háo hức, sôi động của toàn xã hội, trong tình yêu chung ấy, những tình cảm cá nhân thường bị "đặt" sang một bên. Trong các tác phẩm văn học thời kỳ đó, rất ít khi tìm thấy một tác phẩm đi sâu vào miêu tả tình cảm cá nhân. Nhưng ở đây, một lần nữa Chế Lan Viên cho thấy cái tài "biến hóa" của ông trong thơ ca như thế nào. Giữa tình yêu chung ấy, Chế Lan Viên vẫn biểu hiện được tình cảm cá nhân mình qua những câu thơ rất hay:
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng Như xuân đến chim rừng lông trở biếc Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương
Đáp:
Câu thơ "Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng" đã từng là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận. Tuy nhiên, chúng ta phải nhấn mạnh lại rằng đối với Chế Lan Viên, một thi sĩ ưa triết lý trong thơ ca thì không bao giờ có một hình ảnh so sánh cho đẹp, cho hợp vần. Bao giờ sự so sánh trong thơ ông cũng mang một ẩn ý nào đấy. Loài cây cánh kiến được dùng làm hương liệu, kỹ nghệ hóa chất... tức là nó được dùng để "điểm xuyến" cho một điều gì khác. Đó là mấu chốt của vấn đề. tình yêu của cá nhân điểm xuyến vào tình yêu chung của toàn xã hội. Cái quan hệ giữa tình yêu cá nhân và tình yêu chung ấy là một quan hệ miên viễn, giống như các quy luật tự nhiên vậy: "đông về" thì "nhớ rét", "xuân đến" thì "chim rừng lông trở biếc". Ba câu thơ đầu của khổ thơ này có ý nghĩa như vậy. Câu thơ thứ tư đúc kết lại ý nghĩa vì sao Tây Bắc trở thành "tâm hồn", trở thành "quê hương" đối với mỗi người Việt Nam, khi đó "Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương". Tình yêu ấy chính là tình yêu đất nước, tình yêu "nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương", "nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất"...và cũng là nơi tình cảm riêng tư bùng nở:
Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương
Hỏi:
Tác giả đã dùng từ rất kỹ trong hình ánh bữa xôi "tỏa nhớ mùi hương". Người đọc có cảm giác cái mùi xôi ấy vẫn còn nồng đến tận hôm nay. Trở lại với tứ chính của bài thơ, tiếng "còi tàu" của tâm hồn lại ngân lên giục dã những người còn chần chừ chưa hòa vào hiện thực mới của đất nước:
Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi
Tình em đang mong tình mẹ đang chờ Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội
Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga.
Đáp:
Mỗi "mái ngói đỏ" ấy chính là một "sân ga" mà tâm hồn người nghệ sĩ khao khát được đến, được thấy, được lắng nghe và được hòa vào cuộc sống mới. Dấu hiệu "ngói đỏ" rõ ràng là dấu hiệu của cuộc đời mới, của sự thay đổi, của ấm no và yên ổn. Không chỉ "đất nước" gọi, không chỉ "lòng ta" gọi, không chỉ "tình em" mong, không chỉ "tình mẹ" chờ... mà tất thẩy mọi điều, mọi cảm xúc thiêng liêng, thân thuộc của xứ sở này đang gào gọi tất cả những đứa con và từng đứa con một bước vào xây dựng cuộc sống mới.
Hỏi:
Tiếng "tàu tâm hồn" gào gọi ấy, hầu như đã tạo ra sự sống động, sự náo nức của xã hội. Mỗi người, từ trí thức cho đến người dân bình thường