Tác phẩm: ĐÔI MẮT (Truyện Ngắn)

Một phần của tài liệu Tac gia noi ve tac pham van hoc 12 (Trang 159 - 171)

Tác giả: Nhà văn NAM CAO (đã mất) Nhà thơ TRẦN QUANG HẢI phân tích.

Rất nhiều nhà phê bình, nhà văn và độc giả đã cho rằng Nam Cao và Vũ Trọng Phụng là hai trong số ít các nhà văn ấn tượng nhất, tài năng nhất của nền văn học hiện đại. Dường như trong chúng ta, không ai không biết đến bi kịch của anh Chí Phèo, cũng như mối tình kỳ lạ của Chí Phèo - Thị Nở. Hai nhân vật này đã trở thành các nhân vật trong dân gian. Ngoài ra, với nhiều truyện ngắn đặc sắc, Nam Cao đã trở thành bậc thầy về viết truyện ngắn cho nhiều thế hệ nhà văn trẻ sau này. Truyện ngắn của Nam Cao súc tích, các nhân vật được miêu tả tính cách rất rõ ràng và các nhân vật ấy liên tục được tạo ra những hoàn cảnh đặc biệt để có thể biểu lộ "tuyệt đối" cá tính của mình. Truyện ngắn Đôi Mắt, mặc dù được nhà văn Tô Hoài coi như tuyên ngôn nghệ thuật củ"a các nhà văn thế hệ mình, chưa phải là truyện ngắn tiêu biểu của Nam Cao. Tuy nhiên tác phẩm này cũng cho thấy khả năng phân tích tâm lý nhân vật rất sâu sắc của Nam Cao.

Nhà thơ Trần Quang Hải sinh năm 1961 ở Kim Sơn, Ninh Bình. Là một nhà thơ xuất hiện cuối những năm tám mươi của thế kỷ hai mươi, ông đã mang đến cho thơ ca hiện đại một vẻ đẹp trong suốt. Giáo sư Phạm Vĩnh Cư, người phụ trách trường viết văn Nguyễn Du, và cũng là thầy hướng dẫn của nhà thơ Trần Quang Hải, đã nhận định rằng "Trần Quang Hải là trường hợp thành công nhất trong suốt lịch sử đào tạo của trường viết văn". Qua tập thơ Non trưa, ông đã cho thấy tiếng Việt hiện đại có khả năng chứa đựng những tư tưởng sâu sắc và huyền bí như thế nào.

Hỏi:

Truyện ngắn Đôi mắt được đánh giá là một trong những truyện ngắn đặc sắc không chỉ của riêng nhà văn Nam Cao mà còn đối với cả nền văn học cách mạng thời kỳ đầu tiên. Nhà văn Tô Hoài còn coi truyện ngắn này chính là một tuyên ngôn nghệ thuật cho cả thế hệ nhà văn thời đó... Tại sao tác phẩm này lại có tầm quan trọng đến vậy?

Đáp:

Cách mạng tháng Tám thành công mở ra một thời kỳ lịch sử mới cho dân tộc. Ai cũng có thể cảm nhận được điều ấy, từ người dân cày bình thường cho đến tầng lớp trí thức. Cuốn theo dòng chảy của dân tộc, nhiều tổ thức đã nhận ra con đường đó và một lòng đi theo cách mạng. Điều này thể hiện rất rõ trong sự thay đổi cảm hứng của các nhà thơ mới như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận. Dòng thơ sầu thảm, bế tắc, tuyệt vọng đã được thay thế bằng tiếng ngợi ca hân hoan về cuộc sống mới mà cách mạng đã mang lại cho người dân. Nhưng trong giai đoạn đầu đầy khó khăn của cách mạng, vẫn có những trí thức không có niềm tin vào con đường lịch sử mà cách mạng mang lại. Họ do dự không biết nên chọn cách sống nào, họ lo lắng cho cuộc sống hiện tại của họ bị xáo trộn..

Cuối cùng, bằng sự ích kỷ và tăm tối của mình, họ đã "dửng dưng" với phong trào cách mạng của dân tộc. Tác phẩm này đã lột tả những mâu thuẫn trong tâm lý và những động cơ ích kỷ của một số người như vậy. Những điều đó được che đậy một cách tinh vi bằng vỏ bọc vì "hiểu thời thế" cho nên "không tham dự vào thời thế" của họ. Qua việc phân tích tâm lý và quan niệm của những người trí thức "không tham dự vào thời thế" như vậy, Nam Cao càng làm nổi bật giá trị của những người trí thức đi theo cách mạng ở thời kỳ đầu tiên.

Hỏi:

Ban đầu truyện ngắn này có một cái tên khác. Tác giả đã viết rằng "Mấy ngày nghỉ tết, tôi dùng để viết một truyện ngắn cho đỡ nhớ. truyện Tiên sư

thằng Tào Tháo! Nhưng sau tôi đặt cho nó một cái tên giản dị và đứng đắn: Đôi mắt". Theo ông, tại sao tác giả lại đổi tên truyện ngắn và cái tên "Tiên sư thằng Tào Tháo" không đứng đắn ở điểm nào vì quả thực nếu giữ nguyên cái tên đầu tiên cũng có vẻ như rất hợp với tinh thần của tác phẩm?

Đáp:

Mặc dù là một nhân vật văn học (cũng là nhân vật là lịch sử) của Trung Quốc nhưng hình tượng gian hùng của Tào Tháo đã rất quen thuộc với độc giả Việt Nam. Nhân vật ấy bất chấp nhân nghĩa, bất chấp lợi ích của người khác, làm mọi cách, thậm chí phạm cả tội ác để đạt cho bằng được mục đích của mình. Nhân vật Hoàng trong tác phẩm phảng phất có một nét tính cách giống như thế. Hơn nữa, anh ta cũng rất mê hình tượng Tào Tháo. Cái tên truyện đầu tiên giống như lời chửi của đa số con người hiền lành, chất phác cho sự gian hùng của hình tượng. Nó cũng chính là lời khen "Tiên sư anh Tào Tháo" của Hoàng. Giữa lời chửi và lời khen chỉ khác nhau là "thằng" và "anh". Thế nhưng Nam Cao đã đúng khi đổi tên truyện ngắn này thành Đôi mắt. Thứ nhất, tiêu đề "Đôi mắt" có tầm khái quát rộng hơn nhiều, nó đề cập đến cả một lớp người giống như Hoàng. Lý do thứ hai có lẽ còn quan trọng hơn lý do thứ nhất. Nam Cao viết truyện ngắn này vào đầu năm 1948, khi đó cách mạng còn gặp rất nhiều khó khăn. Truyện ngắn này viết vừa để phê phán những trí thức do dự không đi theo cách mạng nhưng cũng là vừa để thuyết phục họ về con đường đúng đắn mà cách mạng chỉ ra. Chính vì vậy nếu để tên là "Tiên sư thằng Tào Tháo" thì chắc chắn những trí thức còn do dự như Hoàng sẽ bị "tự ái nặng nề" sẽ không đọc, và do đó nhiệm vụ tuyên truyền của tác phẩm sẽ không được hoàn thành. Đây chính là ý nghĩa lớn nhất của việc Nam Cao đổi tên tác phẩm này từ "Tiên sư thằng Tào Tháo" thành một cái tên nhẹ nhàng hơn là "Đôi mắt".

Hỏi:

Tác phẩm bắt đầu bằng những ấn tượng của người kể chuyện về sự dữ tợn của con chó "giống Đức hung hăng" trong nhà Hoàng. Tại sao hình

ảnh con chó được phân tích kỹ lưỡng và được lặp đi lặp lại khá nhiều trong đoạn mở đầu. Điều này có ý nghĩa gì cho toàn bộ câu chuyện?

Đáp:

Chúng ta phải lưu ý rằng truyện ngắn viết đầu năm 1948, tức là chỉ cách nạn đói khủng khiếp đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng đồng bào ta có một hai năm... Ký ức về nạn đói ấy vẫn còn in đậm trong lòng mỗi người. Hơn nữa, chuyện về con chó lại được kể vào thời điểm chính giữa trung tâm nạn đói ấy. Điều đó khiến cho người đọc cảm thấy sự tàn nhẫn, lạnh lùng và vô cảm của nhân vật Hoàng ghê gớm như thế nào. Khi mà "xác người chết đói ngập đường phố" thì cái con chó, mà lại lạ một con chó "ngoại" ấy "chưa phải nhịn bữa nào vì Hoàng vẫn có thể "tìm nổi mỗi ngày vài lạng thịt bò để nó ăn". Hình ảnh quá tương phản, một bên con người không có một hột gạo, một củ sắn, thậm chí một lá rau xanh để ăn nên đã phải chết đói thì một con chó vẫn no nê với những thức ăn thượng hạng như "thịt bò". Chỉ qua vài dòng kể chuyện như vậy, Nam Cao đã xác định tính cách nhân vật Hoàng rất tài tình.

Hỏi:

Sự sung túc, thừa mứa của cải của Hoàng quả rất tương phản so với cuộc sống đói kém, lầm than của đa số người dân lúc bấy giờ. Người ta hiểu ngay rằng Hoàng đã "sẵn sàng" nuôi một con chó như thế trong nhà chứ không dùng số lương thực, số của cải dư thừa của mình để cứu tế cho những người chết đói. Chỉ trong một vài lời kể về con chó, tính cách của nhân vật đã bộc lộ rất nhiều. Thế nhưng tại sao Nam Cao vẫn còn tiếp tục để nhân vật Hoàng vừa "là một nhà văn, nhưng đồng thời cũng là một tay chợ đen rất tài tình"?

Đáp:

Câu văn đó tuy ngắn ngủi nhưng đã bao quát toàn bộ ý tưởng của tác phẩm. Là nhà văn, Hoàng rõ ràng là một trí thức biết phân biệt cái thiện, cái nhân nghĩa với cái ác. Thế nhưng dù biết phân biệt như vậy, Hoàng vẫn dửng dưng nhìn người chết đói đầy đường phố mà không cứu trợ. Nhưng cái sự

dư thừa mà Hoàng có được không phải do nghề văn mà có. Nhiều nhà văn, tài năng hơn Hoàng, có nhiều bản thảo hơn Hoàng nhưng vẫn lâm vào cảnh túng quẫn vì "bản thảo chẳng biết bán cho ai". Sự dư thừa do xuất phát từ nghề "chợ đen" của Hoàng. Tức là từ sự làm ăn không đàng hoàng chính đáng mà có được của cải sung túc đó. Câu văn này đã bóc trần vẻ dửng dưng, lánh đời của nhân vật Hoàng trong đoạn sau. Hoàng làm sao đi theo cách mạng được khi cuộc sống cũ (tức là cuộc sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp) vẫn còn mang lại cuộc sống no đủ cho Hoàng. Mặc dù, tôi nhắc lại, cái lao động "chợ đen" ấy là loại lao động không đàng hoàng, không được những xã hội chân chính chấp nhận. Chính Hoàng cũng hiểu rằng nếu cứ tiếp tục lao động kiểu "chợ đen" thì cuộc sống mới, cái cuộc sống mà cách mạng mang lại sẽ không có chỗ cho những người như Hoàng. Câu văn đó đã rọi suốt tận đáy sâu tâm lý của nhân vật này.

Hỏi:

Tình huống con chó không chết vì đói mà "nó chết có lẽ vì chén phải thịt người ươn hay là hít phải nhiều xú khí. Thảm hại thay cho nó!" như một lời lên án đanh thép vào sự vô đạo, vô nhân của nhân vật Hoàng. Tại sao Nam Cao không chấm dứt hình tượng con chó ở đây mà lại tiếp tục tạo ra hình tượng một con chó khác ở nơi tản cư của gia đình Hoàng?

Đáp:

Có lẽ tác giả muốn người đọc giữ nguyên cảm giác về hình ảnh tàn nhẫn của con chó "giống Đức hung hăng" khi tiếp cận trực tiếp với nhân vật. Hơn nữa, chúng ta phải lưu ý chi tiết này. Gia đình Hoàng đã phải rời bỏ thành phố để đến sống ở vùng tản cư, nơi mà cách mạng đang từng bước tạo ra cuộc sống mới. Thế nhưng dù tìm được sự an toàn trong cuộc sống mới này, tính cách của Hoàng vẫn không thay đổi. Sự ích kỷ và tàn nhẫn vẫn tiếp tục được thể hiện qua hình ảnh con chó...

"Cái gì? Cái gì? Hừm!" Tiếng trầm trầm nhưng lại có vẻ nạt nộ của anh Hoàng hỏi nó". Rõ ràng là nhân vật Hoàng đã hiện ra khá kiểu cách và không thật. Nam Cao đã chú thích đâu đó bằng một dòng giải thích rằng: bao giờ nói với con, anh Hoàng cũng có cái giọng dậm dọa buồn cười ấy. Phải chăng anh ta sống trong một cuộc sống giả tạo?

Đáp:

Sự giả tạo ấy chúng ta sẽ bàn đến sau vì đó chính là cái vỏ, chính là những lý lẽ mà Hoàng "dửng dưng với thời cuộc". Nam Cao tạo cho người đọc cảm nhận một con người kiểu cách, khó coi và có vẻ như quá tự mãn về cuộc sống của mình. "Anh vẫn bước khệnh khạng, thong thả bởi vì người khí to béo quá, vừa bước vừa bơi cánh tai kềnh kệch ra hai bên, những khối thịt ở bên dưới nách kềnh ra và trông tủn ngủn như ngắn quá"... Những từ láy "khệnh khạng", "kềnh kệch", "tủn ngủn" đã vẽ nên chân dung của Hoàng. Cộng với cái ấn tượng tàn nhẫn ban đầu, người đọc lại càng cảm thấy ở nhân vật Hoàng một cái gì hết sức khó chịu, hết sức phản cảm. Cả con người ấy toát lên sự no đủ, sự thừa mứa vật chất nhưng lại tàn nhẫn và ti tiện về tinh thần. Đó chính là cái cảm giác mà độc giả cảm nhận được.

Hỏi:

Trong cái dáng điệu ục ịch, kệch cỡm đó, Nam Cao lại còn tiếp tục miêu tả tính cách nhân vật này sâu hơn nữa. Khi gặp lại người quen cũ - người kể chuyện, Hoàng đã "đứng lại bên trong cổng, một bàn tay múp míp hơi chìa về phía tôi, đầu hơi ngửa về đằng sau, miệng hé mở, bộ điệu như một người ngạc nhiên hay mừng rỡ quá". Phải chăng sự giả dối, không chân thành của Hoàng đã thể hiện rõ trong đoạn văn này?

Đáp:

Thông thường, để tương ứng với cảm xúc "ngạc nhiên hay mừng rỡ quá" khi gặp một người quen, một người thân, người ta phải có những hành động thân mật. Nhưng ở đây chúng ta phải chú ý đến chi tiết Hoàng "đứng lại bên trong cổng" để đón khách, mặc dù người khách ấy có vẻ như gây cho

anh ta cái cảm xúc đột ngột như đã nói ở trên. Sự giả dối, không chân thành thể hiện rõ nhất ở chi tiết này. Hoàng đã giả điệu bộ "sững người ra một lúc" rồi "anh mới lâm li kêu lên" những tiếng kêu "ối giời ơi! Anh! Quý hóa quá!" cũng giả dối như thế. Sự giả dối và không chân thành này càng được khẳng định khi người khách – người kể chuyện khẳng định rằng trước đây Hoàng rất lạnh nhạt với mình. Biểu hiện của Hoàng trong việc đón khách là những biểu hiện thường thấy ở những người giả dối, kiểu cách.

Hỏi:

Người đọc, qua lời người kể chuyện, nhận thấy Hoàng là một mẫu người rất ích kỷ, tàn nhẫn, giả dối và vô nhân nữa. Như vậy trong đoạn này có một điều khó hiểu. Tại sao Nam Cao lại khiến cho người đọc có một cảm giác thật "khủng khiếp" đối với nhân vật Hoàng trước khi đọc vào câu chuyện chính?

Đáp:

Đoạn sau của câu chuyện sẽ làm sáng tỏ điều ấy.

Trong đoạn sau, nhân vật Hoàng, bằng những lý lẽ của mình, đôi khi có vẻ như hợp lý, đã nhận xét về cuộc sống của nhân dân, con đường của cách mạng... Nam Cao muốn chuẩn bị cho người đọc biết rằng tất cả những lý lẽ ấy đều giả dối, đều xuất phát từ sự ích kỷ, tàn nhẫn của cá nhân Hoàng chứ không có một chút sự thật nào hết.. Có lẽ tác giả hiểu rằng trí tuệ của người đọc khi đó còn chưa cao, chưa sâu sắc nên ông đã "phơi trần" triệt để những cái xấu của nhân vật Hoàng trước khi để cho nhân vật ấy nói quan điểm của mình.

Hỏi:

Hồi đó, cuộc sống trong những năm đầu cách mạng còn rất khó khăn. Hơn nữa, ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, những hủ tục cũ vẫn còn, chưa thay đổi được. Những câu chuyện về cách cư xử, về đời sống ở vùng tản cư đôi lúc cũng có những chuyện không hay... Tại sao Hoàng đã dùng ngay

những câu chuyện buồn ấy để kể, để than thở giống như một người rất có đạo đức rất có tình người?

Đáp:

Như tôi đã phân tích, nhân vật Hoàng có cách hóa trang để trở thành người "có đạo đức" rất giỏi. Anh lên án chuyện em trai bắt chị dâu ra "một cái lều ngoài vườn mà đẻ" rồi chuyện anh em xích mích với nhau.... Những chuyện đó đúng là những chuyện buồn. Do đó, khi anh ta tỏ ra "phẫn nộ" với những chuyện đó, anh ta muốn chứng tỏ mình là người nhân nghĩa. Nhưng do điều đó chỉ là giả dối nên tính cách anh ta lập tức lộ ra ở câu sau ngay như một kẻ hợm hĩnh: "Có tiền, thằng nào chẳng ăn chơi? Có mấy người cứ còm cọm làm như trâu, ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc, ở thì chui rúc thế nào cho xong thôi". Cái bản chất con buôn hợm tiền và khinh miệt những người lao động đơn sơ khắc hiện rõ trong câu văn này.

Hỏi:

Mặc dù người vợ có phụ họa theo chồng, nhưng rõ ràng chị ta chỉ là một cái cớ để cho tình tiết câu chuyện trôi chảy thôi. Nhân vật Hoàng, sau một giọng "đạo đức" ngắn ngủi đã trở lại con mắt lạnh lùng của mình? Tại sao anh ta không nhận thấy một sự cố gắng, một cái tốt nào ở cuộc sống nơi tản cư?

Đáp:

Đó chính là cái tứ truyện nằm trong "Đôi mắt". Đôi mắt anh ta tàn nhẫn,

Một phần của tài liệu Tac gia noi ve tac pham van hoc 12 (Trang 159 - 171)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(192 trang)
w