Tiêu chuẩn kỹ thuật là điều kiện bắt buộc để công ty có thể xuất khẩu được hay không. Để công ty có thể dễ dàng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài cũng như đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nước ngoài, công ty cần đẩy mạnh áp dụng nhiều hơn nữa các tiêu chuẩn kỹ thuật trong nuôi trồng, chế biến thủy hải sản.
HACCP được đặt lên hàng đầu trong số các tiêu chuẩn. HACCP là hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm dựa trên nguyên tắc phân tích mối nguy và kiểm soát điểm kiểm soát tới hạn trong quá trình sản xuất thực phẩm để đảm bảo rằng thực phẩm là an toàn khi tiêu dùng. Ở Việt Nam, HACCP được biết đến từ năm 1992 và cho đến nay đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều cơ sở chế biến thủy sản trong đó có công ty. Tuy nhiên, công ty cần đào tạo nhân lực chuyên quản lý, kiểm tra công tác tuân thủ tiêu chuẩn này trong quá trình chế biến nguyên liệu chuẩn bị xuất khẩu. Việc quản lý HACCP phải dự trên bảy nguyên tắc:
+ Nguyên tắc 1: Tiến hành phân tích mối nguy
+ Nguyên tắc 2: Xác định các điểm kiểm soát tới hạn (CCP) + Nguyên tắc 3: Thiết lập các giới hạn tới hạn
+ Nguyên tắc 4: Thiết lập hệ thống giám sát sự kiểm soát của CCP
+ Nguyên tắc 5: Thiết lập hành động khắc phục cần tiến hành khi khâu giám sát chỉ ra bằng một CCP nào đó không được kiểm soát
+ Nguyên tắc 6: Thiết lập các thủ tục kiểm tra xác nhận để khẳng định là hệ thống HACCP hoạt động hiệu quả
+ Nguyên tắc 7: Lập tư liệu về tất cả các thủ tục và các ghi chép phù hợp với các nguyên tắc này và tương ứng với việc ứng dụng chúng
Lợi ích của việc áp dụng HACCP mang lại là vô cùng to lớn:
Thứ nhất, giúp giảm giá thành sản phẩm do giảm chi phí xử lý sản phẩm sai
hỏng, chi phí và thời gian đánh giá thử nghiệm trong quá trình giao nhận, đầu thầu. Như vậy, khi giá thành giảm sẽ thu hút được nhiều đối tác muốn nhập khẩu sản phẩm của công ty hơn không chỉ vì giá cả rẻ hơn mà còn đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là một lợi thế cạnh tranh của công ty so với các đối thủ trong việc xuất khẩu thủy sản.
Thứ hai, được xem xét miễn, giảm kiểm tra khi có giấy chứng nhận và Dấu
Chất lượng Việt Nam. Đây là bằng chứng tin cậy để tạo được niềm tin cho khách hàng, người tiêu dùng, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của nhiều tiêu dùng về chất lượng và an toàn sản phẩm.
Thứ ba, gia tăng cơ hội cạnh tranh trên thị trường với bằng chứng được thừa
nhận về sự phù hợp với một tiêu chuẩn đã được chấp nhận ở cấp độ quốc gia, khu vực hay quốc tế. Đồng thời, đáp ứng được các yêu cầu luật định của quốc gia và có cơ hội để vượt qua rào cản kỹ thuật của nhiều thị trường trên thế giới với các thỏa thuận thừa nhận song phương và đa phương.
Như vậy, thay vì mời các chuyên gia am hiểu về tiêu chuẩn HACCP đến quản lý thì có thể tự đào tạo nguồn nhân lực tại công ty để sử dụng lâu dài. HACCP là một tiêu chuẩn vô cùng quan trọng vì nó kiểm soát mọi mối nguy tiềm ẩn trong suốt
quá trình sản xuất, thông qua việc kiểm soát những mối nguy hại như: tác nhân gây ô nhiễm, vi sinh vật, hóa học, vật lý, đồng thời giúp công ty đảm bảo rằng sản phẩm của mình an toàn cho người tiêu dùng. Do vậy, điều cần thiết là phải áp dụng tiêu chuẩn này một cách sâu rộng trong quy trình chế biến, phải có nhân lực quản lý, kiểm tra quá trình áp dụng để đem lại hiệu quả tối đa.
Một trong những tiêu chuẩn khi nhắc đến thủy sản là ISO 22000. Đây là tiêu chuẩn quốc tế áp dụng cho các tổ chức nằm trong chuỗi thực phẩm. Công ty nên đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn này vì đây chứa đựng các biện pháp ngăn ngừa, bảo đảm chất lượng theo truyền thống cộng thêm các biện pháp ngăn ngừa an toàn thực phẩm. Áp dụng ISO 22000 sẽ giúp công ty:
Thứ nhất, thiết lập và cải tiến các quá trình nội bộ để cung cấp thực phẩm an
toàn thích hợp
Thứ hai, cung cấp lòng tin cho khách hàng và các bên quan tâm khác (thông
qua quá trình chứng nhận ISO 22000 rằng công ty có khả năng kiểm soát các mối nguy an toàn thực phẩm và cung cấp các sản phẩm an toàn.
Thứ ba, cung cấp các phương pháp cải tiến thường xuyên giúp đảm bảo rằng
hệ thống quản lý an toàn thực phẩm được xem xét và cập nhật sao cho tất cả các hoạt động có liên quan đến an toàn thực phẩm liên tục được tối ưu hóa và hiệu quả.
Tóm lại, công ty nên đẩy mạnh triển khai việc thực hiện ISO 22000 để giúp nâng cao quản lý; đảm bảo chất lượng, độ tin cậy và an toàn; giảm chi phí từ việc thu hồi hoặc hủy bỏ sản phẩm không đủ tiêu chuẩn chất lượng; kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm hiệu quả hơn; phát triển hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.
Ngoài việc áp dụng các tiêu chuẩn trong khâu chế biến thì việc áp dụng các tiêu chuẩn trong khâu nuôi trồng thủy sản cũng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm của công ty. Ở các điểm nuôi trồng thủy sản, công ty nên áp dụng chương trình VietGAP nhằm mục tiêu kiểm tra sức khỏe và an sinh động vật nuôi, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo trách nhiệm xã hội xuyên suốt từ đầu vào đến đầu ra của quy trình nuôi thủy sản. Chính nhờ áp dụng VietGAP sẽ giúp công ty dễ dàng trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo thuận lợi cho việc làm giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Nhờ thế, các sản phẩm của công ty có giá trị cao hơn so với các sản phẩm thông thường khác và đương nhiên cơ hội xâm nhập vào thị trường khó tính như Mỹ, EU,... sẽ rộng mở hơn. Bên cạnh đó, một lợi ích khác cho công ty là chi phí xây dựng mô hình áp dụng VietGAP sẽ ít tốn kém hơn do chi phí tư vấn thấp, quy trình kỹ thuật dễ áp dụng hơn, có sự hỗ trợ của Nhà nước địa phương về đầu tư công trình cơ sở hạ tầng, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ kiểm dịch chất lượng con giống cho vùng nuôi,... Ngoài ra chi phí đánh giá, giám sát và chứng nhận cũng phù hợp hơn các chứng nhận từ các Tổ chức nước ngoài. Như vậy, để tạo được uy tín trên thị trường thế giới, công ty cần phải kết hợp với các cơ sở nuôi trồng áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật để chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng là tốt nhất. Công ty nên ký kết hợp đồng với người nuôi trồng, giúp đỡ họ về kỹ thuật nuôi trồng, về giống, hướng dẫn ngư dân về kỹ thuật bảo quản nguyên liệu sau thu hoạch. Công ty cũng nên tăng cường công tác kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở nuôi trồng và đưa ra các biện pháp nhằm đối phó với các cơ sở vi phạm các yêu cầu trong hợp đồng đã ký.