Cấu trúc, tổ chức lực lượng bán hàng

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hoạt động quản trị bán hàng tại công ty cổ phần công nghệ và truyền thông mộc (Trang 65 - 67)

Do hoạt động phân phối, bán hàng là hoạt động chính của công ty nên cơ cấu nguồn lực bán hàng bao gồm: Lực lượng bán hàng của công ty có 73 người, trong đó Phòng kinh doanh có 15 thành viên có nhiệm vụ nắm bắt doanh số, tiếp nhận các đơn hàng buôn và chăm sóc các khách hàng là đại lý, nhà bán buôn của Công ty. Tuy nhiên, trong phòng Kinh doanh chưa có sự phân mảng hoạt động cụ thể cho từng thành viên nên xảy ra hiện tượng phân công chồng chéo công việc, người phải thực hiện một lúc vài nhiệm vụ trong khi có người hoàn toàn rảnh rỗi. Thêm vào đó, điều này cũng dẫn đến hậu quả là các nhân viên trong phòng hoạt động rời rạc, thiếu gắn kết.

Cứ 2 tháng một lần, trưởng phòng kinh doanh trực tiếp đi khảo sát thực tế. Hơn nữa, phòng kinh doanh còn nắm được thông tin phản hồi của khách hàng về sản phẩm, giá cả, dịch vụ và uy tín của Công ty ở từng khu vực như thế nào để từ đó tiến hành điều chỉnh cho phù hợp với từng nơi. Việc khảo sát thực tế không thể giúp Công ty nắm bắt thông tin về các điểm bán hàng liên tục nên mỗi tuần các cửa hàng đều báo cáo tình hình xuất nhập, dự trữ tồn kho lên cho phòng kinh doanh.

Cửa hàng được bố trí có 6 nhân viên bán hàng và một cửa hàng trưởng, một cửa hàng phó, một nhân viên kế toán và một nhân viên kỹ thuật. Cửa hàng phụ trách tiếp nhận khách hàng mua lẻ, tiếp nhận đơn buôn từng khu vực rồi chuyển lên phòng kinh doanh. Việc tổ chức bán hàng này giúp Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông Mộc tiết kiệm được chi phí thuê nhân viên bán hàng.

Ngoài ra, việc sắp xếp hàng hóa tại cửa hàng chưa thực sự bắt mắt, nhân viên bán hàng đôi khi không chú ý việc sắp xếp lại và lau dọn cửa hàng. Điều này có thể làm giảm thiện cảm của khách hàng đối với cửa hàng và đối với Công ty.

2.3.3. Tuyển dụng và đào tạo

2.3.3.1. Tuyển chọn nhân viên

Quy trình tuyển dụng của Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông Mộc được thực hiện theo đúng quy trình. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều áp dụng một quy trình như khuôn mẫu, cũng có những trường hợp đặc biệt, hoặc tuyển dụng cho các vị trí khác nhau cũng có cách tuyển dụng khác nhau.

• Lập kế hoạch tuyển dụng

Phòng nào cần tuyển dụng thì Trưởng phòng đó đề xuất lên ban giám đốc: số lượng nhân viên cần tuyển, các vị trí cần tuyển và các tiêu chuẩn đặt ra đối với ứng viên.

• Xác định phương pháp và các nguồn tuyển dụng

Công ty xác định vị trí nào nên tuyển người ở trong Công ty (tức là thuyên chuyển công tác nhân viên trong công ty), và vị trí nào nên tuyển mới. Các hình thức tuyển dụng sẽ được áp dụng là phỏng vấn hay thi tuyển (đối với tuyển mới), tự ứng cử hay do các trưởng phòng đề bạt (đối với tuyển người ở trong Công ty)

• Xác định địa điểm, thời gian tuyển dụng

Xác định được những địa điểm cung cấp nguồn lao động thích hợp (các trường Đại học, Cao đẳng, dạy nghề để lựa chọn những ứng viên phù hợp với yêu cầu công việc của công ty). Lên thời gian tuyển dụng phù hợp với nhu cầu (cần tuyển gấp hay tuyển dụng trong thời gian dài hơn để tìm được ứng viên tốt nhất).

• Lựa chọn ứng viên

Dùng nhiều hình thức đa dạng để thu hút các ứng viên, đặc biệt là phải xây dựng được hình ảnh tốt đẹp, và đúng với thực tế của doanh nghiệp. Tổ chức các vòng tuyển chọn và các buổi gặp gỡ, phỏng vấn cởi mở với các ứng viên.

• Đánh giá quá trình tuyển dụng

Công ty đánh giá lại quá trình tuyển dụng có gì sai sót không và kết quả tuyển dụng có đáp ứng được nhu cầu nhân sự của doanh nghiệp hay không.

Đối với bộ phận bán hàng tại Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông Mộc qua tìm hiểu, có thể tập hợp lại những yêu cầu chung đối với nhân viên bán hàng như sau: tuổi từ 21 – 30 (ưu tiên nam), tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên ngành Kinh tế (Marketing/Quản trị kinh doanh…) có ngoại hình khá, sức khỏe tốt và giao tiếp tiếng anh cơ bản, thành thạo các kỹ năng soạn thảo văn bản, excel. Ngoài ra, cần phải có hiểu biết về công nghệ thông tin.

2.3.3.2. Đào tạo nhân viên

Hiện nay, Công ty chưa có một quy trình đào tạo cụ thể nào cho nhân viên bán hàng. Các nhân viên mới nhận vào làm chỉ được đào tạo trong khoảng 1 tuần về thông tin chi tiết các sản phẩm của Công ty còn về kĩ năng và nghiệp vụ bán hàng phải tự học hỏi từ các nhân viên cũ trong quá trình làm việc. Điều này cho thấy, Công ty chưa chú trọng đến việc phát triển trình độ cũng như chuyên môn của đội ngũ bán hàng một cách bài bản và chưa nâng cao được niềm tin, lòng trung thành của nhân viên với Công ty.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hoạt động quản trị bán hàng tại công ty cổ phần công nghệ và truyền thông mộc (Trang 65 - 67)