Nhóm các yếu tố đầu vào phát triển nông nghiệp CNC

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao của chính quyền địa phương cấp tỉnh nghiên cứu tại thành phố hà nội (Trang 59 - 61)

Các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao được thể hiện qua các yếu tố đầu vào của sản xuất như đất đai, vốn, công nghệ sản xuất, lao động... Cụ thể là:

-Các yếu tố đất đai:

Các doanh nghiệp khó sở hữu trong tay những “cánh đồng mẫu lớn” để đầu tư nông nghiệp CNC đã diễn ra rất nhiều năm nhưng vẫn chưa có cách giải quyết. Trên thực tế, theo quy định của pháp luật hiện nay, đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước, người nông dân chỉ có quyền cho thuê hoặc liên kết, không có quyền bán. Như vậy, việc tích tụ ruộng đất là rất khó khăn. Mặc dù cũng có nhiều cơ chế, chính sách dồn diền đổi thửa đã được triển khai thực hiện, song để có quy mô đủ lớn để sản xuất nông nghiệp hàng hóa là khó, chỉ ở quy mô nhỏ và các mô hình điểm.

Trong rất nhiều hội nghị, hội thảo, các doanh nghiệp đều tập trung phản ánh những khó khăn về việc tích tụ đất, thuê quỹ đất sản xuất. Doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp CNC phải tự đi thương lượng, đền bù với người dân. Sau đó Nhà nước sẽ thu hồi phần đất đó rồi cho doanh nghiệp thuê lại. Như vậy, doanh nghiệp phải mất hai lần tiền mới có đất “sạch” để sản xuất. Vì vậy, cần phải nhanh chóng có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp có đất, tích tụ đất để mở rộng sản xuất, sản xuất quy mô lớn để ứng dụng công nghệ cao…trong đó có cần đặc biệt quan tâm đến giải pháp về

thành lập ngân hàng quỹ đất, hình thành thị trường quyền sử dụng đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

-Các yếu tố vốn

Bên cạnh những khó khăn về đất đai, doanh nghiệp cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn về tiếp cận nguồn vốn. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, yêu cầu vốn đầu tư ban đầu lớn là một trong các rào cản đối với thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao, năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tiếp cận được với vốn là rất khó, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ.

Các doanh nghiệp lớn có thể vay vốn theo các dự án, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không vay được vốn ngân hàng do thủ tục phức tạp và phải có tài sản đảm bảo mới được ngân hàng cho vay. Do vậy, các doanh nghiệp chưa thật sự mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Như vậy, để thực sự thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cần hình thành nên các Quỹ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và giúp các doanh nghiệp thực sự tiếp cận được các nguồn vốn.

-Các yếu tố nguồn nhân lực

Bản chất của nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới là ứng dụng các công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin từ sản xuất cho đến thu hoạch, chế biến bảo quản, logistic, và tiếp thị. Bên cạnh đó, nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng thành tựu của kỹ nghệ gen, ứng dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh sử dụng công nghệ nano, hình thành hệ thống canh tác nông nghiệp chính xác đảm bảo cung cấp nước, phân bón hợp lý còn gọi là nông nghiệp thông minh... Do đó, nông nghiệp công nghệ cao luôn đòi hỏi lực lượng lao động chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu chính xác trong tất cả các công đoạn từ sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm.

Vì vậy, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi các địa phương phải có các giải pháp để phát triển nguồn lao động chất lượng cao từ lao động sản xuất trực tiếp đến cán bộ quản lý. Việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kỹ năng, phẩm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng CNC. Nền nông nghiệp CNC có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

-Các yếu tố thị trường

Đầu tư vào nông nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro như yếu tố thời tiết, thị trường. Chuyện nhà nông “loay hoay” với bài toán đầu ra và tình trạng “được mùa, mất giá, bí đầu ra” đến nay vẫn chưa có phương pháp giải quyết triệt để. Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cũng phải chịu tâm lý thấp thỏm bởi tình trạng “vàng thau lẫn lộn” vẫn đang khá phổ biến.

Nông nghiệp CNC đòi hỏi nhiều yêu cầu kỹ thuật khắt khe, đầu tư lớn, giá thành sản phẩm cao. Nếu sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, ảnh hưởng không chỉ đến doanh nghiệp mà còn gây rủi ro cho người nông dân. Do đó, vấn đề thị trường, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp sạch, công nghệ cao cần được quan tâm tháo gỡ, tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp lẫn người dân khi đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao.

-Các yếu tố KHCN

Hình thành sàn giao dịch công nghệ cao trong nông nghiệp và phát triển các loại hình dịch vụ môi giới, tư vấn, đánh giá, đầu tư, pháp lý, tài chính, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ và các dịch vụ nghiên cứu phát triển CNC… là rất cần thiết và có tác động nhằm thúc đẩy hoạt động công nghệ cao, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm công nghệ cao trong nông nghiệp;

Việc xây dựng và áp dụng cơ sở dữ liệu về công nghệ cao trong nông nghiệp là rất cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng, trao đổi thông tin về công nghệ cao trong nông nghiệp; tổ chức, tham gia chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ cao trong nông nghiệp quy mô quốc gia, quốc tế.

Tạo dựng mạng lưới nhân lực chất lượng cao thông qua đào tạo, tập huấn và chuyển giao để đáp ứng tốt nhân lực quản lý tổ chức sản xuất nông nghiệp CNC, cũng như nhân lực là lao động kỹ thuật cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp CNC.

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao của chính quyền địa phương cấp tỉnh nghiên cứu tại thành phố hà nội (Trang 59 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w